Việt Nam áp thuế chống bán phá giá một số sản phẩm thép Trung Quốc

Một số sản phẩm thép xuất xứ Trung Quốc sẽ chịu mức thuế chống bán phá giá tạm thời khoảng 19,38-27,83%, áp dụng từ 8/3.

1 Viet Nam Ap Thue Chong Ban Pha Gia Mot So San Pham Thep Trung Quoc

Năm ngoái, Bộ Công Thương điều tra chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ, Trung Quốc trong giai đoạn từ 1/7/2023 đến 30/6/2024. Cuộc điều tra được khởi xướng sau khi cơ quan này nhận được yêu cầu từ hai doanh nghiệp đại diện ngành sản xuất trong nước là Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất và công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa.

Ngày 21/2, Bộ Công Thương có Quyết định 460 về việc áp thuế chống bán phá giá tạm thời với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời với hàng hóa bị điều tra có xuất xứ Trung Quốc từ 19,38-27,83%, áp dụng từ ngày 8/3.

Trong khi đó, với hàng hóa bị điều tra từ Ấn Độ, kết quả điều tra cho thấy có hành vi bán phá giá nhưng do tỷ lệ nhập khẩu không đáng kể (dưới 3%). Vì vậy, hàng hóa bị điều tra từ Ấn Độ được loại khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời.

Bộ Công Thương cho biết cơ quan này thực hiện theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương trong quá trình điều tra vụ việc. Họ đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét, đánh giá tác động từ hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu với sản xuất trong nước. Mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Ấn Độ và Trung Quốc cũng được xem xét kỹ lưỡng.

Theo số liệu hải quan, lượng nhập khẩu thép cán nóng từ Trung Quốc năm ngoái đạt 12,6 triệu tấn, tăng hơn 33% so với năm 2023. Đặc biệt, sau khi Bộ Công Thương ra quyết định khởi xướng điều tra vụ việc từ tháng 7/2024, lượng nhập khẩu thép cán nóng từ thị trường này vẫn tiếp tục gia tăng một cách đáng kể.

Do vậy, Bộ Công Thương xem xét áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời. Việc này nhằm ngăn chặn lượng nhập khẩu thép cán nóng gia tăng nhanh có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước thời gian tới.

Theo quy định, nhà điều hành sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan để thu thập, xác minh thông tin và đưa ra kết luận cuối cùng. Việc này sẽ phải dựa trên cơ sở đánh giá tác động toàn diện của vụ việc.

Phương Dung

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan