BN 17 được điều trị khỏi Covid-19 tại Việt Nam.
Những ngày tháng 9 mùa thu, tiết trời dễ chịu hơn khi không còn những cơn oi nồng bức bách của mùa hạ. "Dễ thở" hơn nữa là những thông tin về cuộc chiến chống dịch của Chính phủ Việt Nam đang chuyển biến tích cực, rõ rệt.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tính đến 6h ngày 23/9, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Tính từ 18h ngày 22/9 đến 6h ngày 23/9: 0 ca mắc mới. Đây là ngày thứ 21 liên tiếp không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng.
Tất cả các mặt của đời sống đều đang cố gắng bắt nhịp và phục hồi nhanh nhất có thể. Điều đó lại càng khiến người ta muốn quên đi những câu chuyện cách đây nửa năm, trong đó có câu chuyện của N.H.N - bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17 tại Việt Nam, ca nhiễm bệnh đầu tiên tại Hà Nội và chị gái của cô - N.N.
Thế nhưng, không hiểu vì lẽ gì câu chuyện đó lại được những người trong cuộc "đào xới" lại với cách nhìn mang nhiều tính chủ quan.
Cụ thể, trong bài viết với nhan đề "The Public-Shaming Pandemic" (tạm dịch: “Đại dịch gây hổ thẹn cho cộng đồng”) trên The New Yorker (một tạp chí của Mỹ), N.N đã chia sẻ về cảm nhận của bản thân khi bị phát hiện nhiễm Covid-19 và quá trình đau khổ của em gái cô (bệnh nhân số 17) khi phải điều trị ở Việt Nam.
Từ đó, tác giả bài viết so sánh cách xử lý của các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu và Việt Nam trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.
Bài báo trên The New Yorker không nhắc đến việc N.H.N không trung thực khai báo y tế khi trở về Việt Nam.
Bài báo đưa nhiều thông tin về quá trình điều trị của N.N tại Đức và của N.H.N tại Việt Nam. Trong khi N.H.N về nước vào ngày 1/3, chị gái cô có chuyến công tác ngắn ngày tại Đức. Tại đây, cô có biểu hiện ho, sốt và ngày càng nặng hơn. Hai ngày sau khi lấy mẫu xét nghiệm, N.N được xác định dương tính với Covid-19.
Đến ngày 12/3, N.N được đưa đến bệnh viện. Cô ở đó hơn một tuần, sau đó trở về nhà người thân của mình đến khi bình phục hoàn toàn. Hiện tại, trở lại London, cô ấy cảm thấy "rất biết ơn sự chăm sóc" mà cô nhận được ở Đức.
Nêu trường hợp điều trị bệnh của hai chị em BN 17, The New Yorker lập luận: "Những gì hai chị em N.N trải qua khi mắc Covid-19 hoàn toàn khác nhau. Các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu có các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư rất chặt chẽ, không ai ngoài gia đình của N.N và một vài người bạn biết rằng chị gái BN 17 mắc Covid-19. Trong khi đó, sau cuộc họp báo trực tuyến để thông báo tình trạng sức khoẻ của BN 17, hình ảnh của N.H.N được tiết lộ. Từ đó, thông tin cá nhân của cô được cộng đồng mạng chia sẻ rầm rộ. Thậm chí, trang cá nhân Instagram có hơn 10.000 người theo dõi đã bị cộng đồng mạng xông vào công kích, đến mức N.H.N đã phải thay đổi thành tài khoản riêng tư".
Bên dưới lập luận của The New Yorker, N.N giãi bày: "Chúng tôi đã phải chiến đấu với virus, trong khi đó những bài viết này như gáo nước lạnh khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn".
N.N còn cho rằng những vụ tấn công nói trên là biểu hiện của sự ghen tị giai cấp.
"Chúng tôi có có quá nhiều đặc quyền và chúng tôi đi du lịch rất nhiều", chị gái BN 17 nói thêm. Cô cho rằng, sự chú ý đặc biệt mà cô và em gái nhận được ở những nơi khác sẽ coi là phân biệt chủng tộc.
"Nếu đó là Paris Hilton bị nhiễm bệnh thì chắc người ta cũng chẳng tức giận đến thế đâu", cô này khẳng định.
Bệnh nhân số 17 cảm ơn bài viết của The New Yorker trên trang instagram cá nhân.
Không dừng lại ở đó, em gái của cô (bệnh nhân số 17) tiếp tục đăng lại link bài viết "The Public-Shaming Pandemic" của The New Yorker trên story Instagram, đồng thời, cảm ơn tờ báo này khi đã đưa tin về cô.
Nội dung N.H.N chia sẻ tạm dịch là: “Cảm ơn The New Yorker đã làm sáng tỏ câu chuyện của chúng tôi cùng những câu chuyện khác trên khắp thế giới. Những gì đã trải qua thật kinh khủng vào thời điểm đó, nhưng nhờ vậy, tôi trưởng thành hơn, học được những bài học và tôi tin rằng tôi đã trở thành người mạnh mẽ hơn. Gửi tới những ai đang cảm thấy cô đơn lạnh lẽo và tuyệt vọng như tôi đã từng, rằng luôn có ánh sáng nơi cuối con đường”.
Có thể thấy, bài viết của The New Yorker không hề nhắc đến việc N.H.N có 2 hộ chiếu khi nhập cảnh vào Việt Nam ngày 2/3, đó là lý do khiến việc cô đã đi tới nhiều quốc gia trong đó có Italia nhưng không bị phát hiện khi nhập cảnh.
Hậu quả của sự dối trá này là cả khu phố Trúc Bạch bị phong tỏa 14 ngày, nhiều người lây bệnh từ N.H.N. Trong đó có bệnh nhân số 19 là bác của cô và suýt chút nữa đã không qua khỏi nếu không có sự cố gắng cứu chữa của các y bác sĩ Việt Nam.
Con phố Trúc Bạch bị cách ly khi N.H.N được xác định dương tính với Covid-19.
Trong lúc ca nhiễm đầu tiên tại Hà Nội bị dư luận mạng xã hội chỉ trích vì không trung thực khi khai báo y tế, cô vẫn được chăm sóc tại bệnh viện hoàn toàn miễn phí, điều trị trong thời gian dài cho đến khi khỏi bệnh, xuất viện và không có một thông tin nào về cô hé lộ trên báo chí.
N.H.N không bị truy cứu hành vi và hậu quả gian dối do cô ta đã gây ra tại đất nước quê hương của mình.
Người dân Việt Nam sẵn lòng tha lỗi cho cô khi nhìn thấy kết quả của việc phòng chống dịch tại Việt Nam rất tốt so với thế giới và các nước phát triển về y tế hàng đầu.
Bài phỏng vấn của Giáo sư kinh tế học xuất sắc Roerbt Pollin trên Truthout.
Thành công trong chống dịch của Việt Nam chính là công khai và minh bạch, đặc biệt là lịch trình di chuyển.
Tất cả mọi người dân Việt Nam chấp nhận hy sinh một phần lợi ích, một phần quyền riêng tư của mình để tạo nên thành công chung của cả nước. Đó là sự khác biệt đã tạo nên câu chuyện thần kỳ của Việt Nam hôm nay trong việc chống lại đại dịch Covid - kẻ thủ ác đã cướp đi gần 1 triệu mạng người trên thế giới.
Vẫn biết, thật khó để so sánh và áp dụng triệt để những gì tại Việt Nam vào Mỹ/ Đức và ngược lại trong chiến dịch chống Covid-19 lần này. Cũng bởi các đất nước thuộc thể chế cũng như các nền văn hoá khác nhau.
Nhưng, trong bài phỏng vấn với tờ Truthout (Mỹ) hồi tháng 8 vừa qua, Giáo sư kinh tế học xuất sắc Roerbt Pollin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Chính trị tại Đại học Massachusetts đã thừa nhận: "Đây là quốc gia (Việt Nam) có thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng khoảng 3% so với ở Mỹ. Nếu Mỹ xử lý Covid-19 ở cấp độ có thẩm quyền như ở Việt Nam trong 8 tháng qua, thì hôm nay, tổng số người Mỹ chết vì đại dịch sẽ ở mức dưới 100".
Theo báo Công an nhân dân, ngày 15/2, BN 17 sử dụng 2 hộ chiếu trên làm thủ tục hàng không và xuất cảnh trên chuyến bay VN0055 theo hành trình từ Nội Bài sang Anh. Ngày 2/3/2020, trên chuyến bay VN0054 từ Anh về Nội Bài, hành khách này tiếp tục sử dụng hộ chiếu Việt Nam để làm thủ tục nhập cảnh.
Sau khi đi qua khu vực kiểm dịch y tế, đến khu vực làm thủ tục nhập cảnh, cán bộ, chiến sỹ Công an Cửa khẩu Nội Bài đã kiểm tra kỹ các trang của hộ chiếu, không phát hiện có dấu kiểm chứng nhập xuất cảnh của Italia cho nên đã giải quyết nhập cảnh bình thường, không phát hiện được hành khách này đã đi qua vùng dịch.
Trong khi đó, nhiều khả năng BN 17 đã sử dụng hộ chiếu Anh để đến các nước trong khu vực châu Âu theo hình thức miễn thị thực.
Có thể những phát ngôn của N.H.N và N.N trên một tạp chí Mỹ không phụ thuộc vào xuất thân, địa vị, tầm ảnh hưởng hay sự giáo dục của gia đình nhưng hành động quay lưng với tất cả những đặc quyền mà cả hai đã nhận được từ mảnh đất hình chữ S là một điều đáng hổ thẹn.
Họ không nhận thức được chính những hành vi thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm của từng cá nhân đã đặt thêm gánh nặng lên vai đồng bào, hàng xóm và chính người thân của mình.
Cả khu phố Trúc Bạch nơi bệnh nhân 17 sinh sống bị phong tỏa 14 ngày, bác của bệnh nhân 17 thập tử nhất sinh nhiều lần trong viện, cả thành phố gánh thêm nhưng khó khăn chất chồng, những chiến sĩ áo trắng vẫn hy sinh bản thân, gia đình để ra tuyến đầu chống dịch, những người lính ngày đêm cực khổ nơi núi rừng biên giới gác biên giới của tổ quốc, hẳn họ không cần nhận một lời xin lỗi.
Nhưng những lời đánh giá mà chị em bệnh nhân 17 "dành tặng" lại đồng bào mình, cho rằng họ đã nhận sự tấn công khi nhiễm Covid-19 là vì sự ghen tỵ giai cấp thì thật sự là một thứ nhận thức lệch lạc.
Giữa thời điểm cả đất nước một lòng chống dịch bệnh, những hành động của chị em bệnh nhân 17 khiến người Việt Nam cảm thấy bất bình. Sự vô ơn không thể là thứ trang sức khiến họ thượng đẳng như họ nghĩ.
Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.
Theo quy định tại Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, hành vi "Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật" là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Do đó, các hành vi trốn tránh các biện pháp phòng tránh dịch bệnh đều bị xử lý. Tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự. Theo Điểm a Khoản 2 Điều 6 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định "Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A" sẽ bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Về trách nhiệm hình sự, theo Điểm c Khoản 1 Điều 240 BLHS 2015, người nào thực hiện "Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" thì bị phạt tiền 50-200 triệu đồng hoặc bị phạt tù 1-5 năm. Nếu hậu quả làm chết người thì khung hình phạt là bị phạt tù 5-10 năm. Nếu hậu quả làm chết 2 người trở lên thì khung hình phạt là bị phạt tù 10-12 năm (Điều 240 BLHS). Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm. |
Bạch Dương
Nguồn: baogiaothong.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC