Báo Đức Die Oberbadische vừa có bài phỏng vấn ông Manuel Wendle, chuyên gia người Đức hiện làm tư vấn tài chính tại Việt Nam, để tìm hiểu tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á, cũng như cách thức Việt Nam khống chế hiệu quả đại dịch này.
"Sự đồng thuận rộng rãi của xã hội" - đó là điều được ông Wendle nhiều lần đề cập trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo Die Oberbadische, khi được hỏi điều gì đã giúp Việt Nam kiểm soát thành công dịch COVID-19.
Theo ông, trong một thời gian dài, do còn hoài nghi nên phương Tây dè dặt ca ngợi sự thành công của Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh.
Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi khi nhiều chuyên gia quốc tế, trong đó có ông John MacArthur - Giám đốc Văn phòng Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) ở Thái Lan, đánh giá cao thành công của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Là người đã đọc nhiều về thành công trong kiểm soát dịch của Việt Nam trên các tờ báo có uy tín ở châu Âu, ông Wendle có cùng quan điểm với chuyên gia MacArthur và nhận thấy chiến thắng dịch bệnh của Việt Nam không có gì là bất ngờ, như bài viết được đề cập trên trang tin Handelsblatt (Thương mại) của Đức mới đây.
Theo ông Wendle, đó là bởi Việt Nam đã có sự đồng thuận xã hội rộng rãi trong việc ủng hộ các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch và các biện pháp đó đã được thực hiện xuyên suốt từ trên xuống dưới.
Tuy các biện pháp này không thể đơn giản áp dụng ở những nước khác, song Việt Nam là ví dụ rõ ràng cho thấy nếu những quyết định chính trị đạt được sự đồng thuận xã hội rộng rãi, thì các biện pháp chống đại dịch sẽ thực sự thành công. Theo ông, trường hợp Việt Nam đã cho thấy rõ điều này.
Chuyên gia Đức cũng lưu ý Việt Nam đã bị dịch Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) tấn công năm 2003, khiến cho việc ra quyết định và thực hiện các biện pháp chống dịch lần này được thực hiện nhanh chóng.
Đánh giá hậu quả do đại dịch gây ra đối với xã hội, chuyên gia Đức cho rằng chưa thể ước tính đầy đủ, song theo ông, ảnh hưởng sẽ không kéo dài.
Lý do là Việt Nam áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian tương đối ngắn, chỉ 3 tuần, trong khi về mặt kinh tế sẽ chịu tác động toàn cầu do Việt Nam đang hội nhập rất nhanh vào các thị trường quốc tế và sự thịnh vượng, phát triển cũng phụ thuộc vào những nước khác. Tuy vậy, hầu hết các nhà kinh tế dự đoán Việt Nam sẽ vẫn tăng trưởng trong năm 2020.
Chuyên gia Wendle được đào tạo trong lĩnh vực ngân hàng ở Thụy Sĩ. Ông là người đồng sáng lập Công ty tư vấn Culture Bridge ở Việt Nam nhằm kết nối các dự án hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các nước khác./.
Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC