Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Truthout, nhà kinh tế học tiến bộ nổi tiếng thế giới Robert Pollin lập luận rằng, một nhà nước với chương trình phúc lợi xã hội tiên tiến, toàn dụng lao động, sẽ là lối thoát. Pollin là giáo sư kinh tế học xuất sắc và là đồng Giám đốc của Viện Nghiên cứu Kinh tế Chính trị tại Đại học Massachusetts ở Amherst.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 đang tàn phá nền kinh tế, nhưng nó cũng cho thấy Hoa Kỳ được trang bị kém như thế nào trong việc đối phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế lớn. Trên thực tế, như nhà kinh tế học Joseph Stiglitz đã chỉ ra, "Chúng ta đã xây dựng một nền kinh tế không có bộ giảm xóc".
Với hàng triệu người Mỹ thất nghiệp, đang vật lộn để đáp ứng các nhu cầu cơ bản, ông có thể đánh giá đơn giản về phản ứng kinh tế của chính quyền Tổng thống Trump đối với cuộc khủng hoảng này không?
Robert Pollin: Tính đến ngày 17/8, Hoa Kỳ đang có khoảng 170.000 người chết vì Covid-19 ở Mỹ. Không có bằng chứng nào cho thấy tỷ lệ tử vong sẽ sớm giảm. Mức tử vong do Covid-19 của Hoa Kỳ lên tới 514 người trên 1 triệu người.
Để so sánh, tỷ lệ tử vong của Canada thấp hơn một nửa so với Mỹ, vào khoảng 239 ca tử vong trên một triệu người, ngay cả khi bản thân Canada cũng là một quốc gia phản ứng tương đối kém. Tỷ lệ tử vong của Đức, 110 phần triệu, thấp hơn 80% so với Mỹ.
Trong số những quốc gia phản ứng mạnh mẽ, tỷ lệ tử vong là 15 phần triệu ở Úc, 9 phần triệu ở Nhật Bản, 6 phần triệu ở Hàn Quốc và 3 phần triệu ở Trung Quốc, mặc dù virus này được cho là xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc. Nếu Hoa Kỳ quản lý đại dịch Covid-19 ở mức độ như Úc, thay vì gần 170.000, sẽ chỉ có chưa tới 5.000 người chết vì Covid-19.
Việt Nam là trường hợp phi thường nhất. Chỉ có tổng cộng 22 ca tử vong ở một quốc gia 95 triệu dân, tương đương với tỷ lệ tử vong là 0,25 phần triệu. Chưa kể, đây là một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người chỉ tương đương khoảng 3% so với ở Mỹ. Nếu Hoa Kỳ xử lý Covid-19 như Việt Nam trong 8 tháng qua, thì chắc chưa tới 100 cư dân Hoa Kỳ phải chết vì đại dịch.
Về mặt quản lý khủng hoảng kinh tế, chương trình kích thích khổng lồ trị giá 2 nghìn tỷ USD (10% GDP của Mỹ) mà Quốc hội đã thông qua và ông Trump đã ký vào tháng 3, Đạo luật CARES, đã hỗ trợ đáng kể cho những người lao động thất nghiệp. 56 triệu người - tương đương 35% toàn bộ lực lượng lao động Hoa Kỳ - đã nộp đơn xin thất nghiệp từ tháng 3 đến tháng 9. Phần lớn, tất cả họ đều nhận được 600 USD mỗi tuần hỗ trợ bổ sung. Đạo luật CARES cũng cung cấp các gói cứu trợ khổng lồ cho các tập đoàn lớn và Phố Wall.
Song, rõ ràng là Đạo luật này vẫn chưa thể đáp ứng được mức độ khủng hoảng sắp tới. Nó chỉ cung cấp hỗ trợ tối thiểu cho các bệnh viện trên tuyến đầu chống lại đại dịch, và thậm chí ít hỗ trợ hơn cho các chính quyền địa phương và tiểu bang.
Nhà kinh tế học Timothy Bartik của Viện Upjohn ước tính rằng các chính quyền tiểu bang và địa phương đang xem xét khoản thâm hụt ngân sách lên tới 1 nghìn tỷ USD đến cuối năm 2021, bằng 20-25% toàn bộ ngân sách của họ. Nếu những khoảng trống ngân sách này không được lấp đầy trong thời gian ngắn, chúng ta sẽ bắt đầu chứng kiến việc sa thải hàng loạt y tá, giáo viên, người trông coi trường học và nhân viên cứu hỏa. Tất nhiên, những khoản cắt giảm ngân sách này sẽ chỉ lan rộng và làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra.
Đa số thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện đã thông qua biện pháp kích thích trị giá 3 nghìn tỷ USD thứ hai, Đạo luật HEROES, vào tháng 5. Nó bao gồm 1 nghìn tỷ USD hỗ trợ cho chính quyền tiểu bang và địa phương. Nhưng ông Trump và phe Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện, đã chặn Đạo luật này trong 3 tháng qua.
Trong khi đó, 16 triệu công nhân hiện đã mất khoản hỗ trợ 600 USD mỗi tuần trong các khoản trợ cấp bổ sung và các chính quyền địa phương và tiểu bang đang đứng trước sự sụp đổ.
Mỹ và châu Âu đã giải quyết tình trạng thất nghiệp do Covid-19 gây ra theo những cách khác nhau. Châu Âu là tìm cách duy trì một môi trường làm việc ổn định thông qua trợ cấp cho các công ty và bằng cách quốc hữu hóa hiệu quả biên chế. Mỹ tìm cách thúc đẩy một thị trường lao động linh hoạt, khuyến khích người lao động, như Ivanka Trump đã nói, " tìm một cái gì đó mới" bởi vì công việc cũ sẽ không quay trở lại.
Kết quả cuối cùng là trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt ở Mỹ thì nhiều nước châu Âu lại chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tăng chưa đến 1 điểm phần trăm. Ông đánh giá ra sao về điều đó?
Vào tháng 4, Dân biểu Pramila Jayapal của Washington, một nhà lãnh đạo của Hạ viện Cấp tiến, đã giới thiệu Đạo luật Đảm bảo Tiền lương. Theo đề xuất này, chính phủ liên bang sẽ cung cấp các khoản trợ cấp cho tất cả người sử dụng lao động khu vực tư và công, giúp họ duy trì hoạt động và giữ tất cả công nhân của họ trong biên chế, bất chấp sự sụt giảm doanh thu của các công ty này do đại dịch và khóa cửa.
Thông qua chương trình này, tỷ lệ thất nghiệp sẽ không gia tăng đáng kể. Người lao động cũng sẽ không bị mất bảo hiểm chăm sóc sức khỏe dựa trên người sử dụng lao động của họ. Kế hoạch này có thiết kế và phạm vi tương tự như các chính sách đã được áp dụng ở một số nền kinh tế châu Âu, bao gồm Đức, Anh, Đan Mạch và Pháp.
4 tháng sau, Hoa Kỳ không thông qua đề xuất của Jayapal. Theo số liệu gần đây nhất của tháng 6 và tháng 7 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 10,2%, trong khi tỷ lệ ở các quốc gia có các chương trình kiểu Jayapal bao gồm Anh là 3,9%, Đức là 4,2%, Đan Mạch là 5,8% và Pháp với tỷ lệ cao nhất, ở mức 7,7%. Trung bình đối với toàn Liên minh châu Âu là 6,2%.
Đối với nền kinh tế Hoa Kỳ, sự khác biệt giữa tỷ lệ thất nghiệp 10,2% so với 6,2% tương đương với 6,4 triệu người không có việc làm - tức là nhiều người hơn toàn bộ dân số của Los Angeles và Chicago cộng lại. Ngoài ra, ít nhất 15 triệu người - bao gồm cả công nhân thất nghiệp và các thành viên gia đình của họ - mất bảo hiểm y tế do chủ lao động tài trợ khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ gia tăng.
Vì vậy, chắc chắn, về trung bình, châu Âu đã xử lý cuộc khủng hoảng thất nghiệp tốt hơn nhiều so với Mỹ.
Theo nhiều chuyên gia y tế, Covid-19 có thể không bao giờ biến mất ngay cả khi có vaccine, và suy thoái Covid-19 thực sự có thể trở thành một giai đoạn trầm cảm kéo dài. Trong trường hợp như vậy, làm thế nào chúng ta có thể chống thất nghiệp theo chu kỳ và đảm bảo rằng mức sống của tầng lớp lao động và trung lưu ở Mỹ không bị sụt giảm nghiêm trọng?
Tôi chắc chắn không có chuyên gia nào đánh giá mất bao lâu để đưa Covid-19 vào tầm kiểm soát ở Mỹ. Nhưng trong trường hợp chúng ta phải đối mặt với một loại virus mà chúng ta không thể kiểm soát đầy đủ, ngay cả thông qua tiêm chủng phổ cập, thì tôi sẽ nói rằng đã đến lúc bắt đầu học hỏi từ Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, và - có thể đặc biệt là Việt Nam về cách tạo ra một hệ thống y tế công cộng để giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh.
Về mặt dài hạn, Green New Deal có thể đóng vai trò là nền tảng để xây dựng nền kinh tế toàn dụng lao động. Về mặt kỹ thuật, không khó để tìm ra một khung chính sách có thể mang lại trạng thái toàn dụng lao động.
Để duy trì việc làm đầy đủ trong dài hạn, trước hết chúng ta cần chính phủ cam kết duy trì mức đầu tư công đủ để tạo ra nhiều việc làm ổn định ở mọi cấp độ xã hội. Rõ ràng là, vào thời điểm lịch sử này, chúng ta rất cần các khoản đầu tư công quy mô lớn cho ít nhất một thế hệ để xây dựng một nền kinh tế xanh.
H.A
Nguồn: toquoc.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC