Đừng lo 'chảy máu chất xám, thiếu nhân tài'

Đừng lo 'chảy máu chất xám, thiếu nhân tài'

Tôi muốn chia sẻ góc nhìn của cá nhân về mối lo chảy máu chất xám, mối lo thiếu nhân tài, trước hiện tượng nhiều du học sinh sau khi học xong không trở về nước, cũng như hiện tượng cả 19 quán quân cuộc thi đường lên đỉnh Olympia đều ở lại Úc sau khi tốt nghiệp đại học.

Có vẻ chúng ta đã hiểu không đúng về cuộc thi đường lên đỉnh Olympia, nên gán cho nó chức năng tìm kiếm nhân tài và cho rằng Việt Nam đã tuyển nhân tài cho nước Úc. Tôi cho rằng Olympia chỉ thuần tuý là một game show cho học sinh lớp 12, học bổng 40.000 USD cấp cho quán quân chỉ là sự quảng bá cho nước Úc và trường đại học Swinburne mà thôi.

Trên thực tế mỗi năm Việt Nam chúng ta có đến vài chục học sinh nhận được học bổng của các trường đại học Úc và hàng trăm học sinh khác nhận được học bổng của các trường đại học Mỹ, Anh, Canada và Châu Âu, mà hầu hết các học bổng này có giá trị lớn gấp 3, 4, 5 lần giá trị học bổng mà các quán quân Olympia đã nhận được. Vì vậy dưới góc nhìn của các trường đại học Úc, Mỹ, Canada, Anh thì các quán quân Olympia cũng chỉ như hàng trăm, hàng nghìn bạn SV khác nhận được học bồng du học mà thôi, chứ không phải tài năng đặc biệt gì.

132 1 Dung Lo Chay Mau Chat Xam Thieu Nhan Tai

Nên nhớ rằng các câu hỏi và đáp án của cuộc thi đường lên đỉnh Olympia thuần tuý là do người Việt Nam nghĩ ra, đại học Swinburne không hề can thiệp. Có nghĩa rằng Olympia chỉ là tài năng dưới góc nhìn của người Việt Nam, chưa chắc đã là tài theo góc nhìn của người Úc, bằng chứng là sau 20 năm trong số 16 quán quân Olympia đã tốt nghiệp đại học, cho đến thời điểm này cả 16 bạn vẫn chỉ là những người bình thường trong xã hội Úc, chưa có ai thật sự thành công ở mức mà người tài ở Úc thành công.

Trong khi đó, cùng lứa với các quán quân Olympia, có rất nhiều bạn du học sinh Úc, Mỹ, Anh, Pháp đã trở về Việt Nam, cũng như rất nhiều bạn tốt nghiệp đại học trong nước, đã lập nghiệp, khởi nghiệp tại Việt Nam đã thành công lớn, có sự nghiệp đáng ngưỡng mộ.

Lê Hồng Minh, chủ tịch kiêm CEO Vinagames (VNG) chỉ hơn thế hệ Olympia đầu tiên 3 tuổi, là du học sinh ngành tài chính ngân hàng ở Úc, trở về Việt Nam năm 2001 và năm 2004 khởi nghiệp với VNG. Thời đỉnh cao VNG có vốn hoá trên thị trường trên 1 tỷ USD. Năm 2019 VNG có tổng tài sản 5.200 tỷ đồng, 2.700 nhân viên, mạng xã hội Zalo của VNG có đến 60 triệu người dùng, còn Lê Hồng Minh được bình chọn là một trong 10 người có ảnh hưởng lớn nhất đến Internet Việt Nam trong một thập kỷ.

Nguyễn Hoà Bình, chủ tịch tập đoàn NextTech cùng lứa với thế hệ Olympia đầu tiên, tốt nghiệp đại học Công nghệ (ĐHQG) năm 2003, nhưng ngay từ năm thứ 2 đại học đã thành lập công ty PeaceSoft (tiền thân của NextTech). Hiện nay, NextTech có 20 công ty con, với hơn 1.000 nhân viên tại 8 quốc gia, sản lượng giao dịch điện tử trên NextTech một năm là 1,5 tỷ USD.

Tạ Sơn Tùng, Phan Thế Dũng và Bùi Quang Huy, chủ tịch, TGĐ và COO (giám đốc điều hành) của công ty phần mềm RikkeiSoft cùng lứa với thế hệ Olympia năm thứ 6. Tốt nghiệp đại học tại Nhật Bản năm 2011, trở về Việt Nam đầu quân cho FPT Software 8 tháng, năm 2012 ra lập Rikkeisoft và chỉ 8 năm sau ở tuổi 32 đã là chủ tịch, TGĐ và giám đốc điều hành của công ty xuất khẩu phần mềm có 1200 nhân viên, trong đó có 200 nhân viên tại Nhật Bản.

Nguyễn Hoàng Minh và Lê Hồng Việt cùng lứa với thế hệ Olympia đầu tiên, sau khi du học Pháp và Úc trở về gia nhập FPT. Hiện tại Nguyễn Hoàng Minh là TGĐ công ty FPT IS với 2.500 nhân viên, còn Lê Hồng Việt được bổ nhiệm CTO FPT từ năm 2015 và hiện tại là TGĐ công ty FPT Smart Cloud. Chu Quang Huy, giám đốc nhân sự FPT còn trẻ hơn, anh cùng lứa với thế hệ Olympia thứ 8 (chỉ học đại học trong nước).

Danh sách các bạn trẻ thành công ở Việt Nam còn rất nhiều, ai quan tâm có thể tra cứu 120 cá nhân trong danh sách Forbes 30 Under 30 mà Forbes đã vinh danh trong các năm 2015, 2016, 2018, 2020.

Những chủ tịch, CEO, CTO, COO tôi kể ở trên đã minh chứng rằng Việt Nam có rất nhiều cơ hội cho các bạn du học sinh trở về nước lập nghiệp.

Chính vì vậy tôi cho rằng đừng lo Việt Nam bị chảy máu chất xám, đừng lo Việt Nam thiếu nhân tài, đừng tranh cãi về việc “về hay ở” của du học sinh, bởi đấy là chuyện của cá nhân, ở lại cũng tốt mà về nước có khi còn tốt hơn, cơ hội ở đâu cũng có, chỉ phụ thuộc vào cá nhân mình thôi.

 

Đỗ Cao Bảo

Nguồn: vietnambusinessinsider.vn


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan