Học giả Đức đánh giá cao thành tựu của Việt Nam, đặt nhiều kỳ vọng về chính phủ mới

Học giả Đức đánh giá cao thành tựu của Việt Nam, đặt nhiều kỳ vọng về chính phủ mới

Ngày 5/4, phóng viên tại Đức đã có các cuộc trao đổi với một số chuyên gia, học giả Đức để đánh giá về những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, đồng thời đưa ra những nhận định về chính phủ mới.

132 1 Hoc Gia Duc Danh Gia Cao Thanh Tuu Cua Viet Nam Dat Nhieu Ky Vong Ve Chinh Phu Moi

Foto: Giáo sư Thomas Engelbert – Đại học Tổng hợp Hamburg trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Ảnh: Vũ Tùng - p/v TTXVN tại Đức

Theo Giáo sư Thomas Engelbert – Đại học Tổng hợp Hamburg, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam được cả thế giới khen ngợi, với số ca tử vong rất thấp. Ngay từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã nhanh chóng đóng cửa biên giới và thực hiện các biện pháp chống dịch mạnh mẽ, do đó đã hạn chế tối đa sự xâm nhập của virus SARS-CoV-2.

Khi một số khu vực xuất hiện dịch bệnh, ngay lập tức các biện pháp cách ly, phong tỏa và điều tra dịch tễ được áp dụng triệt để. Vì thế trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam đã hạn chế được đáng kể những tác động tiêu cực. Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng tốt. Đó là một thành tựu đáng trân trọng của Chính phủ và Nhà nước Việt Nam.

Đồng quan điểm với Giáo sư Engelbert, ông Wolfgang Bork, chuyên gia về Luật hành chính và là thành viên Hội Nhịp cầu Đức – Việt đánh giá cao thành tựu của Việt Nam, đặc biệt là Chính phủ Việt Nam đã có nhiều thành công trong đối phó với khủng hoảng đại dịch COVID-19 và phát triển kinh tế. Trong khi cả thế giới đang phải đối phó với những hậu quả nặng nề của đại dịch và nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2, Việt Nam ngay từ đầu đã thực hiện những biện pháp quyết liệt để kiểm soát đại dịch.

132 2 Hoc Gia Duc Danh Gia Cao Thanh Tuu Cua Viet Nam Dat Nhieu Ky Vong Ve Chinh Phu Moi

Ông Wolfgang Bork, chuyên gia về Luật hành chính và là thành viên Hội Nhịp cầu Đức - Việt. Ảnh: Vũ Tùng - p/v TTXVN tại Đức

Việt Nam đã nhận được những lời khen từ cộng đồng quốc tế bởi đã áp dụng nhiều biện pháp chống dịch quyết liệt, toàn diện và mang lại kết quả hết sức tích cực. Bên cạnh thành quả trong đối phó đại dịch COVID-19, ông Wolfgang Bork đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong các tổ thức quốc tế và khu vực như ASEAN hay Liên hợp quốc (LHQ). Theo ông, điều đó minh chứng rằng Việt Nam đã vươn ra trường quốc tế, được quốc tế công nhận và đánh giá cao. Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia đóng góp cho rất nhiều chương trình, hoạt động khác nhau của LHQ và luôn thể hiện tính tích cực, chủ động của một thành viên có trách nhiệm, nhất là trong việc giữ gìn hòa bình và giải quyết các xung đột quốc tế.

Nhận định về lãnh đạo chính phủ mới, Giáo sư Engelbert đánh giá cao kinh nghiệm của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, với vai trò Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông đã có nhiều sáng kiến thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần đưa Quảng Ninh ngày càng phát triển. Theo chuyên gia kinh tế Daniel Müller từ Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại châu Á-Thái Bình Dương (OAV), việc lựa chọn đội ngũ lãnh đạo chính trị mới ở Việt Nam trước hết cho thấy xu hướng xuất phát từ tình hình thực tế, cởi mở hơn và hiện đại hóa hơn về mặt kinh tế. Các chức vụ Thủ tướng, Chủ tịch nước hay Chủ tịch Quốc hội đều là những người có quan điểm rất thực tế, đều tích cực hành động hướng tới các mục tiêu và kết quả cụ thể. Với chính phủ mới, ông Müller cho rằng Việt Nam sẽ kiên định với đường lối chính trị được đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII. Về mặt kinh tế, theo ông Müller, quá trình công nghiệp hóa sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, kết hợp với gia tăng năng suất lao động.

Ngoài ra, gánh nặng chi phí hành chính sẽ tiếp tục được giảm bớt và quá trình chuyển đổi số sẽ gia tăng nhanh chóng. Đại dịch COVID-19 đã chỉ ra việc số hóa toàn diện có thể mang lại hiệu quả cao như thế nào và mức độ số hóa đến đâu thì có thể góp phần cải thiện khả năng phục hồi kinh tế. Do đó, dự kiến chính phủ mới sẽ tập trung nguồn lực để phát triển lĩnh vực này và các lĩnh vực mới khác như trí tuệ nhân tạo. Chuyên gia của OAV cũng cho rằng tân Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tiếp nối truyền thống của những vị Thủ tướng trước đó của Việt Nam, có thể vận dụng tốt những kinh nghiệm đã kinh qua ở nhiều vị trí công tác. Bên cạnh đó, cũng có nhiều kỳ vọng vào nỗ lực tinh giản bộ máy hành chính và đưa bộ máy này hoạt động hiệu quả hơn.

Trong khuôn khổ "chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", cả Đức và EU đều mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với các nước ASEAN và các quốc gia châu Á khác. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có cơ hội tốt để thể hiện mình là một đối tác hấp dẫn và là cây cầu kết nối khu vực ASEAN với thế giới.

Về phần mình, ông Wolfgang Bork đánh giá, cả chính phủ cũ và chính phủ mới được bầu đều nhận trọng trách lớn trong phòng chống đại dịch. Và trong bối cảnh đại dịch được kiểm soát tốt, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, thu nhập của người dân tiếp tục được cải thiện. Mục tiêu mà Việt Nam cần thực hiện là phải tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, giảm tải các quy định hành chính quan liêu và đảm bảo sự an toàn pháp lý cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Wolfgang thông tin thêm, Việt Nam cũng được đánh giá cao trong việc áp dụng khoa học công nghệ, sử dụng phương tiện số hóa mới. Cả Đại sứ quán Đức tại Hà Nội và Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin đều đã sử dụng nhiều hình thức liên lạc mới như hội thảo trực tuyến hay các sự kiện thông qua Internet. Quan hệ chiến lược giữa Đức và Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao mới trong nhiều lĩnh vực, trong đó hai nước đã phối hợp chặt chẽ trong đào tạo nghề tại Việt Nam, đưa tiêu chuẩn đào tạo của Việt Nam tiệm cận gần với châu Âu và Đức hơn.

Qua đó, việc công nhận bằng cấp của hai bên được mở rộng. Đức và châu Âu có nhu cầu lớn về kỹ thuật và công nghệ cũng như nhân lực trong ngành điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Vì thế, giữa hai nước đang có sự trao đổi kinh nghiệm và trao đổi lao động rất tích cực. Phía Việt Nam cung cấp cho Đức đội ngũ lao động được đào tạo, có tay nghề tốt, giúp Đức giải quyết vấn đề thiếu nhân lực, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe.

Thanh Bình - Vũ Tùng (TTXVN)


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan