Bị cáo Lê Thị Thanh Thúy tại phiên toà . Ảnh: Anh Tú
Bà Lê Thị Thanh Thúy nói có lý, bà là một công dân bình thường, đại diện một doanh nghiệp. Còn ông Nguyễn Thành Tài là Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, thì xin hỏi ai có khả năng tác động ai. Một cán bộ lãnh đạo cấp cao của chính quyền thành phố, có trách nhiệm với công việc của mình, hiểu biết pháp luật, ai tác động được.
Và để đi đến quyết định liên quan đến vụ cho thuê đất ‘vàng’ 8-12 Lê Duẩn, thì không chỉ một mình ông Nguyễn Thành Tài quyết, mà còn liên quan đến trách nhiệm của nhiều cá nhân, cơ quan khác. Một mình bà Lê Thị Thanh Thúy tác động được cả hệ thống hay sao?
Tương tự, liên quan đến hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của bà Dương Thị Bạch Diệp, 9 người gồm cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài; Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM; Sở Tài chính; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Văn hoá, Thể thao và du lịch... "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Cơ quan điều tra còn xác định, ông Lê Hoàng Quân (cựu Chủ tịch UBND TP.HCM) có "một phần trách nhiệm" liên quan đến nhà đất số 185 Hai Bà Trưng bị bà Dương Thị Bạch Diệp chiếm đoạt, cầm cố.
Vậy thì xin hỏi, một mình bà Dương Thị Bạch Diệp lại có thể "tác động" làm cho chừng đó cán bộ phải làm sai, thậm chí vi phạm pháp luật. Xin thưa không, bà Dương Thị Bạch Diệp không thể tác động hay qua mặt được chừng đó cán bộ, mà do bản thân những cán bộ đó làm sai. Còn vì sao họ làm sai, động cơ nào, các cơ quan tố tụng sẽ làm sáng tỏ câu hỏi này.
Mới đây, liên quan đến vụ án đánh bạc, đại diện Viện kiểm sát luận tội Nguyễn Văn Dương là tha hóa một số cán bộ, công chức. Và, ở vụ án khác, Phan Văn Anh Vũ làm tha hóa một loạt quan chức là 2 cựu Chủ tịch TP.Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến, cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín và nhiều cán bộ cấp giám đốc sở, ngành.
Không bao giờ những cá nhân như Nguyễn Văn Dương, Phan Văn Anh Vũ lại có thể làm tha hóa được cán bộ, xét về tuổi đời cũng như vai trò, vị trí của hai bên. Chỉ có cán bộ tự tha hóa, tự biến chất.
Cho nên, đối với những cán bộ sai phạm khi ra trước tòa, phải tự chịu trách nhiệm về mình, không đổ lỗi cho ai, không đổ lỗi cho cơ chế, đó là chút danh dự và lòng tự trọng giữ lại cho chính mình khi đã mất hết.
Nguồn: Báo Lao động
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC