Câu chuyện thứ nhất: Cua, cò và đàn cá
Dẫn nguồn là “truyện dân gian Việt Nam” qua lời kể lại của một tác giả có bút danh là Ngọc Khanh, câu chuyện cho dành cho học sinh lớp 1 của chúng ta được rút gọn lại như sau:
“Cò kiếm ăn ở ven hồ. Gặp cá rô, nó ra vẻ thật thà: - Dăm hôm nữa, hồ bị tát cạn, cá tôm sẽ bị bắt hết. Đàn cá nhờ cò giúp. Cò hứa đưa đàn cá đến xóm bên. Lũ cá nghe cò. Thế là cò dần dần chén hết đàn cá”.
Không phản đối rằng việc rút gọn lại nội dung của truyện cổ tích là phù hợp với học sinh lớp 1, thế nhưng, với nội dung như vậy, những cháu bé mới ở độ tuổi “tập đọc” sẽ hiểu ra được bài học gì?
Chưa nói đến tính phi logic giữa tiêu đề và nội dung (cua được nhắc đến ở tiêu đề nhưng “mất hút” trong nội dung câu chuyện; trên thì cá rô, dưới thì đàn cá), nhiều người chưa hiểu nổi với câu chuyện “ngụ ngôn” này, nhà soạn sách muốn “ngụ ý” gì, muốn hướng học sinh lớp 1 đến điều gì ngoài sự lọc lừa, xảo quyệt của con cò!?
Câu chuyện về “Hai con ngựa”
“Bác nông dân nọ có một con ngựa tía, một con ngựa ô. Ngựa tía biếng nhác. Còn ngựa ô làm lụng vất vả. Một đêm, ngựa tía thắc mắc:
- Chị làm hùng hục như thế để làm gì?
Ngựa ô ngạc nhiên:
- Không làm thì ông chủ mắng
- Chủ mà giục em làm, em sẽ trốn.
Ngựa ô lẩm bẩm: “Có lí lắm”.
Mẩu chuyện này ghi nguồn là “phỏng theo” Lev Tolstoy qua lời kể của Hoàng Minh. Tuy nhiên ai đã từng đọc ngụ ngôn Lev Tolstoy sẽ thấy khó hiểu với lối kể “phỏng theo” như thế này.
Câu hỏi được đặt ra với câu chuyện được giảng dạy cho học sinh "như trang giấy trắng": Cái “có lí” ở đây nghĩa là gì vậy? Là cổ xuý cho lối sống lươn lẹo, muốn không làm mà vẫn có ăn?
Gần đây, đã có rất nhiều tuyên bố về “đổi mới phương pháp giáo dục” rồi “giảm tải” cho học sinh, rồi “tránh quá tải” cho học sinh lớp 1. Có địa phương cũng quy định giáo viên không được nhắn tin “mắng vốn” học sinh lớp 1…. Dường như, các cháu đang rất được “quan tâm”.
Hồi đầu năm học, thậm chí có nơi phụ huynh phải “than trời” về số lượng đầu sách mà học sinh lớp 1 phải học, từ giáo khoa đến tham khảo lên đến cả chục cuốn, mua sắm hết cũng đến tiền triệu.
Rồi có những phụ huynh là giáo viên mà cũng “vã mồ hôi” khi kèm con học vì chương trình học lớp 1 sao mà “khó” thế.
Có phải những đứa trẻ 6 tuổi thời đại bây giờ phi thường đến thế? Trẻ con nay “khôn” hơn trước?
Nhưng dù có thông minh hơn, giỏi giang hơn, nhiều kiến thức hơn… thì tâm hồn những đứa trẻ vẫn chỉ là tờ giấy trắng tinh. Nhiều ý kiến cho rằng, trước khi cố gắng biến những đứa trẻ trở nên “phi thường”, các nhà giáo dục hãy bảo vệ tâm hồn trẻ, hãy dạy trẻ cách làm người.
Dẫu những đứa trẻ có gánh trên lưng cả núi kiến thức đi chăng nữa, nhưng với nội dung gây tranh cãi như vậy, vấn đề sách giáo khoa rõ ràng cần được xem xét kỹ càng hơn trước khi đưa vào sử dụng đại trà.
Bích Diệp
Nguồn: dantri.com.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC