TÌNH HÌNH MIỀN ĐÔNG NƯỚC ĐỨC TRƯỚC KHI XÂY BỨC TƯỜNG
Phải nói rằng khí thế xây dựng XHCN ở CHDC Đức những năm đầu hừng hực. Trong Kế hoạch kinh tế 7 năm, họ đề ra mục tiêu tăng sản lượng công nghiệp lên gấp đôi, xây thêm 700 nghìn nhà ở, mức sống toàn dân tăng 60%. Họ muốn vượt Tây Đức để thể hiện tính ưu việt của CNXH.
Với sự giúp đỡ của Liên Xô, Walter Ulbricht, tổng bí thư của đảng SED, tuyên bố hùng hồn trước quốc hội: “Chúng ta sẽ chứng minh cho nhân dân toàn nước Đức biết, chỉ có CNXH mới mang lại hòa bình, an sinh xã hội, và hạnh phúc lâu dài cho người dân. Chính vì thế CNXH sẽ chiến thắng” (Báo cáo trước quốc hội tháng 9 năm 1959).
Nhưng đó là một ảo tưởng. Họ đã cóp-py toàn bộ sự phát triển chính trị xã hội của Liên Xô dựa trên tư tưởng Mác-xít. Trong khi Tây Đức phát triển như vũ bão những năm sau chiến tranh thì Đông Đức vẫn ì ạch.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là do lực lượng chính trị duy nhất đã nghĩ thay, hành động thay và quyết định thay cho tất cả. Ai phản ứng sẽ bị liệt vào danh sách kẻ thù giai cấp và vì thế bị triệt tiêu. Mâu thuẫn giữa giới cầm quyền và xã hội ngày càng tăng, điển hình là cuộc nổi dậy của giới công nhân tại Berlin ngày 17.6.1953.
Nếu chỉ dùng bạo lực, không một nhà nước nào có thể đứng vững về lâu về dài.
Đó là điều những người lãnh đạo CHDC Đức cũng nhận ra. Nhưng năm 1957 Liên Xô phóng thành công con tàu vũ trụ Sputnik lên không trung làm cho cả thế giới ngạc nhiên. Người ta gọi đó là cú sốc Sputnik. Sau thắng lợi này, người ta lại cho là cái đích của CNXH không còn xa và chiến thắng của họ trên toàn cầu sẽ trở thành hiện thực.
Đại hội đảng XHCN thống nhất Đức lần thứ năm 1958 đề ra mục tiêu, trong vòng 3 năm tới sẽ vượt CHLB Đức về kinh tế. Nhiều người dân CHDC Đức đánh giá tình hình hoàn toàn khác. Không đủ kiên nhẫn chờ thành công, họ tìm đường chạy sang CHLB Đức.
Mùa hè năm 1961 bình quân mỗi ngày có tới 1000 người vượt biên. Điểm nóng nhất của chiến tranh lạnh là Tây Berlin gồm ba vùng chiếm đóng của Anh, Pháp, Mỹ. Đông Berlin theo mô hình kinh tế kế hoạch trong khi Tây Berlin theo mô hình kinh tế thị trường.
Trong vòng 10 năm, hơn hai triệu người, chủ yếu là trí thức, giáo viên, kỹ sư đã chạy sang CHLB Đức. Trước tình hình ấy, chính quyền Maxcơva và Đông Berlin đã quyết định xây bức tường ngăn cách Đông – Tây Berlin vào ngày 13. 8. 1961 để chặn đứng dòng người vượt biên.
Trước đó hai tháng, dư luận xôn xao bàn về việc có thể có bức tường ngăn cách Đông Tây, Walter Ulbricht tổng bí thư của đảng SED tuyên bố dõng dạc trên phương tiện truyền thông: “Không ai có ý định xây dựng bức tường!”
Bức tường được xây dựng đêm 13.8.1961 không làm dân chúng ngạc nhiên nhưng choáng váng. 50000 người sống ở Đông Berlin nhưng làm việc ở Tây Berlin và ngược lại mất việc, họ hàng bà con qua một đêm bị chia cắt không biết đến bao giờ mới có thể đoàn viên. Người ta gọi đây là cơn sốc thứ hai của Berlin sau sự kiện bị xe tăng Liên Xô đè nát ở Đông Berlin năm 1953 vì công nhân nổi dậy. Tây Berlin như một hòn đảo vì nó nằm trọn trong lãnh thổ CHDC Đức.
Nguyễn Thế Tuyền (Berlin)
Phần III: KHI BỨC TƯỜNG LÀ BỨC MÀN SẮT TỒN TẠI 28 NĂM
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC