Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô Mikhail Gorbachev gặp Thủ tướng Đức Helmut Kohl tại Liên Xô ngày 15-7-1990
Ngày 3-10-1990, chưa đầy một năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Đông Đức và Tây Đức tái thống nhất. Để đến được ngày này, Tây Đức và bản thân Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl phải trải qua rất nhiều cuộc đàm phán, vận động các quốc gia nhằm đạt được mục tiêu của kế hoạch 10 điểm nổi tiếng có tên “Vượt qua sự chia rẽ của Đức và châu Âu”.
Tháng 2-1990, một trong các bước đi, ông Helmut Kohl tới thăm và tìm kiếm một sự bảo đảm từ nhà lãnh đạo Xô Viết Mikhail Gorbachev, thúc đẩy Liên Xô cho phép quá trình thống nhất nước Đức diễn ra. Sau cuộc gặp này, các quan chức của Mỹ, Anh, Pháp và NATO tiếp tục hứa hẹn với nhà lãnh đạo Liên Xô rằng NATO và phương Tây không bao giờ tiến về phía Đông để kìm hãm Liên Xô và nước Nga hiện nay.
Cái giá của sự trao đổi
Liên bang Xô Viết, Mỹ, Anh, Pháp, Đông Đức và Tây Đức đã thông qua Hiệp ước thống nhất và ký kết bởi 6 bên ở Matxcơva vào tháng 9-1990. Để đạt được thỏa ước này, các quốc gia tư bản đã cố gắng xoa dịu Matxcơva khỏi mối lo sợ rằng một Nhà nước thống nhất ở trung tâm châu Âu sẽ là mối đe dọa cho Liên Xô.
Trước đó, tháng 2-1990, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ James Baker đã bảo đảm với người đồng nhiệm Liên Xô Eduard Shevardnadze rằng khi bước vào thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, NATO sẽ không còn thù hận và biến đổi vai trò của mình thành một tổ chức chính trị nhiều hơn là một tổ chức quân sự và sẽ không cần khả năng hoạt động độc lập.
Ông Baker đã hứa chắc chắn với ông Shevardnadze sẽ đảm bảo quyền lực và lực lượng của NATO không tiến lên phía Đông. Cũng ngày hôm đó ở Matxcơva, ông Baker phát biểu một câu nói nổi tiếng với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô rằng: “Liên minh này sẽ không di chuyển 1 inch về phía Đông”. Baker khẳng định, đây là cam kết của phương Tây để đổi lấy việc giữ nước Đức thống nhất trong khối NATO thay vì biến Đức thành một quốc gia trung lập.
Ngày hôm sau, 10-2-1990, Helmut Kohl, Thủ tướng tương lai của một nước Đức thống nhất, cũng nhắc lại với Gorbachev: “Chúng tôi tin rằng NATO không nên mở rộng phạm vi hoạt động ra phía Đông. Chúng ta phải tìm ra giải pháp hợp lý. Tôi hiểu chính xác các lợi ích an ninh của Liên Xô. Tôi nhận thấy rằng ông Tổng Bí thư và các nhà lãnh đạo Xô Viết sẽ phải giải thích rõ ràng những gì đang xảy ra với người Xô Viết”.
Cuối tháng đó, khi nói chuyện với Tổng thống Tiệp Khắc Vaclav Havel, chính Tổng thống Mỹ George H. Bush đã nói, nước Mỹ sẽ không hành xử để thế giới có cách hiểu sai lầm có thắng và thua. NATO sẽ không tiến quân về phía Đông vì nếu thế người ta sẽ hiểu đó là hành động xâm lược. Còn Tổng thống Pháp Francois Mitterrand thì đi xa hơn khi công khai chia sẻ với nhà lãnh đạo Liên Xô, không ủng hộ một nước Đức thống nhất gia nhập NATO. Trong cuộc hội đàm diễn ra cùng thời điểm, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Robert Gates cũng đưa ra đề xuất tương tự với người đứng đầu KGB Vladimir Kryuchkov.
Có được sự đồng thuận của Mỹ, phương Tây và NATO là nhờ sáng kiến của Ngoại trưởng Tây Đức lúc đó là Hans-Dietrich Genscher. Khi được giao nhiệm vụ thuyết phục Liên Xô nhất trí để Đông Đức và Tây Đức thống nhất, ông Genscher nêu sáng kiến: “Phải có lời hứa về việc không mở rộng NATO về phía Đông mới có thể đảm bảo vận động Liên Xô thành công”. Về phía Liên Xô, ông Gorbachev đã trả lời, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, việc mở rộng của NATO là không thể chấp nhận được. Cuối cùng, Liên Xô di chuyển lực lượng của họ ra khỏi Đức và sau đó là các quốc gia Đông Âu khác mà không có bất kỳ một sự cố thù địch nào.
Vòng đàm phán đầu tiên 6 bên tại Bonn ngày 5-5-1990
Tiếp tục những lời lẽ ru ngủ
Trong các cuộc thảo luận tiếp theo, phía Liên Xô mong muốn xây dựng một cấu trúc an ninh chung ở châu Âu, dựa trên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu được thành lập gần 20 năm trước như một diễn đàn hợp tác giữa Liên Xô và khối liên minh do Mỹ đứng đầu. Các nhà đàm phán phương Tây đồng ý nhưng nói rằng họ muốn giữ lại NATO, biến nó thành một tổ chức cởi mở hơn trong việc hợp tác với Liên Xô và khối Hiệp ước Warszawa.
Ngay cả khi nước Đức thống nhất được 6 tháng, vào tháng 3-1991, Thủ tướng Anh John Major vẫn trấn an Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Dmitri Yazov rằng NATO sẽ không tiến về phía Đông và ông không nhận thấy điều kiện nào trong tương lai để các nước Đông Âu trở thành thành viên NATO.
Tổng Thư ký NATO Manfred Woerner sau đó cũng đảm bảo với đoàn đại biểu Nga thay mặt Tổng thống Boris Yeltsin: 13 trong số 16 thành viên NATO phản đối việc mở rộng khối này và bản thân ông cũng chống lại việc đó. Thế nhưng, tất cả những lời cam kết của phương Tây đều không được đưa vào các thỏa thuận cụ thể, bởi Liên Xô khi đó đang lâm vào tình trạng rất khó khăn và đang rất cần các khoản vay và viện trợ của Đức và các quốc gia phương Tây.
Bản đồ NATO mở rộng ra phía Đông
Chỉ là lời hứa suông
Lời hứa chỉ kéo dài đến năm 1997, Mỹ chủ trương duy trì NATO và thúc đẩy chính sách Đông tiến của NATO, biến đây trở thành lý do để NATO tồn tại sau chiến tranh lạnh. Nga tuy thừa kế vị thế pháp lý của Liên Xô nhưng không thể hùng mạnh một cách toàn diện như Liên Xô trước kia. Tuy nhiên, Nga vẫn là một cường quốc ở châu Âu và chính sách Đông tiến là để kiềm chế Nga.
Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, NATO tiến hành 3 đợt Đông tiến vào các năm 1999, 2004 và 2009 kết nạp 12 thành viên là các quốc gia Đông Âu. Ngoài ra, NATO còn có chương trình hành động thành viên (MAP) gồm có Macedonia, Bosnia- Herzegovina và Montenegro. Ngay trong lần mở rộng đầu tiên, biên giới NATO đã mở về phía Đông thêm 900km, quân số tăng thêm 13 Sư đoàn, tiếp nhận toàn bộ vũ khí – khí tài các thành viên mới và Đông Đức. Điều này khiến cho cán cân Nga – NATO mất cân bằng nghiêm trọng. Tổng quân số NATO gần 5 triệu quân (chưa tính quân số của Mỹ và các nước ngoài châu Âu), trong khi đó Nga có 3,2 triệu.
Sự lo ngại của Nga
Chính sách kết nạp các thành viên cũ trong khối xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu và các nước thuộc không gian hậu Xô Viết bị Nga lên án là hành động vi phạm Hiệp ước Các Lực lượng Vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) khi Hiệp định này nghiêm cấm các thành viên cũ trong khối xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu và các nước thuộc không gian hậu Xô Viết gia nhập NATO.
Bên cạnh đó Nga cũng cáo buộc NATO không giữ đúng cam kết về duy trì mức trần về số lượng vũ khí thông thường. Việc NATO mở rộng về phía Đông là một trong các nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine. Về cơ bản, NATO mở rộng về phía Đông đã tái khẳng định địa vị lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Không gian an ninh và không gian sinh tồn của Nga dần bị thu hẹp, bố cục an ninh địa chính trị của châu Âu thay đổi đáng kể.
Chính sách Đông tiến đã xâm phạm đến “sân sau” của Nga và đe dọa đến lợi ích chiến lược cốt lõi của nước này, một điều mà Tổng thống Putin đã nhấn mạnh và lặp lại nhiều lần. Tổng thống Nga Boris Yeltsin cũng đã nói: “Đây là dấu hiệu đầu tiên về điều có thể xảy ra khi NATO tiến gần đến biên giới của Liên bang Nga. Ngọn lửa chiến tranh có thể bùng cháy và trải khắp châu Âu” khi NATO mở rộng lần thứ nhất sau chiến tranh lạnh.
Ngoại trưởng Nga Lavrov đã từng công bố các tài liệu chứng minh rằng NATO từng hứa với Liên Xô và Nga rằng NATO không bao giờ mở rộng về phía Đông. Tuy nhiên, các quan chức của NATO và các quan chức hàng đầu phương Tây vẫn tiếp tục khẳng định rằng không có lời hứa nào, cũng như không có sự đảm bảo nào về việc không mở rộng được đưa vào bất kỳ văn kiện hay hiệp ước nào.
Theo anninhthudo
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC