Tuy nhiên, kế hoạch đánh chiếm Moscow của Đức thất bại, Hitler không có việc gì mà đến thành phố này, và kế hoạch ám sát y cũng bãi bỏ.
Kế hoạch thứ hai nhằm ám sát Hitler được soạn thảo năm 1942, vào dịp y thực hiện các chuyến thị sát Vinisa. Nhiệm vụ được trao cho trinh sát viên Dmitry Medvedev hoạt động tại vùng lãnh thổ Liên Xô bị quân Đức chiếm đóng, trong hậu phương quân Đức. Tuy nhiên, kế hoạch không thành công do lực lượng bảo vệ Hitler làm việc rất cẩn thận, còn bản thân Hitler thường xuyên thay đổi chương trình làm việc vào thời điểm cuối cùng.
Cuối cùng, một kế hoạch nhiều bước rất phức tạp mà các nhà chuyên môn gọi là "kiểu bàn cờ" được soạn thảo và tổ chức thực hiện bởi 2 nhà tình báo dày dạn kinh nghiệm là Ilyn và Sudoplatov. Kế hoạch dự kiến cử người tìm cách tiếp cận Hitler thông qua các nhân vật gần gũi với trùm phát xít rồi thừa cơ tiêu diệt y.
Dưới cớ bất mãn vì không được chính quyền Xô-viết đánh giá đúng tài năng, Igor Miklasyevsky – con một nữ nghệ sĩ nổi tiếng, đồng thời là vận động viên quyền anh đang phục vụ trong Hồng quân được "ném" vào nước Đức. Tại đây, Igor tiếp xúc với tên hàng tướng Vlasov, bày tỏ nguyện vọng được hợp tác với phía Đức. Anh xuất sắc vượt qua các cuộc kiểm tra, được Vlasov tin cậy giao làm huấn luyện viên võ thuật cho đội bảo vệ của y. Igor cũng đạt nhiều giải cao trong các giải đấu quyền anh, trở thành niềm tự hào của người Đức.
Bước tiếp theo, Igor bắt đầu tìm những người quen cũ của mẹ mình trong giới thượng lưu Đức – những người được Hitler, Goebels, Goering... và nhiều quan chức chóp bu của Đệ tam đế chế sủng ái. Qua những người này, Igor tiếp cận được Hitler, được trùm phát xít xem như người nhà và có quyền gặp "Quốc trưởng" bất kì lúc nào.
Thời cơ đã chín muồi, bước cuối cùng để thực hiện mục tiêu chiến dịch đã đến. Sudoplatov báo cáo tình hình lên Bộ trưởng An ninh Merkulov và cùng ông này đến gặp, báo cáo trực tiếp với Stalin, đó là vào giữa năm 1943.
Nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin. Ảnh: Sputnik
Thật ngạc nhiên, nghe xong, Stalin nói ngắn gọn: "Điều này không nên làm". Tuy nhiên, hai người không dám hỏi lại Tổng tư lệnh Tối cao mà ra lệnh cho Igor tiếp tục chuẩn bị cho đòn quyết định. Sang năm 1944, một lần nữa thời cơ xuất hiện; một lần nữa, Stalin lại không cho phép thực hiện kế hoạch.
Lần này thì Merkulov đánh bạo hỏi nguyên nhân. Stalin trầm ngâm một lát rồi nói: "Chúng ta cần giữ Hitler lại để phục vụ cho việc tiêu diệt hoàn toàn chủ nghĩa phát xít Đức. Một khi Hitler còn sống, y sẽ không đàm phán riêng rẽ với các nước phương Tây. Ngược lại, Mỹ và Anh cũng không thể đặt vấn đề thoả hiệp nếu Hitler vẫn lãnh đạo nước Đức. Hitler mà biến mất, những kẻ như Goering hay Papens có thể thay y cầm quyền, mà đối với những tên này thì các nước phương Tây có thể đàm phán được. Như vậy sẽ không có lợi cho chúng ta".
Như vậy, nhờ ý tưởng chiến lược mà Stalin "tha" cho Hitler. Igor trở về Tổ quốc và được tặng thưởng Huân chương Sao Đỏ.
Trong khi Stalin tự đề ra nhiệm vụ tiêu diệt Hitler rồi sau đó lại "tha" cho y, thì Hitler cũng tìm cách ám sát Stalin. Để thực hiện âm mưu này, tình báo Đức đã chọn một viên sĩ quan Hồng quân đào ngũ tên là Tavrin, một kẻ từng có tiền sự trước khi nhập ngũ. Đích thân đội trưởng tình báo đặc nhiệm của Hitler là Scorsenner (người từng giải thoát cho trùm phát xít Italia Mossolini) trực tiếp huấn luyện cho Tavrin.
Theo kế hoạch, trong vai một Anh hùng Liên Xô, thiếu tá phản gián Tavrin được đưa về Moscow nghỉ dưỡng sau khi điều trị "vết thương". Tại đây, hắn sẽ được các điệp viên Đức đã cài cắm sẵn trong nội bộ Hồng quân tìm cách giúp đột nhập vào một hội nghị, mít tinh hay buổi lễ long trọng nào đó mà Stalin sẽ đến dự. Tavrin sẽ ám sát Stalin bằng loại đạn tẩm độc cực mạnh. Phương án hai là hắn sẽ chặn ô tô của Stalin ngay trên phố rồi dùng lựu đạn tấn công.
Với chứng minh thư Phó chỉ huy Phản gián Quân đoàn 39, Tavrin cùng nữ "thiếu uý" Silova được một chuyến bay đặc biệt chở đến vùng Smolensk. Không may cho chúng, máy bay bị pháo phòng không Hồng quân bắn hỏng và buộc phải hạ cánh. Tavrin và Silova cướp một mô tô ba bánh và tẩu thoát vào rừng, nhưng bị người dân phát hiện và báo cho công an đến tóm gọn. Tavrin ngay lập tức khai báo mọi chuyện.
Sau đó, một kế hoạch mang tên "Sương mù" được phản gián Liên Xô tiến hành, nhờ đó đã bắt được nhiều điệp viên Đức được phái tới trợ giúp cho Tavrin. Chiến dịch Sương mù kéo dài đến tận tháng 4/1945 mà phía Đức vẫn hi vọng vào kế hoạch của Tavrin, không biết rằng tên này đã bị bắt sống. Phản gián Liên Xô còn "chờ" đến tận năm 1952 xem có điệp viên nào đến liên lạc với Tavrin nữa không.
Cũng trong năm 1952, mặc dù có đơn xin ân xá gửi Xô-viết Tối cao Liên Xô, song Tavrin và Silova vẫn bị xử bắn.
Nguyên Phong theo Vietnamnet
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC