Hitler theo dõi lễ duyệt binh huyền thoại năm 1941 ra sao?

Hitler theo dõi lễ duyệt binh huyền thoại năm 1941 ra sao?

Điều đáng ngạc nhiên là Hitler không biết gì cho đến khi cuộc duyệt binh huyền thoại diễn ra trên Quảng trường Đỏ ngày 7/11/1941.

132 1 Hitler Theo Doi Le Duyet Binh Huyen Thoai Nam 1941 Ra Sao

Hồng quân Liên Xô duyệt binh với vũ khí hiện đại nhất thời bấy giờ trước khi tiến thẳng ra mặt trận ngày 7/11/1941

Đúng 7h50, Stalin và các thành viên chính phủ Liên Xô còn ở lại Matxcơva bước ra lễ đài. Nguyên soái Zhukov không có mặt tại lễ duyệt binh vì phải trực chiến ở vị trí chỉ huy ngoài mặt trận. Đúng 8 giờ sáng tất cả các loa phóng thanh truyền đi giọng nói đĩnh đạc của phát thanh viên: "Đây là tin của tất cả các đài phát thanh Liên Xô.

Đài phát thanh Trung ương Matxcơva bắt đầu buổi tường thuật trực tiếp từ Quảng trường Đỏ về lễ duyệt binh của các đơn vị Hồng quân kỷ niệm 24 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại…"

Lễ duyệt binh được tường thuật trực tiếp trên sóng phát thanh. Tại Quảng trường Đỏ cũng có mặt phóng viên thường trú của các hãng thông tấn và báo chí quốc tế. Chính vì vậy nên tin về cuộc duyệt binh ngày 7/11 đã ngay lập tức truyền đi khắp thế giới.

Theo tư liệu các nhà sử học quân sự thông qua lời kể của những nhân vật cấp dưới Hitler có mặt tại tổng hành dinh Đức vào thời điểm đó, dĩ nhiên "bộ sậu" của Hitler cũng biết được tin về lễ duyệt binh từ khi buổi lễ bắt đầu, nhưng không ai dám báo cáo với Hitler về thông tin "sốt dẻo" này.

Trùm phát xít Hitler chỉ tình cờ biết tin khi bật máy thu thanh và nghe thấy tiếng nhạc hành khúc cùng tiếng bước chân rầm rập của các đội duyệt binh và lời phát thanh viên Liên Xô. Ông ta lao đến máy điện thoại và yêu cầu nối máy với cơ quan tham mưu đội quân "Trung tâm" đang tham gia bao vây thủ đô Nga.

 132 2 Hitler Theo Doi Le Duyet Binh Huyen Thoai Nam 1941 Ra Sao

 Hitler úy lạo binh sĩ tại doanh trại Hainz Linge trước khi xâm lược Liên Xô vào năm 1941. 

Triệu tập chỉ huy lực lượng máy bay ném bom tại chiến trường nghe máy, Hitler ra lệnh: "Tôi cho các ông 1 giờ để chuộc lỗi. Phải ném bom cuộc duyệt binh bằng bất kỳ giá nào!". Bất chấp bão tuyết, máy bay Đức hối hả cất cánh.

Nhưng đã không có quả bom Đức nào rơi được xuống Matxcơva trong ngày 7/11. Theo tư liệu lịch sử chiến tranh, trong ngày hôm đó 25 máy bay Đức (có tài liệu nói là 34) đã bị bắn hạ ở tầm xa, những chiếc còn lại buộc phải quay về căn cứ.

 132 3 Hitler Theo Doi Le Duyet Binh Huyen Thoai Nam 1941 Ra Sao

 Quân Đức tiến vào Ba Lan ngày 1/9/1939 trước sự chứng kiến của Hitler.

Về cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ngày 7/11/1941, nhà văn Vladimir Karpov, Anh hùng Liên Xô, nguyên là trinh sát viên quân sự xuất sắc, đã viết:

"Đối với toàn thể đất nước cuộc duyệt binh này là một sự kiện bất ngờ, một niềm hân hoan cực độ. Đó là cuộc duyệt binh truyền thống, nhưng thật khác thường và đầy ý nghĩa!"

"Cuộc duyệt binh này là lời thách thức, miệt thị kẻ thù, là cuộc duyệt binh diễn ra vào buổi bình minh của Chiến thắng, tuy còn rất xa, nhưng đã được linh cảm là sẽ đến. Nó nâng tinh thần nhân dân lên một tầm cao chưa từng có, và đồng thời cũng giáng một đòn trí mạng vào tinh thần quân phát-xít."

"Kẻ địch đã không thể động đến Matxcơva. Vẫn còn có ném bom, đột kích, vẫn còn những cuộc oanh tạc từ pháo tầm xa."

"Nhưng bánh xe chiến tranh kể từ sau cuộc duyệt binh huyền thoại ấy đã bắt đầu quay ngược trở lại. Ngày 5/12 năm ấy quân đội Liên Xô phản công, và kẻ thù phải lùi xa, cách Matxcơva 250-300 km."

Cuộc duyệt binh ngày 7/11/1941 tại Matxcơva là cuộc duyệt binh ngắn nhất trong lịch sử Liên Xô và Nga. Sự kiện đó diễn ra chỉ vẻn vẹn 25 phút, kể cả lời phát biểu của Stalin.

Lời phát biểu của Stalin trong lễ duyệt binh là một lời hiệu triệu, trong đó ông kêu gọi nhân dân không chỉ đứng vững, bảo vệ Matxcơva, mà còn hướng người dân Xô Viết đến những nhiệm vụ lớn lao hơn.

"Cả thế giới trông vào các đồng chí. Các dân tộc châu Âu đang bị nô dịch dưới ách quân xâm lược Đức trông vào các đồng chí như trông mong những người giải phóng họ."

"Sứ mệnh giải phóng vĩ đại được giao cho các đồng chí. Hãy tỏ ra xứng đáng với sứ mệnh đó! Cuộc chiến tranh và các đồng chí đang tiến hành là cuộc chiến tranh giải phóng, cuộc chiến tranh chính nghĩa!"

Trong lễ duyệt binh ấy lần đầu tiên kể từ sau cách mạng tháng 10 năm 1917 vang lên lời hiệu triệu kêu gọi lòng yêu nước Nga, kêu gọi trái tim Nga:

"Hãy để chiến công bất tử của Alexandr Nevsky và Dmitry Đonsky, Minin và Pozharsky, Suvorov và Kutuzov khích lệ tinh thần các đồng chí! Hãy để lá cờ mang lại chiến thắng của Lenin vĩ đại soi sáng các đồng chí!"

 132 4 Hitler Theo Doi Le Duyet Binh Huyen Thoai Nam 1941 Ra Sao

Cuộc duyệt binh và lời hiệu triệu của Stalin đã tiếp thêm sức mạnh cho hàng triệu người Xô Viết nức lòng ra trận. Trong ảnh: Xe tăng T-26 của Liên Xô tham gia bảo vệ Matxcơva mùa đông năm 1941.

Người trực tiếp chỉ huy duyệt binh là đại tướng Pavel Artemmiev, Tư lệnh quân khu Matxcơva, tiếp nhận báo cáo duyệt binh là Nguyên soái Liên Xô Semion Buđyonnyi. Tham gia duyệt binh có trên 23.000 người, 140 xe kéo pháo và 180 xe tăng.

Do quân khu Matxcơva không đủ người nên Bộ chỉ huy đã điều động nhiều đơn vị đang huấn luyện chuẩn bị ra chiến trường, thậm chí cả các đơn vị đang tham gia chiến đấu về Matxcơva để tiến hành lễ duyệt binh như các đơn vị pháo binh.

Sau buổi lễ, tất cả những người tham gia duyệt binh đều nhận được lời cảm ơn và 100gr vodka khẩu phần chiến sĩ. Các đội quân đều bước trên Quảng trường Đỏ theo tiếng nhạc hành khúc do dàn nhạc của Bộ tham mưu Quân khu Matxcơva trình bày dưới sự chỉ huy của Vasili Agapkin - tác giả bài hát "Tạm biệt em gái Slavơ".

 

Thu Hương

Nguồn: vtc.vn


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan