Nữ đao phủ phát xít Đức sống ở Liên Xô 30 năm không lẩn trốn

Nữ đao phủ phát xít Đức sống ở Liên Xô 30 năm không lẩn trốn

Đao phủ phát xít Đức này đã hành quyết nhiều trẻ em và dân thường. Nhưng sau chiến tranh, y sống đàng hoàng như một cựu chiến binh rồi mới bị xử tử.

Nữ đao phủ Antonina Makarova thản nhiên nói với điều tra viên của KGB (cơ quan tình báo-an ninh Liên Xô) rằng việc hành quyết nói trên là “công việc của tôi” khi bà ta nói chi tiết về quá trình sử dụng súng máy để bắn gục các tù binh là công dân Liên Xô trong Thế chiến 2.

Theo nhiều nguồn tin, danh sách những người bị xử tử bởi Makarova dao động từ 168 đến 1.500 nạn nhân. Makarova thực sự là một trong những tên đao phủ tàn bạo nhất trong lịch sử.

132 1 Nu Dao Phu Phat Xit Duc Song O Lien Xo 30 Nam Khong Lan Tron

Nữ đao phủ đặc biệt Antonina Makarova. Ảnh: RBTH.

Chuyển hóa từ y tá Hồng quân thành đao phủ phát xít Đức

Makarova, còn được biết đến nhiều bằng biệt danh Tonya Cô gái Súng máy. Cô ta vốn không phải là sát thủ hàng loạt. Trước khi cộng tác với Đức Quốc xã, cô ta thuộc phe ngược lại, với công việc ngược lại – y tá trong Hồng quân Liên Xô, tình nguyện ra tuyến trước.

Nhưng thời gian làm y tá không kéo dài. Vào mùa thu năm 1941, khoảng 600.000 chiến sĩ Hồng quân bị bao vây ở khu vực Vyazma, trong số đó có cô Makarova 21 tuổi.

Sau một cuộc đào tẩu thần kỳ, Makarova lang thang qua các cánh rừng và các ngôi làng trong nhiều tháng liền, sống nhờ tạm bợ trong các nhà dân địa phương và liên tục thay đổi chỗ ở. Đến mùa hè năm 1942, cô ta tới ngôi làng Lokot ở vùng Bryansk bị Đức chiếm đóng.

Khu vực này khác biệt căn bản với những nơi khác cũng bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Người ta đã lập nên khu Lokot bán tự trị do một thủ lĩnh địa phương là Konstantin Voskoboinik đứng đầu. Vùng này được đặt dưới sự giám sát của Đức nhằm “duy trì trật tự”. Các đơn vị của sư đoàn bộ binh Hungary 102 (thuộc phe phát xít) đồn trú ở những khu vực đông dân.

Vùng tự trị được phép tạo ra các đơn vị tự vệ riêng, mà sau này trở thành cái gọi là “Quân giải phóng Quốc gia Nga” (đây là một lực lượng quân sự chống Liên Xô – ND). Chính lực lượng này vào mùa hè và mùa thu năm 1944 trở nên khét tiếng với các tội ác man rợ, nhấn chìm cuộc nổi dậy ở Warsaw (Ba Lan) trong biển máu.

Trốn trong một ngôi nhà của dân làng, Antonina Makarova suy ngẫm về bước đi tiếp theo của mình. Cô ta biết rằng một đơn vị dân quân (chống phát xít) đang hoạt động trong cánh rừng gần đó. Tuy nhiên, sau khi thấy cảnh sống tương đối xa hoa của những người Nga cộng tác với phát xít, Makarova quyết định (theo sử gia ngành tình báo Oleg Khlobustov) “tìm một nơi ấm thân dưới mặt trời chiếm đóng mới”.

Makarova quyết định ngả theo quân Đức và nhóm Nga “tự trị” bằng cách công khai tham gia hoạt động mại dâm và đi dự các bữa tiệc thác loạn. Chẳng mấy chốc, Makarova tham gia vào các hoạt động ghê tởm hơn, như hành quyết người Do Thái, các du kích kháng chiến, và các đối thủ của chính quyền tự trị mới này.

Các năm sau đó, Makarova thông báo cho các nhân viên KGB thẩm vấn mình rằng không ai ép mụ làm việc đó cả. “Bọn họ cho tôi rượu vodka và tôi thực hiện cuộc hành quyết đầu tiên trong trạng thái ngà ngà men say”. Và Tonya – Cô gái Súng máy đã ra đời như thế đó.

Đao phủ “lành nghề”

Các vụ hành quyết do Makarova tiến hành diễn ra ở một hẻm núi gần một trang trại chăn nuôi mà Đức Quốc xã đã biến thành một nhà tù. Và Makarova sống trong cái nhà tù đó. Đều đặn dân địa phương thấy cửa nhà tù mở rồi một nhóm tù nhân lũ lượt đi ra, theo sau là một chiếc xe chở súng máy, và phía sau cỗ súng máy này là một phụ nữ, miệng nhai một sợi rơm vẻ phớt đời.

Makarova khai với các điều tra viên KGB: “Tôi không biết người mà tôi bắn. Và họ không biết tôi. Nên tôi chẳng thấy xấu hổ gì trước họ cả... Đối với tôi, tất cả những ai bị kết án tử đều như nhau cả. Chỉ có con số của họ là thay đổi... Những người bị bắt được xếp hàng đối diện với cái hố. Một trong các nam giới sẽ lăn súng máy ra vị trí hành quyết. Theo chỉ đạo từ cấp trên, tôi quỳ xuống và bắn đến khi tất cả các tù nhân gục xuống chết”.

132 2 Nu Dao Phu Phat Xit Duc Song O Lien Xo 30 Nam Khong Lan Tron

Các nạn nhân của Đức Quốc xã. Ảnh: Evgeny Khaldey.

Sử gia Dmitry Zhukov nói: “Các vụ hành quyết do bà ta tiến hành giống như một buổi diễn kịch ma quái. Các thủ lĩnh của Vùng tự trị Lokot tới theo dõi. Các tướng lĩnh, sĩ quan Đức và Hungary được mời tới dự”.

Tonya (tức Makarova) hiếm khi bắn trượt. Nếu mà lỡ bắn trượt ai đó, sau đó Tonya sẽ kết liễu nạn nhân bằng một khẩu súng ngắn. May có một lần, Makarova bắn trượt vài đứa trẻ, đạn bay qua đầu các em. Các em giả chết và sau đó được người dân địa phương làm nhiệm vụ chôn cất nạn nhân cứu sống. Các em bé này được giao cho các du kích trong rừng – những người thề sẽ bắn hạ nữ đao phủ.

Makarova cởi bỏ quần áo và đồ cá nhân khỏi người chết, vừa làm vừa than vãn rằng số tư trang đó bị hỏng vì máu và lỗ đạn.

Truy lùng nữ đao phủ máu lạnh

Vào mùa hè năm 1943, Tonya cảm nhận được rằng tình hình đã bất lợi cho các quan thầy Đức Quốc xã của mình. Hồng quân đã giành lại dần lãnh thổ bị Đức chiếm đóng.

Makarova đi tới Bryansk để điều trị bệnh giang mai, không bao giờ quay trở lại Lokot nữa. Tung tích của mụ đột nhiên biến mất.

Lực lượng phản gián quân đội Liên Xô, SMERSH, mở một cuộc điều tra về Tonya (tức Makarova) ngay sau khi vùng Bryansk được giải phóng. Tại hẻm núi gần nhà tù Lokot, người ta đã phát hiện ra hài cốt của 1.500 người.

Nhưng bất chấp các nỗ lực của dân địa phương, các cuộc thẩm vấn những kẻ làm tay sai cho giặc, và các cuộc kiểm tra vô số tài liệu, người ta vẫn không tìm thấy bất cứ manh mối nào về người thân của Makarova hay việc mụ ta chào đời.

132 3 Nu Dao Phu Phat Xit Duc Song O Lien Xo 30 Nam Khong Lan Tron

Chân dung nữ đao phủ một thời lúc bị bắt. Ảnh: Cơ quan An ninh Nga.

Trong nhiều năm sau chiến tranh, hồ sơ về Tonya được trao qua tay nhiều thế hệ điều tra viên KGB trong sự vô vọng. Mãi đến năm 1976, khi hồ sơ của một sĩ quan KGB mang tên Panfilov nằm trên bàn các lãnh đạo để họ kiểm tra theo thông lệ trước khi cử người ra nước ngoài công tác. Hồ sơ chỉ ra rằng Panfilov có một chị gái, tên là Antonia, còn được biết đến với cái họ là Makarova.

Từ đây lộ ra việc thời học sinh, Antonina hay ngượng đến nỗi không dám nói to họ của mình, nên các bạn bè đã nói nhầm với giáo viên rằng họ cô ta là Makarova (dựa trên tên riêng bố cô ta là Makar). Các tài liệu được cấp đã sử dụng cái tên này, dù rằng cô ta được ghi danh ban đầu là Panfilova tại nơi cấp giấy khai sinh.

Điều này giải thích vì sao, trong số 250 người mang tên Antonina Makarova mà KGB tìm thấy và kiểm tra, nhân vật Tonya sát thủ được họ truy nã hoàn toàn vắng mặt. Vì cuộc điều tra chỉ nhằm vào những người khai sinh bằng cái tên Makarova (chứ không phải là Panfilova).

Cựu chiến binh kỳ cựu

Chị gái của Panfilov, Antonina Makarova, khi đó làm việc tại một nhà máy dệt may ở thành phố Lepel, Belarus. Là vợ của một anh hùng thời chiến – trung sĩ Victor Ginzburg, bản thân chị ta cũng là một cựu chiến binh được kính trọng, được tặng thưởng vô số phần thưởng và hay đi nói chuyện với người dân.

Ý thức được nguy cơ vu oan cho một cựu chiến binh, KGB đã thận trọng theo dõi Makarova trong suốt một năm. Các điều tra viên đưa tới Lepel những người biết và có thể nhận diện được nhân vật Tonya sát thủ súng máy. Trong số đó có các cựu người tình và các kẻ cộng tác đã được trả tự do sau một thời gian đi cải tạo.

Cuối cùng họ xác nhận nhân vật cựu chiến binh đáng kính trọng đó là Antonina Ginzburg – đây không phải ai khác ngoài nhân vật Tonya đã ẩn danh bao năm. Đến người thân của Tonya, bao gồm cả chồng và 2 con gái của mụ, cũng không mảy may nghi ngờ về tội ác của mụ. Makarova ngay lập tức bị bắt.

Hóa ra trong quá trình quân phát xít Đức rút lui hàng loạt, Makarova đã quyết định ở lại Konigsberg (sau này được đặt tên là Kaliningrad). Khi Hồng quân chiếm được thành phố này, Makarova hóa thân trở lại thành một nữ y tá làm việc trong một bệnh viên. Tại đó, cô ta gặp người chồng tương lai của mình và sử dụng họ của chồng.

Hành quyết đao phủ

Trong suốt quá trình thẩm vấn, Antonina Panfilova-Makarova-Ginzburg vẫn hoàn toàn bình thản. Bà ta chắc chắn rằng hành động của mình tất cả là do tình thế trong chiến tranh ép buộc. Bà ta thành thực tin rằng khi thời gian trôi qua, mình sẽ chỉ phải nhận bản án nhẹ vài năm tù và sau đó được sớm phóng thích.

Thế nhưng tòa án lại quyết định khác.

Vào 6h sáng ngày 11/8/1979, Antonina Makarova bị tử hình bằng hình thức xử bắn. Cũng vào thời điểm này, KGB khép lại một trong các hồ sơ dài nhất trong lịch sử tổ chức này./.

Nguồn: VOV.VN


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan