Phạm nhân vượt ngục nguy hiểm nhất nước Đức và màn tẩu thoát nhờ một “con ma”

Với một kế hoạch đơn giản đến không ngờ, Gris Davies-Scourfield đã đàng hoàng bước ra khỏi nhà tù được canh phòng cẩn mật nhất của quân Đức.

Phạm nhân vượt ngục nguy hiểm nhất nước Đức và màn tẩu thoát nhờ một “con ma” - 0

Gris Davies-Scourfield là một trong những tù nhân nguy hiểm nhất nhà tù Colditz.

Người sĩ quan và những “thành tích” bất hảo

Gris Davies-Scourfield sinh ngày 8/8/1918 tại Patching, West Sussex (Anh), tham gia lực lượng quân đội phục vụ tại Anh cho đến khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra. Lúc này, ông được gửi sang Pháp làm chỉ huy trung đội tham gia bảo vệ thành phố Calais ở miền bắc nước Pháp.

Ngày 26/5/1940, lực lượng quân Đồng minh đụng độ với quân Đức tại đây. Trong 4 ngày chiến đấu, đội quân của Scourfield bị bao vây, bản thân ông bị thương ở đầu, cánh tay, mặt và ngất đi. Sau đó, ông bị quân Đức bắt giữ.

Ông đã trải qua nhiều tháng trong trại giam Laufen nằm ở biên giới Áo - Đức. Tại đây,  Scourfield từng nhiều lần tham gia đào hầm vượt ngục nhưng đều thất bại. Tuy nhiên, sau những lần như vậy, ông lại rút ra cho mình thêm kinh nghiệm để chuẩn bị cho một cuộc đào tẩu cẩn thận về sau.

Với những bề dày “thành tích” như vậy, Scourfield đã bị đưa tới nhà tù Colditz.

Nằm ở một thị trấn nhỏ ở phía đông nước Đức, Colditz vốn là 1 lâu đài được coi là biểu tượng hùng vĩ nhất của thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Với những bức tường cao chót vót, những vách đá dựng đứng và một chế độ canh phòng nghiêm ngặt, Colditz được đánh giá là nhà tù cẩn mật nhất trên thế giới. Đây là nơi giam cầm những người lính, sỹ quan quân Đồng minh sừng sỏ nhất - những người đến từ các trại giam ở khắp châu Âu, trong đó có những người từng trốn tù tới vài lần.

Trong con mắt của những tên lính canh ở nhà tù Colditz, Gris David Scourfield nổi lên là một trong những tù nhân nguy hiểm và cần phải để ý nhất.

Vượt ngục nhờ một “con ma”

Và quân Đức đã không sai khi liệt Scourfield vào hàng tội phạm cần canh phòng cẩn mật bởi đằng sau vẻ bình thản, thái độ chấp hành kia là cả một sự toan tính.

Tại đây, ông không lúc nào không nghĩ đến chuyện đào tẩu. Vô số kế hoạch đã được đưa ra và sau nhiều lần suy đi tính lại, ông lại chọn cách đơn giản nhất – cải trang giống như một sĩ quan Đức và đàng hoàng bước ra khỏi nhà tù.

Tất cả những gì mà người tù trốn trại này phải làm là tìm được một cách nào đó để thoát ra ngoài nhà tù mà không bị để ý. Nhưng ái cách mà ông lựa chọn không hề dễ chịu chút nào: Chui trong chiếc xe dùng để chở rác từ trong nhà tù ra ngoài.

Khoác trên người cùng lúc ba bộ quần áo gốm 1 bộ dân thường, 1 bộ quân phục của sĩ quan Đức và 1 bộ quần áo công nhân mặc ngoài cùng, Scourfield thực hiện cuộc đào tẩu đầy hiểm nguy qua chiếc sân rộng bên trong nhà tù trong đống rác rưởi.

Nấp trong chiếc xe rác, ông dễ dàng vượt qua vòng kiểm soát và khi đã được trút xuống bãi rác, ông liền cởi bỏ bộ quần áo công nhân, chỉnh trang lại dáng vẻ bên ngoài và bình tĩnh bước ra khỏi nhà tù như một sĩ quan Đức.

Tuy nhiên, việc thoát ra ngoài bức tường của tòa lâu đài mới chỉ là thành công bước đầu. Ra được bên ngoài rồi nhưng Gris phải làm thế nào để những tên cai ngục tin rằng ông vẫn còn trong ngục.

Về chuyện này, Scourfield đã gặp may khi vị trí của ông được thay thế bằng một “con ma”.

Quay lại 6 tháng trước đó, Jack Best, một tù nhân ở Colditz, giả vờ trốn trại, làm cho quản giáo tin rằng anh đã bỏ trốn thành công, trong khi thực tế Jack vẫn ở trong trại giam, bí mật sống bên dưới những tấm ván lát sàn.

Công việc của Jack là thế chỗ những tù nhân trốn trại để đảm bảo quân số tù nhân vẫn đủ cho đến tận lúc người bỏ trốn đã được an toàn.

Khoác trên mình bộ trang phục dân thường, Scourfield đi lại thoải mái mà hầu như chẳng bị nghi ngờ chút nào. Ông gần như đã trốn thoát thành công.

Tuy nhiên, không may cho Scourfield, khi chỉ còn cách biên giới Hà Lan hơn 100 km, ông bị những người lính nghi ngờ. Họ phát hiện ra Scourfield trốn trại nên đã bắt ông quay trở lại Colditz.

Nguồn: Danviet.vn


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan