Không hề có số liệu thống kê chính thức. Các sử gia phương Tây cho rằng có khoảng 100 ngàn đứa trẻ như thế, tuy nhiên đó chỉ là con số ước đoán. Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận: những đứa trẻ ấy và mẹ của chúng không bao giờ bị miệt thị ở nơi công cộng.
Dòng máu Aryan không còn thuần khiết
Hầu như ai cũng biết, Hitler bị ám ảnh cuồng điên bởi lý thuyết về sự thuần khiết của chủng tộc Aryan. Xuất phát từ tư tưởng này, không một người Đức thuần chủng nào được phép kết hợp (qua hôn nhân, giao phối) với đại diện của một chủng tộc khác.
Nhưng tại các quốc gia bị quân Đức chiếm đóng, kể cả ở Liên Xô, binh lính Đức đã thường xuyên vi phạm luật cấm ấy. Giới lãnh đạo chóp bu của Đức quốc xã buộc phải phản ứng trước hiện trạng này.
Trong tháng 61942, một bản "Quy định về hành vi của binh sĩ Đức" đã được phổ biến đến binh lính của Wehrmacht ở những khu vực bị chiếm đóng của Liên Xô, trong đó có lời cảnh báo: "Cần chấm dứt ngay việc lính tiếp xúc với phụ nữ sở tại vì hành vi này có thể đe dọa, gây nguy hiểm cho sự thuần khiết của nòi giống Đức".
Nhưng bản quy định ấy đã không giúp được gì. Chưa đầy một năm sau đó, vào tháng 3.1943, một văn bản khác liên quan đến quan hệ tình dục của binh sĩ Đức với phụ nữ Liên Xô đã được ban hành. Theo quyết định của Chỉ huy quân sự Đức ở thành phố Oryol, thiếu tướng Adolf Hamann (về sau, tháng 12.1945, bị xử treo cổ tại thành phố Bryansk), nếu sinh con từ một người lính Đức, người mẹ Nga có quyền được cấp dưỡng". Được biết, mức trợ cấp này là 30 mác Đức mỗi tháng.
Giải pháp trại trẻ mồ côi
Người Nga gọi những đứa trẻ sinh ra từ binh sĩ Đức là “Nyemchki” có nghĩa “Đức con” (trong tiếng Nga, người Đức được gọi là Nyemtsy). Nyemchki là cách gọi bình thường, không hàm nghĩa miệt thị hay khinh bỉ.
Ảnh minh họa thời chiến tranh thế giới thứ 2
Ngày nay người ta chỉ có thể biết chính quyền Xô viết đã đối xử như thế nào với những phụ nữ đã sinh con từ lính Đức và với chính các Nyemchki bằng cách tìm hiểu qua những tài liệu ít ỏi của Đức và của Liên Xô còn lưu giữ được từ thời chiến tranh.
Một báo cáo của Abwehr (cơ quan tình báo quân sự Đức), được biên soạn sau khi quân đội Liên Xô tái chiếm được Kharkov từ tay quân Đức trong một thời gian ngắn năm 1942, cho biết “các lực lượng của Dân ủy nội vụ đã tử hình bốn nghìn cư dân trong thành phố, trong đó có nhiều cô gái là bạn của lính Đức, đặc biệt có những cô đang mang thai. Chỉ cần có đủ 3 nhân chứng là có thể xử bắn nạn nhân...".
Nhưng đó là tài liệu của phía Đức. Còn từ phía người Nga thì sao?
Các nhà sử học đã tìm thấy trong kho lưu trữ một bức thư của Thứ trưởng Ngoại giao khi đó là Ivan Maisky gửi Stalin, có liên quan đến số phận của trẻ em do phụ nữ Xô viết sinh ra từ lính Đức. Maisky cho rằng nên "gom tất cả những Nyemchki này, thay tên đổi họ rồi đưa vào trại trẻ mồ côi".
Stalin đã phản ứng như thế nào với lá thư này thì không ai rõ. Nhưng có một điều rõ ràng là sau chiến tranh, hàng ngàn cư dân ở những vùng lãnh thổ của Liên Xô bị chiếm đóng đã phải chịu nhiều dạng đàn áp, vì những lý do khác nhau. Nhưng những người phụ nữ sinh con từ những kẻ xâm lược không bao giờ bị quy kết là "phản bội" và họ cùng những đứa con ấy không bao giờ bị công khai tẩy chay, miệt thị.
"Rác Đức" ở Tây Âu
Để thấy được chính quyền Liên Xô đối xử nhân đạo với các "Nyemchki" và các bà mẹ như thế nào, cần phải so sánh với những trải nghiệm tương tự ở các nước khác, cũng bị quân Đức chiếm đóng.
Sau chiến tranh, tại Pháp, quốc gia đã đầu hàng phát xít Đức ngay từ đầu, hơn 18.000 người trong số những phụ nữ có con với lính Đức (ở Tây Âu, họ bị gọi một cách khinh bỉ là “rác Đức”) đã bị giam tù suốt 1 năm, bị cạo trọc đầu và thỉnh thoảng lại bị dong đi trên đường phố như súc vật. Người Pháp gọi khoảng thời gian này là "năm tẩy nhục quốc gia".
Năm 1940, chỉ 5 ngày sau khi bị quân Đức tấn công, Hà Lan đã đầu hàng. Vào tháng 5.1945, tại các phiên tòa tự phát trên đường phố, khoảng 500 "rác Đức" đã bị giết chết.
Ở Na Uy, đất nước lúc đó chỉ có 4 triệu dân, đã có hơn 10.000 đứa trẻ được sinh ra từ lính Đức. Theo thống kê chính thức, có 5.000 phụ nữ sinh con từ lính Đức đã bị kết án một năm rưỡi lao động cưỡng bức, và đến 90% "rác Đức" bị coi là mắc bệnh tâm thần nên bị bắt phải sống trong nhà thương điên cùng với con mình, nhiều người mãi đến thập niên 1960 mới được thả ra ngoài.
Họ đã bị sử dụng để thử nghiệm các loại dược phẩm mới bào chế. Chỉ mới gần đây, vào năm 2005, Quốc hội Na Uy chính thức xin lỗi các nạn nhân vô tội của chiến dịch này, và Ủy ban Tư pháp đã phê duyệt bồi thường 3.000 euro cho mỗi người còn sống.
Đói và sợ chứ không phải ham muốn
Ở Liên Xô, "Nyemchki" và mẹ của họ chưa bao giờ bị miệt thị, nhạo báng công khai. Có thể có những người bị âm thầm đày đi Siberia, nhưng một lần nữa lại không có số liệu thống kê chính xác.
Tuy nhiên, nhiều nhân chứng thời chiến tranh kể rằng chỉ có hai lý do chính đẩy phụ nữ và các cô gái trẻ Liên Xô đến việc tiếp xúc mật thiết với những kẻ chiếm đóng Đức Quốc xã – đó là sợ hãi và đói: họ sợ bị giết nếu từ chối, hoặc phải làm như vậy để nuôi sống bản thân và con cái của mình. Cũng có những mối quan hệ tự nguyện với binh lính Đức, nhưng chỉ là cá biệt chứ không phải là phổ biến.
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC