3 loại bảo hiểm hưu trí ở Đức bạn cần biết

3 loại bảo hiểm hưu trí ở Đức bạn cần biết

Đức nổi tiếng là đất nước có đời sống dân cư ổn định bậc nhất thế giới, phần lớn là nhờ vào hệ thống an sinh xã hội hiệu quả được chính phủ xây dựng từ lâu đời. Bảo hiểm hưu trí (Rentenversicherung) là một trong năm loại bảo hiểm của Đức nhằm hỗ trợ cuộc sống của người lao động sau khi nghỉ hưu về già.

1 3 Loai Bao Hiem Huu Tri O Duc Ban Can Biet

Tổng quan về hệ thống bảo hiểm hưu trí ở Đức

Hệ thống bảo hiểm hưu trí ở Đức nhìn chung được chia thành 3 nhánh chính:

  • Bảo hiểm cơ bản (nhánh 1)
  • Bảo hiểm doanh nghiệp (nhánh 2)
  • Bảo hiểm cá nhân, đầu tư (nhánh 3)

Theo thống kê của Liên hiệp quốc vào năm 2020, dân số thế giới ngày càng già đi (chỉ 33% dân số ở độ tuổi dưới 20 tuổi) và châu Âu là khu vực có tỷ lệ dân số già cao nhất thế giới. Tuổi thọ ngày càng tăng, tỷ lệ sinh thấp và thời gian đi học đào tạo dài đồng nghĩa với việc mức lương hưu theo quy định không còn đủ cung cấp cho người lao động khi về già. Vì thế nên người Đức tham gia thêm bảo hiểm nhánh 2 và 3 nhằm đảm bảo một cuộc sống ổn định và sung túc trong tương lai.

1. Các loại bảo hiểm hưu trí cơ bản ở Đức

a) Bảo hiểm hưu trí công cơ bản (gesetzliche Rentenversicherung)

Bảo hiểm hưu trí theo luật định là bắt buộc đối với hầu hết tất cả những người có việc làm với mục đích bảo đảm tài chính khi về già. Mức tiền lương hưu thực nhận sẽ tính phần trăm dựa trên lương chính thức trong thời gian lao động.

Nếu người lao động đi làm với mức lương trên 450 euro/ tháng thì bắt buộc phải đóng 18.6% lương (trước thuế) cho bảo hiểm hưu trí. Trong đó, 9.3% lương được trừ trực tiếp vào lương người lao động và 9.3% lương còn lại sẽ do chủ lao động chịu trách nhiệm đóng. Bảo hiểm trên áp dụng cho người lao động làm công ăn lương. Còn người lao động tự do hoặc chủ doanh nghiệp cũng phải đóng bảo hiểm hưu trí trong một số trường hợp đặc biệt.

Thời gian tham gia lao động đóng bảo hiểm bắt buộc tối thiểu để có thể nhận lương hưu khi về già là 5 năm. Độ tuổi được nhận lương hưu là 67 tuổi, khi đó người nghỉ hưu sẽ được nhận lương hưu hằng tháng. Người về hưu cũng có thể được nhận lương hưu sớm hơn ngay từ khi 63 tuổi với các điều kiện sau đây:

  • Đã đóng bảo hiểm hưu trí đủ 45 năm (ngay từ khi 18 tuổi)
  • Đã đóng 35 năm và chấp nhận hàng tháng nhận được mức lương hưu ít hơn. Ví dụ, nếu về hưu năm 63 tuổi, lương hưu hàng tháng sẽ thấp hơn 14,4% so với về hưu năm 67 tuổi.

Cách tính lương hưu nhận được dựa theo bảo hiểm công:

Lương hưu (brutto) = Điểm thu nhập (Entgeltpunkte) x Hệ số về hưu (Zugangsfaktor) x Kiểu/lí do về hưu (Rentenfaktor) x Hệ số tiền lương hưu nhận được (Rentenwert) [nguồn]

Trong đó:

  • Điểm thu nhập (Entgeltpunkte): Mỗi năm làm việc với mức lương trung bình (3100 euro/tháng – 2020) tương đương với 1 Entgeltpunkte. Nếu lương gấp đôi mức trung bình tương đương với 2 Entgeltpunkte.
  • Hệ số về hưu (Zugangsfaktor): Nếu người lao động về hưu khi đủ tuổi thì Zugangsfaktor = 1. Nếu về hưu năm 63 tuổi (sớm 4 năm) thì Zugangsfaktor = 1 – (0.3% * 48 tháng) = 0, 856.
  • Kiểu/lí do về hưu (Rentenfaktor): Có thể do tuổi già, do mất sức lao động,…. Nếu về hưu do tuổi già, Rentenfaktor = 1.
  • Hệ số tiền lương hưu nhận được (Rentenwert): Hệ số tiền lương hưu (Rente) nhận được. Ví dụ năm 2017 là 28,66 euro ở Tây Đức, và 30,45 euro ở Đông Đức.

Ví dụ nếu người lao động đi làm 40 năm, hàng năm nhận mức lương trung bình và đóng bảo hiểm đầy đủ, tới năm 67 tuổi sẽ nhận được mức lương hưu như sau:

40 Entgeltpunkte x 1 Zugangsfaktor x 1 Rentenfaktor x 28,66 euro Rentenwert = 1146.4 euro /tháng

Với cách tính trên thì trong trường hợp người lao động muốn nghỉ hưu sớm hơn độ tuổi quy định thì mức lương hưu nhận được sẽ thấp hơn rất nhiều, khó đảm bảo tài chính khi về già. Vì vậy bảo hiểm hưu trí công được xem là nhánh bảo hiểm cơ bản và mỗi người đều cần tham khảo và chuẩn bị thêm bảo hiểm doanh nghiệp và bảo hiểm tư nhân.

b) Bảo hiểm hưu trí tư nhân cơ bản – Basis Rente

Bảo hiểm cơ bản (Basis Rente) là một loại bảo hiểm tư nhân có những đặc điểm khá giống với bảo hiểm công và cùng thuộc nhánh cơ bản của hệ thống bảo hiểm hưu trí ở Đức. Những người không tham gia bảo hiểm công (chẳng hạn như các chủ doanh nghiệp) có thể tham gia Basis Rente để được hưởng lương hưu về sau. Trong khi mức lương hưu người tham gia bảo hiểm công nhận phụ thuộc vào quyết định của nhà nước và thay đổi theo từng năm thì mức lương hưu của Basis Rente sẽ được thỏa thuận từ đầu trong hợp đồng nên không xóa bỏ được.

Tiền đóng bảo hiểm không phải nộp thuế (trừ khi mức đóng bảo hiểm trên 25.000 euro/năm). Mức lương hưu nhận được hằng tháng (tối thiểu là 62 tuổi) mới bắt buộc phải đóng thuế. Tuy nhiên mức thuế này thường thấp do lương hưu không cao như lương chính thức khi đi làm. Với lợi thế về thuế này thì Basis Rente là sự lựa chọn lý tưởng cho các chủ doanh nghiệp và những người hành nghề tự do (Selbstständige).

2. Các loại bảo hiểm hưu trí ở Đức của doanh nghiệp, nhà nước

a) Bảo hiểm hưu trí của doanh nghiệp (betriebliche Altersvorsorge – bAV)

Người lao động tại Đức có cơ hội tham gia bảo hiểm doanh nghiệp trong trường hợp chủ doanh nghiệp cho phép. Khi tham gia bảo hiểm, người lao động trả một phần lương trước thuế hằng tháng và chủ doanh nghiệp sẽ tham gia đóng cùng họ tùy theo mỗi công ty. Khi nghỉ hưu, người lao động sẽ nhận lại số tiền này và phải nộp thuế. Tuy nhiên do mức lương hưu nhận được thường không quá cao nên mức thuế phải đóng sẽ thấp hơn so với khi đi làm.

Bảo hiểm hưu trí doanh nghiệp phù hợp với người lao động có ý định làm lâu dài cho 1 công ty. Nếu sau này có ý định chuyển công ty thì đôi khi số tiền bảo hiểm đã đóng ở chỗ cũ sẽ không được nhận lại.

5 hệ thống bảo hiểm hưu trí doanh nghiệp thường được xác định là:

  • Direktzusage (cam kết trực tiếp)
  • Pensionsfonds (quỹ hưu trí)
  • Direktversicherung (bảo hiểm trực tiếp)
  • Pensionskasse (quỹ hưu trí)
  • Unterstützungskasse (quỹ tiết kiệm)

b) Bảo hiểm trợ cấp của nhà nước (Riester Rente)

Riester Rente là một khoản trợ cấp từ nhà nước nhằm khuyến khích người dân tự dự phòng lương hưu cho họ sau này. Mỗi năm người tham gia bảo hiểm đóng vào quỹ Riester Rente của họ và nhà nước cũng góp thêm 1 khoản (Zulage). Tổng số tiền phải đóng (cộng với Zulage) phải đạt mức tối thiểu là 4% lương trước thuế và tối đa là 2,100 euro/năm. Zulage hiện tại (2022) là 175 euro/1 người lớn + 300 euro/1 đứa con (sinh sau 2007). Mỗi năm người tham gia bảo hiểm cần đến cơ quan tài chính (Finanzamt) để khai thuế và nhận lại số thuế tiết kiệm được (Steuerersparnis).

Một số lưu ý khi tham gia bảo hiểm Rieser Rente:

  • Khi về già (tối thiểu 62 tuổi), người tham gia bảo hiểm chỉ được nhận lại tối đa 30% số tiền đã đóng, số tiền còn lại sẽ được nhận hằng tháng và nhận bao nhiêu tùy thuộc vào cam kết trong hợp đồng với bên cung cấp bảo hiểm
  • Như các hình thức bảo hiểm hưu trí khác, tiền lương hưu nhận được với bảo hiểm nhà nước đều phải đóng thuế nên nếu người tham gia bảo hiểm muốn nhận ngay 30% số tiền thì phải chịu thuế rất cao
  • Nếu rút tiền khi chưa đủ tuổi, người tham gia sẽ phải trả lại toàn bộ Zulage và Steuerersparnis.

3. Bảo hiểm hưu trí cá nhân

Bảo hiểm tư nhân bao gồm tất cả các hình thức và loại tích lũy tài sản cá nhân. Chẳng hạn như gửi lãi suất có kỳ hạn, gửi tiết kiệm, các khoản đầu tư, cổ phiếu, chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ,… và bao gồm cả bảo hiểm Riester.

Đối với các bạn du học sinh, đặc biệt là du học sinh điều dưỡng Đức thì việc các bạn vừa học vừa làm và đóng thuế đầy đủ vào hệ thống an sinh xã hội Đức là đã thực hiện việc tích lũy cho bảo hiểm hưu trí sau này của mình. Ngoài bảo hiểm công bắt buộc thì việc tìm hiểu và tham gia bảo hiểm tư rất có lợi cho tương lai, đặc biệt khi các bạn muốn định cư lâu dài tại Đức.


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan