Đức là một trong những nước đề cao khái niệm „Kinh tế thị trường xã hội“, tức là không chỉ cạnh tranh để phát triển nền kinh tế theo nhu cầu của thị trường, mà còn phải quan tâm tới phúc lợi xã hội đối với người dân.
Nước Đức vẫn thường tự hào về mạng lưới xã hội kép, có nghĩa là khi người lao động không may mất đi công ăn việc làm, họ sẽ được nâng đỡ bằng mạng lưới xã hội thứ nhất, đó là tiền thất nghiệp.
Sau khi hết thời gian nhận tiền thất nghiệp, phụ thuộc vào thời gian làm việc liên tục trước đó, họ sẽ được nâng đỡ bằng mạng lưới xã hội thứ hai, đó là tiền trợ cấp thất nghiệp.
Trước đây, sau khi hết thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp, họ sẽ được nhận tiền trợ cấp xã hội, nếu vẫn không có công ăn việc làm và không còn tiền của, tài sản để sinh sống.
Có nghĩa là sống ở Đức thì không ai sợ bị chết đói vì không có tiền để bảo đảm cuộc sống tối thiểu.
Trong quá trình thực hiện „Agenda 2010“ để cải cách thị trường lao động, nhằm giảm thiểu số người thất nghiệp, Chính phủ CHLB Đức dưới thời Thủ tướng Gerhard Schröder đã đưa vào áp dụng cái gọi là „Hartz IV“, có thể coi là gộp tiền trợ cấp thất nghiệp với tiền trợ cấp xã hội vào làm một, với mức thấp ngang với trợ cấp xã hội.
Biện pháp này đã góp phần làm giảm số lượng người thất nghiệp, vì nhiều người sẽ cảm thấy xấu hổ, nếu họ phải ngửa tay xin tiền trợ cấp xã hội, nếu họ còn khả năng kiếm được công ăn việc làm, dù là vất vả hoặc lương thấp.
Tuy nhiên, cũng có không ít người đã lợi dụng kẽ hở trong quản lý để được nhận tiền Hartz IV một cách bất chính như khai man hoặc che giấu thực tế thu nhập, che giấu tài sản thực có, hoặc đi làm chui trong khi vẫn nhận Hartz IV.
Trong tiếng Đức, khái niệm để chỉ những hành vi gian dối này là „Lừa đảo phúc lợi xã hội“ (Sozialbetrug hoặc Sozialleistungsbetrug).
Chưa kể hành vi lừa đảo phúc lợi xã hội này, nếu bị phát giác có thể bị khép vào tội hình sự với hình phạt là phạt tiền, hoặc thậm chí bị tù và bị ghi váo hồ sơ, lý lịch.
Đây cũng có thể là một cái „bẫy“ làm cho người ta vì một chút lợi ích nhỏ trước mắt mà đánh mất nhiều cơ hội, lợi ích lớn hơn.
Mặc dù việc được nhận Hartz IV là „quyền“ của những người được thụ hưởng, nếu họ đáp ứng những quy định trong luật pháp như không có thu nhập, không có tài sản.
Nhưng để xác định được điều này, người nhận Hartz IV phải kê khai những tài khoản ngân hàng mà họ có và cơ quan chức năng có quyền kiểm tra, kê khai diện tích nhà ở xem có rộng quá, đắt quá không.
Để kiểm tra xem những người nhận Hartz IV có đi làm chui không, Jobcenter sẽ thường xuyên hẹn tới để gặp hoặc giới thiệu nơi có thể đến xin việc, cho dù hy vọng có được công ăn, việc làm là mong manh.
Những người về Việt Nam thăm gia đình mà không báo trước với Jobcenter thì luôn lo nơm nớp, vì nếu họ phát hiện dấu nhập xuất cảnh trong hộ chiếu thì sẽ bị trừ tiền.
Nhiều người sau khi ở Việt Nam sang, phải bỏ ra mấy trăm Euro tiền phạt để đổi hộ chiếu mới, do vẫn còn lâu mới hết hạn hộ chiếu, nhưng lại sợ Jobcenter biết được.
Có người có công ăn việc làm hoặc hành nghề tự lập, nhưng lại chỉ muốn khai thu nhập ít đi để có thể nhận được Hartz IV cho cả gia đình. Như vậy, suốt ngày họ sống trong lo sợ bị phát hiện, mất hẳn tự tin. Thậm chí, khi họ đã tích lũy được một số vốn kha khá cũng không dám mua sắm hoặc làm gì lớn vì sợ bị lộ.
Vì Hartz IV, có người đã rơi vào nghịch cảnh:
Là dành dụm xây được nhà to ở Việt Nam, thậm chí có đất chỗ này chỗ khác để dành, nhưng trong cuộc sống hàng ngày ở Đức, họ phải ở trong căn ộ chật chội, vì Jobcenter không cho phép họ thuê nhà rộng.
Thế rồi, thời gian cứ trôi đi thật nhanh, tuổi già sồng sộc tới. Không biết bao giờ họ mới được thanh thản hưởng những thành tựu do sức lao động của mình mang lại?
Vũ Văn – Thoibao
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC