Đó là một ngày mưa lạnh giá tháng Giêng, các tình nguyện viên người Đức đang đứng trước lán hỗ trợ thực phẩm dựng bên ngoài Bonner Tafel, một cửa tiệm rau quả tại thành phố Bonn, miền Tây nước Đức. Nhiệt độ giảm sâu có thể khiến công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn, song lại lý tưởng cho những loại thực phẩm mà các tình nguyện viên đã thu thập trước đó tại rất nhiều siêu thị. Chúng không đủ tươi để bán trên các quầy kệ, nên sẽ được tổng hợp lại, sau đó phân phát miễn phí cho những người dân nghèo đã về hưu, lao động thu nhập thấp và cả những thanh niên Đức đang thất nghiệp.
Rất nhiều người sẵn sàng bỏ ra 4 tiếng đồng hồ mỗi tuần để đến Tafel và nhặt bất kỳ loại rau củ, thực phẩm nào có thể giúp họ có một buổi tối no bụng.
“Cứ đến cuối tháng, khi điều kiện tài chính trở nên eo hẹp, mọi người sẽ lại đến đây và hỏi chúng tôi về đồ ăn. Lạm phát đang ngày càng trở nên đáng lo ngại”, Günther Giesa, một tình nguyện viên chia sẻ với tờ DW.
Bóng đen lạm phát bủa vây
Các số liệu vừa công bố cho thấy, trong tháng 2 năm nay, tỷ lệ lạm phát tại Đức đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này trái ngược hoàn toàn với năm 2020, khi lạm phát Đức chỉ đạt mức 0,5%.
Giá tiêu dùng đang tăng phi mã trên toàn cầu. Đà leo thang của chi phí năng lượng được cho là một trong những nguyên nhân chính, khi mà các lệnh hạn chế đi lại trong thời kỳ dịch bệnh gần được dỡ bỏ. Việc nguồn cung năng lượng hạn chế không bù đắp kịp sự gia tăng đột ngột trong nhu cầu đã khiến khủng hoảng “bão giá” ngày càng nghiêm trọng.
“Sẽ có những sự xáo trộn trên thị trường năng lượng, điều này là dễ hiểu. Giá cả sẽ tăng lên và người tiêu dùng chịu tác động rất nhiều”, ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) cho biết.
“Giá nhiên liệu tăng, chi phí vận tải cũng cao, nên nhiều loại hàng hóa cũng tăng giá theo. Không chỉ ở trạm xăng, mà ngay cả khi đi siêu thị, người tiêu dùng cũng sẽ cảm thấy họ phải chi nhiều hơn cho những nhu cầu cơ bản”, ông Dirk Engelhardt, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp, Vận tải và Logistics Đức nói.
Hồi năm 1923, nước Đức cũng đã phải trải qua thời kỳ siêu lạm phát sau khi chính phủ chấm dứt chế độ bản vị vàng . Những người sử dụng lao động khi đó buộc phải trả lương hàng ngày để nhân viên sớm mua lương, thực phẩm trước khi chúng tiếp tục tăng giá vào ngày hôm sau.
Mua ổ bánh mì hay 1 lít sữa tươi cho tiết kiệm?
Tờ DW cho rằng, đối với một quốc gia coi trọng sự ổn định kinh tế như Đức, b̵ó̵n̵g̵ ̵m̵a̵ lạm phát là mối bận tâm rất lớn. Theo chuyên gia kinh tế người Mỹ Robert Shiller, chỉ những lo sợ lạm phát trên lý thuyết cũng đủ để khiến nền kinh tế Đức chịu ảnh hưởng tiêu cực. Khi đó, dân thu nhập thấp sẽ là đối tượng bất an hơn cả.
“Buồn lắm. Mỗi lần đổ xăng là mất €100, trong khi trước đó chỉ có €80. Dẫu vậy, €20 không ảnh hưởng đến tôi quá nhiều. Những người dân thu nhập thấp đến đây xin đồ ăn mới đáng lo cơ”, một tình nguyện viên của Tafel giải thích. “Họ sẽ phải cân nhắc nên dùng số tiền đang có để mua bánh mì tươi hay một lít sữa cho tiết kiệm?”.
Báo The Guardian trước đó trích lời Isabella Weber, Phó Giáo sư kinh tế tại Đại học Massachusetts Amherst cho biết, lợi dụng lạm phát, rất nhiều các tập đoàn lớn có sức ảnh hưởng trên thị trường đã đẩy nhanh giá nhiều mặt hàng và thu lợi. Giới chức Đức sau đó đã phải áp đặt mức giá giới hạn cho một số loại thực phẩm, bao gồm đường, sữa bò và chân giò.
Tạp chí Focus của Đức mới đây cũng có một bài viết khuyên độc giả thay đổi thói quen chi tiêu trong bối cảnh giá cả tăng chóng mặt. Ngoài việc khuyến khích mọi người uống trực tiếp nước máy thay vì mua nước lọc đóng chai, Focus cho rằng những người tiêu dùng thông minh sẽ chọn mua những loại thực phẩm theo mùa, săn nông sản giá rẻ và các chương trình giảm giá khuyến mại. Tạp chí này cũng liệt kê một số công ty cung cấp hệ thống lọc khử mùi nước máy hiệu quả để người dân có thể uống trực tiếp mà không cảm thấy khó chịu.
Nguồn: cafef
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC