Các dấu hiệu nhận biết khách hàng dỏm, muốn quỵt tiền tiệm nail

Các dấu hiệu nhận biết khách hàng dỏm, muốn quỵt tiền tiệm nail

“Hầu như tiệm nail nào cũng từng gặp trường hợp khách kiếm chuyện để không trả tiền, hoặc quỵt tiền bỏ chạy.” Đó là chia sẻ của chị Gina Nguyễn, ở Garden Grove, người đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm trong ngành nail hiện đang làm việc tại tiệm Passion Beauty Salon.

“Gặp tình huống quỵt tiền, người quản lý tiệm phải biết giải quyết tình huống. Làm sao để chúng ta vừa lấy được tiền, vừa tránh các rắc rối pháp lý,” chị nói thêm.

Muôn kiểu quỵt tiền ở các tiệm nail

Còn nhớ vào Tháng Mười Hai, 2018, cộng đồng người Việt rúng động khi nghe tin một phụ nữ là chủ tiệm Crystal Nails & Spa ở Las Vegas, Nevada, bị thiệt mạng chỉ vì lấy thân mình chặn đầu xe hơi của khách đang bỏ chạy vì quỵt số tiền vỏn vẹn… $35.

Mới đây, vào đầu Tháng Tám, 2019, đài truyền hình địa phương KRQE News 13 đưa tin về một nhóm năm cô gái da trắng, ở độ tuổi vị thành niên, đột nhiên nhảy lên xe truck bỏ chạy, cố tình ăn quỵt $250 tiền công của tiệm Happy Nails ở thành phố Albuquerque, tiểu bang New Mexico. Camera giám sát của tiệm cho thấy, năm cô này đã có âm mưu “ăn quỵt” ngay từ đầu, khi bốn cô làm móng vừa xong, một cô nhắn tin phối hợp với một đồng phạm đang chờ sẵn ở xe truck bên ngoài. Cả năm cô gái hớn hở nhảy lên xe truck, lao đi nhanh chóng, trong sự “chưng hửng” của những người thợ nail.

Điều đáng nói là trong tám tháng qua, đây là lần thứ sáu, tiệm này gặp phải cảnh quỵt tiền, bỏ chạy như trên.

132 1 Cac Dau Hieu Nhan Biet Khach Hang Dom Muon Quyt Tien Tiem Nail

Nhóm năm cô gái tuổi vị thành niên, đột nhiên nhảy lên xe truck bỏ chạy, cố tình ăn quỵt $250 tiền công của tiệm Happy Nails ở tiểu bang New Mexico. (Hình chụp màn hình đài KRQE News 13)

Chị Vickie Ngô, hiện đang làm quản lý tiệm Star Nails ở Long Beach, cho hay: “Có một lần cách đây sáu tháng, lúc đó chỉ còn 15 phút nữa là tiệm đóng cửa, thì có hai gã thanh niên người Hispanic bước vào. Có hai người ở ngoài xe, một người làm nail, còn một người ngồi trong tiệm chờ. Thợ chúng tôi phải phục vụ họ hơn một tiếng đồng hồ, từ ngâm chân, cắt da chết, cắt móng, rồi nhúng sáp paraffin, sau đó họ đòi đấm bóp massage. Trong khi đó anh chàng ngồi chờ thì bắt đầu đi tới đi lui, hết xin vô nhà vệ sinh lại xin vô rửa tay, rồi xin xỏ chai nước sơn… Tới khi tính tiền thì anh ta giả bộ quên ví ngoài xe rồi bất ngờ bỏ chạy. Thì ra có hai gã thanh niên khác đã đợi sẵn ở ngoài xe. Chúng tôi mất $55 mà vừa đói vừa mệt vì làm muộn.”

132 2 Cac Dau Hieu Nhan Biet Khach Hang Dom Muon Quyt Tien Tiem Nail

Dấu hiệu khách quỵt tiền: Thường vẽ ra đủ thứ, đòi làm cái này, rồi lại đòi làm cái kia, rồi có khi kiếm chuyện không ưng, bắt tháo ra làm lại, đổi màu khác, kiểu khác… (Hình minh họa: Thiện Tâm/Nails-Hair Artist)

“Cách đây hai tuần, chúng tôi đã suýt bị quỵt $52. Có một phụ nữ trẻ, tới tiệm cũng vào gần giờ đóng cửa. Cô ta đòi làm đủ thứ từ cắt da, cắt móng, design, gắn hột… Rồi cô ta tỏ ý không ưng lại bắt thợ tháo ra làm lại, mất gần hai tiếng đồng hồ. Cuối cùng khi ra tính tiền, cô ta đưa ra ba thẻ credit, debit mà không cái nào có tiền,” chị kể tiếp.

Chị Dương Thúy Hằng, chủ tiệm nail ở thành phố Phoenix, Arizona, cho hay: “Cách đây hai tuần, có hai khách tới làm nail và cả massage chân, tay hết $110. Sau một tuần, họ quay lại kiếm chuyện là tại thợ ở tiệm em bào móng mỏng quá nên dễ gãy. Tụi em đã cố gắng hết sức để làm hài lòng khách bằng cách tháo ra làm mới. Nhưng khách vẫn không chịu, họ cố tình đòi tiền lại. Họ còn dọa nạt tụi em là nếu không trả tiền, thì họ sẽ báo cảnh sát và State Board (Hội Đồng Quản Trị Nghề Tóc và Thẩm Mỹ Tiểu Bang – State Board of Barbering and Cosmetology, còn gọi tắt là State Board).”

“Thậm chí có khách ‘lầy’ tới nỗi, làm nail xong tới khi ra quầy tính tiền, họ nói tỉnh bơ là họ mới bị mất ví tiền nên không có tiền trả?! Trong khi tiệm của tôi ở khu dân giàu, ‘Mỹ trắng’ là chính, trước giờ ít gặp khách kiểu này,” chị chia sẻ thêm.

Đó là chưa nói tới tình cảnh thường xuyên gặp phải khách trả tiền giả, chi phiếu lủng (không có tiền) hoặc cao siêu hơn, họ đưa thẻ tín dụng “ăn cắp” của người khác để trả tiền.

Nói chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt, chị Thúy Huỳnh, chủ tiệm Nails & Spa ở thành phố Detroit, tiểu bang Michigan, chia sẻ câu chuyện điển hình về quỵt tiền có tính chất lừa đảo ăn cắp: “Có một khách vô tiệm tôi, ăn mặc rất sang trọng và chị ta đòi làm toàn những dịch vụ cao cấp. Tôi nói giá bao nhiêu họ đều gật đầu cái rụp, có vẻ như rất dễ dãi và chịu chi. Tổng số tiền làm móng và spa là $174, chị ta còn hào phóng tip $26 là chẵn $200, khiến tôi mừng húm.”

“Tới khi chị ta đưa một thẻ tín dụng cho tôi ‘cà’ (tức là cho vào máy lấy tiền), nhưng thẻ bị cong, ‘cà’ không được. Rồi chị ta nói đưa máy ‘cà’ thẻ để chị ta tự bấm số thẻ vô bằng tay. Tôi đưa máy cho chị ta tự bấm số và tôi không để ý số chị ta ‘cà’ là gì, chỉ biết rằng máy ‘cà’ thẻ báo đã lấy thành công số tiền $200, và đúng là tài khoản tôi có số tiền đó,” chị kể.

“Có ai ngờ đâu, ba tuần sau, tự nhiên tôi bị nhà băng lấy lại số tiền $200 đó. Gọi lên nhà băng mới biết, tôi đã bị chị ta lấy số thẻ ăn cắp của người khác để trả tiền. Người chủ thẻ đó giờ mới phát hiện ra và khiếu nại với nhà băng lấy lại tiền của họ. Thế là tôi mất toi tiền mà không làm được gì,” chị Thúy ấm ức nói.

132 3 Cac Dau Hieu Nhan Biet Khach Hang Dom Muon Quyt Tien Tiem Nail

Người thợ nail phải mất cả tiếng đồng hồ để làm được một bộ móng tay đính đá như thế này với giá khoảng $50. (Hình: Vickie Ngô/Star Nails)

Những dấu hiệu nhận biết khách quỵt tiền

Sau gần 45 năm người Việt di cư tới Mỹ, dường như mỗi thị trấn, mỗi góc phố, con đường hay trung tâm thương mại, đều có tiệm nail của người Việt làm chủ. Ngành dịch vụ làm đẹp này tuy mang về lợi tức cao mỗi năm nhưng lại rất thiếu những người được đào tạo bài bản về quản lý doanh nghiệp và phục vụ khách hàng, đồng thời cần giỏi tiếng Anh giao tiếp.

“Đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc các tiệm nail thường xuyên vướng phải chuyện quỵt tiền ở tiệm nail nói chung,” anh Đắc Phạm, người có thâm niên trên 20 năm kinh nghiệm xây dựng và quản lý hàng chục tiệm nail tại tiểu bang Texas, nhận định.

“Rất nhiều người đến Mỹ với hai bàn tay trắng, bắt đầu bằng nghề nail, sau vài ba năm dành dụm, họ bắt đầu có tiền để mua một tiệm nail và trở thành chủ. Nhưng thực ra họ chỉ có nghề và vốn. Họ không có hiểu biết về các kỹ năng làm chủ một cơ sở thương mại ra sao, nhất là kỹ năng phục vụ khách hàng,” anh nói thêm.

Cùng quan điểm, chị Gina Nguyễn chia sẻ: “Tôi đã từng đi học một khóa đào tạo ở Mỹ về quản lý tiệm nail nên nhờ đó mà tôi hiểu được nguyên tắc căn bản để giải quyết những tình huống này là phải hết sức bình tĩnh, nhẹ nhàng và hiểu luật pháp. Bị quỵt tiền mồ hôi nước mắt, ai chẳng muốn nổi điên lên. Nhưng điều này là không có lợi cho chúng ta.”

Theo anh Đắc Phạm, người quản lý tiệm nail phải giỏi tiếng Anh giao tiếp và có hiểu biết về văn hóa, tâm lý khách hàng. “Chỉ cần nói chuyện với khách hàng, thông qua ngôn ngữ cử chỉ, những câu ‘slang,’ tiếng lóng của họ, thì mình có thể đoán được khách là người tốt hay xấu, muốn kiếm chuyện hay là đàng hoàng,” anh giải thích.

Anh Đắc Phạm, chị Gina Nguyễn và chị Vickie Ngô đều đưa ra dấu hiệu nhận biết những khách có thể quỵt tiền như sau:

-Thứ nhất, những khách kiếm chuyện quỵt tiền hay tới vào lúc tiệm đông khách, để chủ mất tập trung, để thoái lui không trả tiền hoặc tới vào giờ sắp đóng cửa.

-Thứ hai, những người này thường vẽ ra đủ thứ, đòi làm cái này, rồi lại đòi làm cái kia, rồi có khi kiếm chuyện không ưng, bắt tháo ra làm lại, đổi màu khác, kiểu khác. Mục đích của họ là làm cho thợ nản có thể bỏ cuộc và họ kiếm cớ không trả tiền.

-Thứ ba, những khách dùng nhiều tiếng lóng, những câu “slang,” chửi thề hoặc tư cách không đàng hoàng, cũng có nguy cơ bị quỵt tiền cao.

“Vậy nên quan trọng nhất là người quản lý phải được đào tạo bài bản, có kỹ năng giao tiếp để nhận dạng sớm những khách như thế này và có kỹ năng giải quyết tình huống mau lẹ,” anh Đắc chia sẻ.

Chưa có trường đào tạo quản lý tiệm nail

Nghề nail là một nghề nuôi sống rất nhiều người Việt ta trong hơn 40 năm di cư tới Mỹ. Theo thống kê của tạp chí Nails, hiện nay có khoảng 130,000 tiệm nail trên toàn nước Mỹ do người Việt làm chủ. Nếu mỗi năm, chỉ cần một tiệm gặp một khách kiếm chuyện quỵt tiền, thì đã có khoảng 130,000 trường hợp quỵt tiền tiệm nail.

Cũng theo thống kê từ tạp chí Nails, có khoảng 370,000 người gốc Việt đã hoàn thành các chương trình đào tạo nghề nail và có bằng hành nghề. Tuy nhiên, chưa có một trường lớp bài bản nào, đào tạo về ngành quản lý tiệm nail.

Nguồn: viethome

 


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan