Nước Đức là quốc gia ở châu Âu còn cho phép lương y hành nghề với quyền lợi và trách nhiệm gần như tương đương với bác sĩ được đào tạo qua hệ thống đại học.
Mặc dầu là một nước có tiếng nhờ kỹ thuật hiện đại trong ngành y dược nhưng phần lớn thầy thuốc ở Đức vẫn có khuynh hướng coi trọng và ứng dụng kiến thức của y học dân gian, không chỉ của các nước phương Tây mà ngay cả với kinh nghiệm của nền y học cổ truyền bên nửa kia của Trái đất.
Xem người ngẫm ta
Nói đến y khoa trên quê hương của Goethe mà không nhắc đến môn y học tự nhiên của các nhà dòng, điển hình là trường phái dùng thảo dược theo nữ tu Hildegard von Bingen thì là một thiếu sót lớn, khi hàng triệu người dân, khi hàng ngàn thầy thuốc ở Đức đang áp dụng với hiệu quả không thể chối cãi.
Cho đến nay, mỗi năm vẫn còn hàng trăm ngàn người tham gia chương trình điều trị phục hồi ở các tu viện. Chữa bệnh với tu sĩ rõ ràng có nhiều lợi điểm, nhờ thầy thuốc chỉ dùng phương tiện thiên nhiên, từ nước khoáng ở suối ngầm gần đó đến cây thuốc có sẵn trong vườn, lại thêm rẻ tiền nhờ thầy thuốc không cần tậu thêm nhà lầu hay mua xe mới. Nhưng không chỉ có thế, mặt mạnh của các dưỡng đường tu viện chính là hình thức ăn uống theo kinh nghiệm thu thập qua nhiều thế hệ nhằm mục tiêu kép, vừa tái tạo cơ quan bị thương tổn, vừa giải độc toàn diện cho cơ thể.
Nghề ăn cũng lắm công phu
Chế độ dinh dưỡng theo “thầy 2 trong 1” (vừa là thầy thuốc vừa là thầy tu) ở xứ sở của đội Bayern Munich được xây dựng trên tám nguyên tắc:
1. Ăn thật chậm, nghĩa là nhai cho kỹ và không nói trong khi ăn. Theo thầy tu ở Đức, mỗi miếng ăn nên được nhai tối thiểu 10 lần, nếu được 20 lần càng tốt. Chính nhờ nhai kỹ mà thức ăn xuống đến bao tử ở dạng dễ hấp thu nhất nên vốn ít lời nhiều nhờ không lãng phí nguyên liệu. Khỏi dông dài cũng hiểu ăn gì cũng thế, ăn quá nhanh đều không tốt, kể cả ăn… hối lộ!
2. Ăn trong trạng thái thoải mái để hoạt chất của tuyến yên có dịp trung hòa cho hết lượng nội tiết tố thặng dư từ tình huống stress, để lượng nước chua trong dạ dày được bài tiết với vận tốc hòa hoãn thay vì trật nhịp. Bao tử nhờ đó khỏi viêm loét. Ăn khi đang quạu thà nhịn đói dùng giờ đó ngồi thiền còn có ích hơn trăm lần bữa ăn.
3. Uống nước trước và trong bữa ăn để vừa giảm độ acid của dịch vị, vừa giúp bao tử xay nhuyễn thức ăn một cách nhẹ nhàng. Nhào hoài đồ cứng tránh sao cho khỏi cháy máy?!
4. Đừng ăn quá no để lượng đường huyết không tăng quá cao sau bữa ăn khiến tụy tạng phải mệt nhoài, khiến trái tim phải gồng mình bơm thêm máu đến trục tiêu hóa rồi quên nơi khác như não bộ, thành tim, đáy mắt… Chính vì thế mà phải ăn chầm chậm. Với người ăn quá nhanh, đến khi có được cảm giác no thì đã quá tải mất rồi.
5. Không dùng thức ăn sống trong bữa cơm chiều để tránh phản ứng lên men trong đêm khiến không chỉ làm mất ngủ mà còn dẫn đến nhiều thể dạng rối loạn biến dưỡng.
6. Lưu ý về tỉ lệ quân bình giữa thành phần thực phẩm gốc động vật và rau quả tươi để độ pH trong máu đừng quá chua. Rau quả, mễ cốc bao giờ cũng nên gấp đôi, hay tốt hơn nữa là gấp ba lượng thịt cá.
7. Tránh hay giảm món tráng miệng quá ngọt để giữ cho lượng đường huyết sau bữa ăn đừng bội tăng bất ngờ.
8. Thỉnh thoảng nhịn đói ít ngày trong tháng, hay một ngày trong tuần, hay vài ngày trong tuần chỉ ăn một bữa để các cơ quan giữ nhiệm vụ giải độc như lá gan, trái thận, khung ruột có dịp xả hơi nhờ không phải đối đầu với độc chất ngoại lai hay phế phẩm của tiến trình biến dưỡng.
Bí quyết chạy ngược chiều
Đúng là cố tình nịnh hót xứ sở của xe Mercedes nếu đồng hóa các nguyên tắc dinh dưỡng nêu trên như sản phẩm độc quyền của y học dân gian ở Đức.
Không khéo lại bị phê bình là Việt kiều nên hay khen nước ngoài! Trên thực tế, các nguyên tắc vừa liệt kê đều đã được đề cập theo kiểu nào đó trong y thư của tất cả nền y học cổ truyền, dù Đông hay Tây, nghĩa là không có gì mới lạ. Biết là đúng nhưng áp dụng hay không là chuyện khác. Nếu so sánh thói quen ăn uống của nhiều người, đặc biệt trong các TP lớn ở xứ mình, với các nguyên tắc vừa kể thì khỏi nói thêm cũng hiểu tại sao nhiều căn bệnh nghiêm trọng như ung thư, cao huyết áp, tiểu đường, thấp khớp, dị ứng… lại có tỉ lệ cao đến thế ở nước ta!
Không được phép đi ngược chiều nếu tuân thủ luật giao thông (ở nước mình dường như chỉ không nên đi ngược chiều nếu có cảnh binh ở đầu đường!) nhưng trong trường hợp bó buộc, liệu còn cách nào để vẫn có thể đi ngược chiều mà không lãnh giấy phạt? Có chứ! Chỉ cần xuống xe dắt bộ chầm chậm cho hết đoạn đường một chiều. Ăn uống sao cho đừng mang bệnh vì “miếng ăn là miếng tồi tàn” cũng thế mà thôi.
Theo Bác Sĩ Lương Lê Hoàng - plo.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC