Theo trang BBC, giới siêu giàu của Đức còn được gọi là những người siêu kín tiếng, đặc biệt là về tài sản của mình. Vì vậy, thói quen tiêu tiền của những người nắm trong tay khối tài sản hàng trăm, thậm chí hàng tỷ USD ở Đức cũng khá là đặc biệt.
Tờ tạp chí manager năm nào cũng thống kê danh sách 1001 người giàu nhất nước Đức. “Để vào được danh sách 1001 người giàu nhất nước Đức trên tạp chí của chúng tôi, các cá nhân phải có tài sản ít nhất 100 triệu USD. Không nhất thiết phải là tiền gửi trong ngân hàng, mà còn là những tài sản khác như tác phẩm nghệ thuật, hay bất động sản”, ông Steffen Klusmann – cựu Tổng biên tập tờ manager magazine cho hay.
Trả lời phóng vấn, triệu phú Rainer Schaller – người có khối tài sản được ước tính lên tới 10 triệu USD – đã giữ quan điểm thận trọng khi nói về cách hưởng thụ cuộc sống và cơ ngơi do ông gây dựng suốt hàng chục năm trời.
“Hiện giờ tôi là ông chủ của chuỗi studio, phòng gym số 1 châu Âu. Leo lên vị trí số 1 dễ nhưng giữ được vị trí đó dài lâu khó hơn nhiều. Tiền của tôi được dùng để đầu tư xoay vòng cho cơ ngơi McFit”, ông Rainer Schaller – CEO của McFit nói.
Điều đặc biệt là trong giới siêu giàu ở Mỹ hay ở Trung Quốc, có rất nhiều người là tài phiệt mới nổi. Nhưng còn ở Đức, có rất nhiều tỷ phú đến từ dòng dõi quý tộc và số tài sản họ thừa hưởng là truyền từ đời này sang đời khác. Nam tước Von Bechtolsheim là một ví dụ.
Ông Bechtolsheim là hậu duệ của một gia đình quý tộc Đức với gia phả kéo dài tới 900 năm và là một trong những gia đình giàu có nhất lịch sử nước Đức. Niềm vui của ông Bechtolsheim không nằm ở những chuyến du lịch xa xỉ hay hàng hiệu đắt tiền, mà là căn biệt thự ông thường ở lại khi đi săn bắn ở vùng Thuringen. Đôi khi ông còn mời cả các đối tác kinh doanh tới săn bắn cùng.
Ông Bechtolsheim nói: “Tôi đã mua lại hàng trăm ha rừng để dành cho thú vui trồng trọt săn bắn. Gia đình của tôi đã chứng kiến thời kỳ tiền bạc đến rồi lại đi, thậm chí có lúc gần như phá sản nên tôi hiểu được chỉ có sự khôn ngoan chặt chẽ mới có thể giữ được tài sản”.
Có thể nhận thấy rằng, giới siêu giàu ở Đức tiêu tiền khá chặt chẽ, những khoản tiêu đi đều phải mang lại một giá trị bền vững gì đó. Khó có thể nhận ra họ là người siêu giàu từ chiếc xe họ đi hay nội thất họ có.
Theo VTV
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC