Ở Đức – quốc gia vốn được ca ngợi có kỷ luật thép ở nhiều lĩnh vực cũng như nhiều mặt của cuộc sống – thì những gì xảy ra trước các cổng trường cấp I vào mỗi năm học mới lại là câu chuyện “năm nào cũng phải nhắc tới”.
Một cảnh tượng điển hình của tình trạng dừng đỗ xe bất chấp trước cổng trường mỗi dịp năm học mới ở Đức. Ảnh: ADAC
“Elterntaxi”, nghĩa tiếng Đức là taxi phụ huynh, là từ chỉ ôtô được phụ huynh dùng để đưa đón con đi học. Nếu tìm kiếm bằng từ khóa này, sẽ có ngay kết quả là rất nhiều bài báo, tin tức, hình ảnh về tình trạng ôtô dừng đỗ gây hỗn loạn trước các cổng trường, đặc biệt là trường tiểu học vào mỗi dịp năm học mới bắt đầu.
Các phụ huynh có thể dừng đỗ ngay bến xe buýt, nơi không có biển cho phép dừng đỗ, thậm chí dàn hàng thành hàng hai, hàng ba. Có những con phố hai chiều nhưng ôtô đỗ hai bên khiến chỉ có thể một xe chạy qua khoảng trống còn lại giữa đường.
Quang cảnh lộn xộn đến mức cảnhsát phải vào cuộc, bởi việc dừng đỗ lộn xộn không chỉ gây ảnh hưởng tới giao thông nói chung, mà có thể gây nguy hiểm cho học sinh khi tới trường. Các tài xế, cũng là những phụ huynh, bị nhắc nhở, thậm chí bị phạt, với mức phạt khoảng 10 euro. Nhưng tình trạng vẫn lặp lại vào mỗi năm học mới.
Thậm chí, có những chiến dịch phản đối việc phụ huynh đưa đón con bằng xe riêng gây cảnh tắc nghẽn trước cổng trường. Một trong số những khẩu hiệu là “Hãy để cổng trường thông thoáng vì quyền trẻ em!”.
Đi kèm thông tin về thực trạng hỗn loạn, luôn có những giải pháp được đưa ra để giải quyết vấn đề. Đơn giản và phổ biến nhất là những biển báo đặc biệt, cho biết điểm dừng xe và học sinh sẽ đi bộ từ đó vào trường. Ngoài ra, nhiều trường có những chỉ dẫn trước dành cho phụ huynh và học sinh về tuyến đường đến trường, lộ trình ra sao, và những quy tắc an toàn cần thực hiện.
Các phụ huynh cũng được đề xuất nên để con trẻ đi xe buýt – phương tiện công cộng tiện ích và hiệu quả, giảm tải lượng phương tiện tham gia giao thông. Để con đi xe buýt, các phụ huynh cũng không phải lo lắng việc trẻ phải đi một mình suốt dọc đường đến trường.
Ôtô cá nhân được khuyến cáo chỉ nên sử dụng trong trường hợp học sinh ở xa trường, hành trình dài và cần phụ huynh đưa đón.
Năm 2018, Viện Nghiên cứu Xã hội và Phân tích Thống kê Forsa, Đức, từng thực hiện khảo sát và cho thấy, tỷ lệ học sinh được phụ huynh đưa đón cao hơn so với trẻ tự đi xe đạp hoặc xe buýt. Cụ thể, chỉ 17% trẻ độ tuổi 6-9 đi học bằng xe buýt, cũng chỉ 10% tự đi xe đạp. Trong khi đó, 20% trẻ được phụ huynh đưa đón.
Theo VnExpress
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC