Ông Chris Pyak, tác giả của cuốn sách “Cách để chinh phục nhà tuyển dụng Đức”, kể rằng ông có một cô bạn người Ấn Độ, từng làm việc tại Mỹ trong nhiều năm, sau đó chuyển đến Đức cùng chồng. Ở đây, cô đã tìm được một công việc mình yêu thích và ứng tuyển vào đó, nhưng bị từ chối.
Phía công ty nhận ra cô là một trong số 20 người tại Đức thông thạo phần mềm quản trị ngân hàng họ cần sử dụng. Kể cả vậy họ vẫn không nhận cô mà gửi hai nhân viên sang Luân Đôn đào tạo. Kết quả là họ không đạt tiêu chuẩn, khách hàng bắt đầu phàn nàn. Chỉ đến lúc đó, công ty mới nhận cô gái kia.
Ông Pyak cho biết cô gái hội tụ mọi yếu tô nhà tuyển dụng đòi hỏi, chỉ trừ một điều: Cô không biết nói tiếng Đức.
Ngôn ngữ là rào cản đối với người ngoại quốc muốn làm việc tại doạnh nghiệp Đức.
Nền kinh tế Đức cần bạn
Theo ông Pyak, người trong độ tuổi lao động có rất nhiều cơ hội. Có tới 720,000 vị trí tuyển dụng ở Đức, số người nghỉ hưu cũng nhiều hơn số lao động, và nhu cầu tuyển lao động có tay nghề ngày càng tăng.
“Nhưng thách thức ở đây là chỉ 3% trong số các công việc sử dụng tiếng Anh. Nếu bạn không nói tiếng Đức, bạn sẽ không có cơ hội trong 97% còn lại,” ông chia sẻ.
Là chủ một công ty chuyên môi giới việc làm cho người ngoại quốc tại Đức, ông cho rằng tiếng Đức không nên là điều kiện bắt buộc trong tuyển dụng.
Nhân viên vẫn có thể hoàn thành tốt các công việc đòi hỏi kĩ năng và sáng tạo bằng vốn tiếng Anh họ có.
“Năm 2013, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã tiến hành một cuộc khảo sát cho thấy hơn một nửa người Tây Ban Nha đến Đức đã rời khỏi đây chỉ sau một năm. Tại sao ư? Họ đến nước Đức, ứng tuyển cho hàng trăm vị trí, nhưng liên tục nhận lại cái lắc đầu từ nhà tuyển dụng, trong khi nhiều người có giáo dục và kĩ năng tuyệt vời. Họ bị từ chối chỉ vì không nói trôi chảy tiếng Đức,” ông Pyak cho biết.
Ông Chris Pyak (bên phải) đang thảo luận về thị trường lao động EU cùng ông Alexander Graf Lambdorff, phó chủ tịch Nghị viện Châu Âu.
Định kiến của người Đức
Theo ông Pyak, người Đức vẫn chưa thoát khỏi lỗi suy nghĩ rằng nhập cư có nghĩa là bạn lên con tàu Mayflower, đi từ điểm A đến điểm B và ở đó cho đến cuối đời.
Nhưng thực tế không phải vậy. Một người có thể học tập tại một nước thứ nhất, đi làm tại nước thứ hai và công ty chuyển họ công tác tại nước thứ ba.
Nguyên nhân của lối tư duy này là do các phòng quản lý nhân sự làm việc thiếu chuyên nghiệp. Đa số quản lý của hơn 500 phòng nhân sự mà ông gặp gỡ không biết ứng viên cần có những gì để thành công. Ngoài ra, họ thường tránh mạo hiểm, rủi ro khi thuê nhân viên không phải người Đức, không nói tiếng Đức, không có kinh nghiệm làm việc tại đây hay tốt nghiệp một trường ĐH họ chưa bao giờ nghe tên.
Ông nói: “Các công ty Đức cần bắt đầu tuyển nhân viên nói tiếng Anh và tạo điều kiện cho họ học ngoại ngữ sử dụng trong công việc. Điều này không chỉ nên áp dụng ở Đức mà nên mở rộng trên toàn Châu Âu. Rào cản ngôn ngữ khiến chuyển dịch lao động ở EU chỉ bằng 1 phần 10 Mỹ.”
Cơ hội chinh phục nhà tuyển dụng Đức
Luôn có cơ hội cho người ngoại quốc làm việc tại Đức, mặc dù điều này có nhiều khó khăn. Điều bạn cần làm là thuyết phục người quản lý phòng tuyển dụng. Anh ta là người sẽ quan tâm tới điều bạn nói, nếu bạn chứng tỏ cho anh ta thấy hai người có thể trao đổi.
Bên cạnh đó, ông Pyak cho biết nhiều người ngoại quốc có lợi thế để thuyết phục phòng nhân sự hơn họ tưởng. Ông thống kê có 85% vị trí được “lấp đầy” thông qua các mối quan hệ. Thông thường, bạn dễ được đề bạt vào một công việc nào đó nhờ sự giúp đỡ của người quen hơn là bạn bè thân thiết.
Thách thức cuối cùng là thuyết phục người quản lý cho bạn sử dụng tiếng Anh khi làm việc. Hãy thận trọng bởi đòi hỏi của bạn rất lớn. Các nhân viên khác sẽ phải thích nghi khi làm việc với một người không cùng chung ngôn ngữ. Bạn cần phải thuyết phục họ thử nhận bạn và chờ xem bạn có thể làm được gì cho công ty. Trong khi đó, bạn cần cải thiện vốn tiếng Đức của mình.
“Hầu hết các nhà tuyển dụng coi trình độ tiếng Đức của bạn như một bức ảnh sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Tuy nhiên, hãy cho họ thấy họ đang xem một bộ phim. 3 tháng trước bạn không thể tìm được Berlin trên bản đồ. Giờ đây bạn đã biết gọi cà phê và 6 tháng sau bạn có thể giao tiếp tại cơ quan,” ông Pyak chia sẻ.
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC