Chủ nghĩa ‘hoàn hảo’: Bí quyết đưa Đức trở thành cường quốc số 1 Châu Âu

Chủ nghĩa ‘hoàn hảo’: Bí quyết đưa Đức trở thành cường quốc số 1 Châu Âu

Mặc dù không có tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhưng Đức vẫn là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là cường quốc xuất khẩu lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc – vốn là quốc gia có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và sử dụng lao động.

Kết quả này khiến người ta hình dung dân cư Đức sẽ vô cùng chăm chỉ, tuy nhiên, người dân Đức chỉ phải làm việc 35 giờ mỗi tuần và được nghỉ phép 24 ngày một năm. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào người Đức lại có năng suất lao động cao đến vậy?

Câu trả lời nằm ở “chủ nghĩa hoàn hảo” của người Đức.

Trong sản xuất, họ làm ra làm chơi ra chơi. Họ đề cao sự nghiêm khắc, tự giác và trung thực, bởi khi chúng ta thật sự hiểu được những điều đơn giản thì chúng ta mới có thể thay đổi tư duy và thói quen nhỏ nhặt nhất để trở nên hoàn thiện hơn. Rất ít quốc gia có thể học tập được theo người Đức.

1. Tỉ mỉ từ những chi tiết nhỏ là để không phải đi con đường vòng tới những thành công lớn

132 1 Chu Nghia Hoan Hao Bi Quyet Dua Duc Tro Thanh Cuong Quoc So 1 Chau Au

(Ảnh: Cdn8.steveseay)

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh tiểu học Đức đã được giáo viên tỉ mỉ sửa cho từng lỗi dấu chấm, dấu phẩy… để tạo thành thói quen chỉn chu trong mọi việc. Bỏ qua một lần phạm lỗi nhỏ sẽ hình thành ở học sinh tác phong xuề xòa. Sau này khi ra xã hội, họ sẽ dễ phạm sai lầm bởi sự dễ dãi với bản thân. Nếu không rút kinh nghiệm cho những lần sau, họ sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để sửa sai, ảnh hưởng tới hiệu quả công việc và năng suất lao động. Chẳng phải như vậy thì con đường dẫn tới thành công của họ sẽ vòng vèo hơn hay sao?

2. Đúng giờ là tôn trọng người khác và là cơ sở để lên kế hoạch cho tương lai

Đối với người Đức, “đúng giờ” nghĩa là đến sớm hơn 5 đến 10 phút.

Người Đức đúng giờ ở mọi hoàn cảnh, từ trong công việc tới những lúc đi ăn chơi, việc đến trễ được xem là hành động bất lịch sự và thiếu tôn trọng người khác. Ở Đức có những câu nói phổ biến về sự đúng giờ như: “Đúng giờ là sự lịch thiệp của các ông vua”, hay “Thà đến sớm 5 phút còn hơn đến muộn 1 phút”.

Dù có muốn phê phán những người quá hà khắc về sự đúng giờ hay không, bạn cũng không thể phủ nhận một điều rằng, việc chậm trễ không báo trước dù chỉ là 5 phút cũng luôn khiến chúng ta khó chịu và không hài lòng. Nhìn rộng hơn thì sự chậm trễ có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến quan hệ cá nhân, hay tổn thất về kinh tế. Vì thế, sự đúng giờ là chuẩn mực của nhiều xã hội tiên tiến trên thế giới.

Đức là một trong những nước công nghiệp hóa mạnh mẽ trên thế giới.

Có một mối quan hệ mật thiết giữa văn hoá đúng giờ với lịch sử nền công nghiệp của Đức. Hãy tưởng tượng bạn là công nhân trong ngành công nghiệp ô tô của Đức. Nếu đi làm muộn 4 phút, máy móc sẽ bị khởi động muộn, gây thiệt hại có thể tính toán được ngay.

Ở Đức, gần như mọi thứ đều thực hiện theo kế hoạch, tàu hỏa, xe buýt, máy bay hầu hết hoạt động rất đúng giờ. Bất cứ ai đến muộn đều bị “bỏ rơi”. Vì thế người ta có thể lên kế hoạch đi chơi cho cả năm sau, khi giao thông và những dịch vụ như cà phê, quán ăn, spa, mua sắm, đều có thời gian hoạt động chuẩn xác và ổn định.

Nếu bạn luôn đúng giờ, đúng tiến độ trong mọi công việc thì việc lên kế hoạch cho tương lai trở nên đơn giản hơn hẳn, bạn sẽ biết chính xác từng bước trong con đường thực hiện mục đích của mình.

3. Tự giác chấp hành luật là để luôn kiêu hãnh ngẩng cao đầu

Người Đức chấp hành tuyệt đối các luật lệ, các quy tắc đã đặt ra. Ở Đức hầu hết các phương tiện giao thông công cộng đều không có việc kiểm tra vé đầu vào, thỉnh thoảng mới có người đi kiểm tra vé khi tàu đã khởi hành và chủ yếu là đề đề phòng những trường hợp trốn vé của người nước ngoài, và tất nhiên, họ sẽ phạt bạn 40 Euro cho chiếc vé có giá 2 Euro mà bạn “lỡ quên”.

Tuy không bị giới hạn tốc độ tối đa được phép lái xe như các nước khác, nhưng tai nạn dường như rất ít xảy ra bởi người dân tự giác tuân thủ luật lệ, đi đúng làn đường.

Ở trong trường học, học sinh vi phạm nội quy nhiều lần có thể bị đuổi học và có tên trong danh sách đen gửi tới khắp các trường công lập khác. Sở dĩ họ nghiêm khắc như vậy bởi vì nền giáo dục Đức không đào tạo ra công dân ăn cắp và nói dối. Một khi bạn ngay thẳng, trung thực và đạo đức thì bạn mới có thể luôn ngẩng cao đầu và có quyền yêu cầu người khác tôn trọng bạn. Và khi ai cũng tôn trọng luật lệ thì xã hội mới ổn định, tạo thành môi trường tốt cho con người phát triển tối đa.

4. Thẳng thắn và rõ ràng để tối đa hóa hiệu quả trao đổi

Người Đức nổi tiếng là thẳng thắn, nhân viên có thể trực tiếp phản ánh với giám đốc về những gì họ thấy chưa ổn. Họ sử dụng ngôn ngữ công việc một cách ngắn gọn, rõ ràng mà không phải tìm kiếm những ngôn từ văn hoa, vòng vèo và họ cũng không ngần ngại nói lên những quan điểm đi ngược với số đông. Bởi vì mục đích của sự thẳng thắn này là để tìm ra cái đúng và bảo vệ nó.

Ngược lại, họ cũng biết chấp nhận sai lầm, sẵn sàng chịu sự chỉ trích của người khác nếu quan điểm của họ là sai. Đặc biệt, sự thẳng thắn này còn thể hiện ở thái độ dứt khoát, đồng ý hay không đồng ý khi họ nhận được một lời mời nào đó từ người khác. Chính vì thế, sẽ khó có khả năng hai người Đức hiểu nhầm ý của nhau và dẫn tới việc phối hợp không hiệu quả.

Chẳng hạn, một người Mỹ sẽ nói: “Thật tuyệt vời nếu anh có thể nộp báo cáo cho tôi trước 3 giờ chiều”. Trong khi đó, một người Đức sẽ nói: “Tôi cần báo cáo trước 3 giờ chiều” và như vậy người được yêu cầu sẽ luôn nộp báo cáo đúng giờ vì đã hiểu người kia cần chính xác như vậy chứ không phải là làm được thì tốt, mà không làm được thì để muộn hơn cũng không sao.

Chính vì họ rất thẳng thắn và yêu thích sự rõ ràng nên người Đức rất thích câu hỏi “Tại sao?”, có câu rằng: “Với người Đức, đừng bao giờ bắt đầu nói một điều gì mà chưa nghĩ ra câu trả lời cho câu hỏi tại sao?”.

Mục đích của sự thẳng thắn là để tìm ra cái đúng và bảo vệ nó

5. Tiết kiệm chính là “vừa đủ”, người biết đủ sẽ là người tự do

Người Đức sống gần gũi với thiên nhiên và tiết kiệm. Những gì có thể tiết kiệm được, họ sẽ tiết kiệm đến mức tối đa. Họ thực hành việc tiết kiệm của mình từ những điều nhỏ nhặt nhất như: sử dụng các loại bóng đèn tiết kiệm điện, máy móc thiết bị điện trong nhà luôn được tắt nguồn sau khi sử dụng chứ không để ở chế đồ chờ (theo các nhà nghiên cứu Đức, nếu các hộ gia đình để thiết bị điện ở chế độ chờ thì hàng năm sẽ có 15 – 20 triệu kW điện bị sử dụng lãng phí).

Khi nấu đồ đông lạnh, họ sẽ để rã đông ở bên ngoài chứ không dùng lò vi sóng hay lò nướng; khi rửa bát đĩa có mỡ họ sẽ lau qua trước bằng khăn giấy để thấm hết dầu mỡ rồi mới rửa, như vậy sẽ đỡ tốn nước hơn. Nếu nhà có nhiều trẻ em thì có thể tắm cho chúng cùng một lúc trong bồn tắm; khi nấu đồ ăn họ cũng nấu vừa đủ không để thừa và đi ăn ngoài nhà hàng cũng vậy, chỉ gọi vừa đủ, thiếu thì gọi thêm, nhất định không được để thừa đồ ăn…

132 2 Chu Nghia Hoan Hao Bi Quyet Dua Duc Tro Thanh Cuong Quoc So 1 Chau Au

(Ảnh: Pixabay)

Nhiều người chưa hiểu về người Đức có thể thấy họ keo kiệt và hình thành quan niệm sai về họ, nhưng tư duy tiết kiệm của người Đức chính là “vừa đủ”. Biết thế nào là vừa đủ cho những nhu cầu của mình chính là một loại thông minh, nó thuộc về kiểu thông minh “tự nhận thức” hay có thể nói đó chính là trí tuệ. Khi bạn có vừa đủ, bạn sẽ biết trân trọng mọi thứ, và khi bạn biết trân trọng mọi thứ bạn sẽ hạnh phúc và bớt bị ràng buộc hơn. Hay nói cách khác, sẽ không có nhiều thứ khiến bạn phải lo lắng và giải quyết hậu kỳ. Khi bạn nấu vừa đủ, bạn sẽ không phải bảo quản đồ thừa trong tủ lạnh, chế biến lại vào hôm sau hay đem vứt đi mà lương tâm không thanh thản. Khi bạn chỉ có 7 chiếc áo cho 7 ngày trong tuần bạn sẽ không phải mất nhiều thời gian chọn lựa mỗi buổi sáng. Khi bạn chỉ mang trong người 100 nghìn đồng bạn sẽ không phải đắn đo có nên mua cái áo 500 nghìn hay không.

Tiết kiệm chính là vừa đủ. Khi bạn có vừa đủ, bạn sẽ biết trân trọng mọi thứ, và khi bạn biết trân trọng mọi thứ bạn sẽ hạnh phúc và bớt bị ràng buộc hơn.

Biết thế nào là vừa đủ cũng là để con người không bị trượt dài trong cám dỗ của lòng tham, hiếu thắng mù quáng, nhiệt tâm thái quá và những sai lầm khó kiểm soát.

Chủ nghĩa hoàn hảo Đức không phải là sự ám ảnh, cưỡng cầu phi thực tế, bởi để đạt được kết quả họ phải rèn luyện cả một quá trình

132 3 Chu Nghia Hoan Hao Bi Quyet Dua Duc Tro Thanh Cuong Quoc So 1 Chau Au

(Ảnh: Pixabay)

Nước Đức được như ngày hôm nay là không thể phủ nhận được ảnh hưởng sâu rộng của chủ nghĩa “hoàn hảo” Đức, một thương hiệu của nền kinh tế lớn nhất Châu Âu này.

Khái niệm hoàn hảo của người Đức không phải là một sự ám ảnh đến mức bất mãn với những gì chưa đạt được, mà họ luôn tự đặt ra cho mình những mục tiêu mới, tiến lên phía trước luôn là cách chúng ta phải làm để tới được đích mới.

Người Đức liên tục trau dồi bản thân, rèn luyện kiên trì để đạt được thành công dù là trong lĩnh vực nào.

Và tinh thần hoàn hảo từng chi tiết để luôn tiến lên, thăng hoa lên với những thành công mới của người Đức có lẽ chính là triết lý về cuộc sống.

Liên tục hoàn thiện bản thân và đạt được những mốc mới trong cuộc sống, hay thăng hoa lên những tầm mức cao hơn về tư tưởng là cách duy nhất khiến con người thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Thu Hiền


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan