Các bạn đã bao giờ để ý, ở các nước khác, người ta treo cờ quốc gia ở khắp nơi, trên mọi con đường. Treo trên oto, treo trước cửa sổ. Còn ở Đức thì phải tìm kỹ lắm mới thấy một lá cờ Đức phấp phới ngoài đường. Chỉ có vào những dịp lễ hội thể thao, bóng đá, chúng ta mới thấy dân Đức trưng bày lá cờ của họ.
Đó là vì dân tộc Đức là một dân tộc đầy mặc cảm. Mặc cảm vì những tội lỗi của họ vào thời Đức Quốc Xã, khi họ đã nghe theo một kẻ độc tài và tự coi họ là dân tộc thượng đẳng. Mặc cảm vì họ là dân tộc đã gây nên Thế Chiến thứ 2 kinh hoàng, giết chết 6 triệu người Do Thái và chiếm lấn, tàn phá cả Châu Âu.
Tất nhiên dân tộc nào cũng có người này người kia, và ở Đức cho đến nay vẫn còn có các đảng phái Phát-Xít. Nhưng họ chỉ là thiểu số. Đại đa số người Đức không thích việc thể hiện tự hào dân tộc, mặc dù trong lòng họ có thể rất hài lòng về đất nước của họ.
Người Đức không thích thể hiện niềm tự hào dân tộc, bởi lịch sử của họ đã cho họ thấy, niềm tự hào dân tộc mù quáng có thể nguy hiểm đến mức nào.
Và đây là một trong những lí do mình thích nước Đức.
Chẳng có dân tộc nào đưa vết đen lịch sử của chính họ vào sách giáo khoa để dạy ra rả cho thế hệ sau cả. Nhưng người Đức thì làm như vậy. Mình vẫn còn nhớ phải học đi học lại về thời Thế Chiến thứ 2 từ lớp 9 cho đến tận lớp 12. Nhớ thầy giáo dẫn cả lớp vào trại tập trung Buchenwald để dạy về “vết nhục” của dân tộc Đức.
Chẳng có dân tộc nào xây đài tưởng niệm to đùng đoàng (rộng 19000 m2) về chính tội ác của mình – ngay giữa thủ đô Berlin, ngay gần cổng Brandenburger Tor. (Đài tưởng niệm những người Do Thái Châu Âu đã bị giết – “Denkmal für die ermordeten Juden Europas”) Các bạn trẻ nước ngoài tới Berlin có lẽ đã từng chụp ảnh selfie xì-tai và chơi trốn tìm ở nơi này vì thấy nó giống cái mê cung (mình cũng đã mắc phải tội lỗi này), thậm chí là trèo lên các tảng beton vuông vuông, sau đó ngơ ngác khi thấy mấy bác người Đức lớn tuổi đuổi xuống. Dạ thưa, nó là tượng trưng cho mồ mả của những người Do Thái bị dân tộc Đức giết đó ạ…
Chẳng có người lãnh đạo nào như Cựu Thủ Tướng Đức Willy Brandt, khi đi thăm Warzawa, thủ đô Ba Lan, đã quỳ xuống trước đài tưởng niệm những nạn nhân bị Đức giết tại đây. Đó là một khoảnh khắc đã đi vào lịch sử (và luôn được Trung Quốc và Hàn Quốc nhắc tới như một lời trách móc với Nhật Bản, bởi khác với Đức, nước Nhật chưa bao giờ có cử chỉ xin lỗi về các tội ác của họ trong Thế Chiến thứ 2 – thậm chí là phủ nhận).
Có bao giờ bạn thắc mắc vì sao người Đức lại khô khan đến vậy?
Trong khi các nước khác tự hào quảng bá ra thế giới nền văn hoá của đất nước họ, thì tụi Đức toàn chỉ khoe những cái đâu đâu. Nói đến Nhật người ta nghĩ tới các chiến sĩ Samurai, Ninja hoành tráng, các nàng Geisha diện kimono xinh đẹp. Nói đến Mỹ thì Hollywood, Cowboy, siêu nhân… Pháp thì nổi tiếng vì kiến trúc lãng mạn, lịch sử và các lâu đài hoành tráng. Anh, Nga, Ý, Hy Lạp, Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc… Nước nào cũng có những thứ để tự hào. Còn khi hỏi người Đức họ tự hào về cái gì thì họ nói sao? Xúc xích , bia, oto…
Nếu không có đội bóng đá Đức và lễ hội bia thì chắc thế giới đếch ai biết nước Đức là ở cái xó nào. Ai đời là “anh cả” của Liên Minh Châu Âu nhưng nếu hỏi dân ở ngoài Châu Âu xem nước nào giàu mạnh nhất Châu Âu chắc phải đến 9/10 người sẽ nói đó là Pháp hoặc Anh.
Trong khi đó, thực ra văn hoá và lịch sử Đức cũng có nhiều nét hào hùng lắm.(Nếu không thì họ đã không từng nghĩ rằng họ là dân tộc thượng đẳng.) Đức từng có thời là đất nước của các nhà khoa học, là vùng đất sinh ra vô vàn các nhà tư tưởng, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ của thế giới. Nói ra bây giờ thì nghe buồn cười nhưng thực sự là từng có thời người ta hâm mộ nhạc Đức đó các bạn ạ . Nhưng ăn năn hối cải về quá khứ Phát-Xít quá nên cho đi hết vào lãng quên rồi ạ :))) (Như dân tộc khác chắc đã tự hào rằng họ từng có một quân đội mạnh đến mức cả Nga/Liên Xô, Pháp, Anh, Mỹ phải 2 lần cùng xúm vào đánh mới trị đc.)
Dân Đức chẳng có dám khoe khoang gì về văn hoá/lịch sử/anh hùng dân tộc trên phim ảnh, thế nên phim Đức nổi tiếng toàn phim hình sự máu me và phim về…tội ác trong Thế Chiến thứ 2.
Bạn nào sang Đức và bị rơi vào tâm trạng trầm cảm vì thấy sao mà con người đất nước này dị thế, sao mà văn hoá và con người lạnh lùng/khô khan/chán òm, chẳng có cái gì để khoe với bạn bè ở nhà… Hãy hiểu vì sao nước Đức của thời hiện đại lại như vậy, để thông cảm và quí mến họ hơn.
Và khi chửi nhau với tụi trẻ trâu Đức cũng đừng bao giờ gọi nó là Phát-Xít. Thằng nào tâm hồn yếu đuối là nó khóc đó.
Theo Nước Đức – Deutschland
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC