Cuộc cách mạng của bóng đá Đức

Chức vô địch World Cup vào ngày 14/7 của ba năm trước là trái ngọt từ một hành trình dài thay đổi, chỉnh đốn toàn diện của người Đức trong cách làm bóng đá.

Cuộc cách mạng của bóng đá Đức  - 0

Phút 113 của trận Đức - Argentina trên sân Maracana năm 2014, nhận đường tạt của Andre Schurrle từ cánh trái, Mario Gotze đỡ ngực rồi bắt vô-lê chân trái tung lưới thủ môn đối phương Sergio Romero. 

Đó là một khoảnh khắc lịch sử. Gotze trở thành cầu thủ dự bị đầu tiên vào sân ghi bàn trong một trận chung kết World Cup và là người trẻ nhất sau 48 năm làm được điều này. Nhờ pha làm bàn ấy, Đức thắng Argentina 1-0 để lần thứ tư đoạt chiếc Cup vàng. Đây cũng là lần đầu tiên người Đức lên đỉnh thế giới tính từ sau chiến tranh lạnh, khi họ trở thành một quốc gia thống nhất. 

Nếu lấy Euro 2004 - nơi tuyển Đức phải cúi mặt ra về ngay từ vòng bảng, tạo tiền đề cho những đổi thay rõ rệt, danh hiệu đoạt được ở Brazil có thể xem như cột mốc đánh dấu thành công chói lọi nhất của người Đức trong vòng 10 năm. Trên thực tế, để có được thành công ấy, người Đức đã tiến hành một cuộc cách mạng âm thầm, nhưng quyết liệt và triệt để. Vậy cuộc cách mạng ấy đã diễn ra như thế nào?

Chung kết WC 2014 Đức 1-0 Argentina

* Diễn biến chính trận chung kết World Cup 2014 và khoảnh khắc Đức lên ngôi.

Xây nhà từ móng

Đức là một trong những cái tên đại diện cho quyền lực của bóng đá thế giới. Trước World Cup 2014, nền bóng đá này từng bảy lần vào chung kết - nhiều nhất, giành ba chức vô địch thế giới, bên cạnh ba lần xưng vương ở Euro. Nhưng có một điều kỳ lạ là bóng đá Đức hầu như vắng bóng ở các giải trẻ, kể cả khi họ lên đến đỉnh cao ở thập niên 70. Thắc mắc dĩ nhiên là tại sao người Đức lại không thành công ở các giải trẻ? 

Và thế là khi chắp bút viết cuốn sách có nhan đề "Das Reboot - How German Football Reinvented Itself and Conquered the World", nhà báo Rafael Hognigstein đã mang câu hỏi như vậy đến với Dietrich Weise, một HLV cũng là nhân vật trung tâm trong cuộc cách mạng này. Weise trả lời: "Tôi tin vấn đề nằm ở yếu tố chính trị. Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB) là một cỗ máy lớn gồm những đại diện từ các liên đoàn cấp vùng. Tất cả đều muốn cầu thủ của liên đoàn mình được chọn. Điều này đồng nghĩa với việc cầu thủ giỏi hơn từ những bang lớn có thể sẽ không có cơ hội".

Năm 1978, Dietrich Weise được DFB chọn làm HLV đội trẻ, phụ trách công việc tìm kiếm những tài năng trên khắp nước Đức. Đến năm 1981, đội U18 nước này giành chức vô địch châu Âu. Đây là danh hiệu bóng đá trẻ quốc tế đầu tiên của người Đức, và đội hình năm ấy về sau cung cấp những hạt nhân cho tập thể lên ngôi tại World Cup 1990 như Lothar Matthaeus, Jurgen Klinsmann, Thomas Berthold. Nhưng thành công ấy của Weise không làm thay đổi suy nghĩ ở cấp thượng tầng của DFB. Năm 1983, Weise rời khỏi DFB để trở thành HLV trưởng của Kaiserlautern, và người Đức đã không giành thêm danh hiệu trẻ nào cho đến năm 2009.

Cuộc cách mạng của bóng đá Đức  - 1

Dietrich Weise (trái) nâng Cup vô địch U18 châu Âu cùng học trò đội trưởng Ralf Loose. Ảnh: DFB.

Vấn đề với bóng đá Đức, là Liên đoàn quốc gia DFB chỉ quan tâm đến đội trẻ mà họ quản lý, trong khi lại “khoán trắng” mảng đào tạo cơ bản cho các liên đoàn cấp vùng và CLB. Nghịch lý từng được HLV lừng danh Berti Vogts chỉ ra vào tháng 8/1996, thời điểm ông đang là HLV trưởng đội tuyển quốc gia. Vậy tại sao cơ chế này khiến Đức không thể sản sinh ra nhiều cầu trẻ tài năng? Honigstein giải thích: "Nếu một cầu thủ trẻ không chơi cho một đội bóng chuyên nghiệp, thì họ chỉ còn nước trông chờ vào liên đoàn cấp vùng, để hy vọng được chọn vào đội tuyển cấp vùng và thu hút sự quan tâm của các đội bóng chuyên nghiệp". Nhưng không phải vùng nào ở Đức cũng có tiềm lực tài chính và tiếng nói giống nhau, thế nên chuyện bỏ sót và tệ hơn là không thể khơi dậy tình yêu bóng đá với trẻ em là điều hiển nhiên. 

Vậy nên, mục tiêu đầu tiên và trên hết mà người Đức muốn làm là phải mang đến cơ hội chơi bóng cho tất cả trẻ em, để đảm bảo rằng không đứa trẻ nào sẽ bị bỏ rơi với bóng đá. Năm 1996, Dietrich Weise trở lại sau nỗ lực thuyết phục của chủ tịch DFB Egidius Braun. Ngay lập tức một kế hoạch xây dựng 115 trung tâm đào tạo cấp vùng được Weise và cộng sự đề xuất với kinh phí ban đầu vào khoảng 1,5 triệu đôla, nhưng DFB lắc đầu vì cho là quá đắt. Thế rồi, tất cả thay đổi sau cú sốc ở World Cup 1998, khi đội tuyển Đức già cỗi thảm bại 0-3 dưới tay Croatia ở Lyon. Trước sức ép khủng khiếp của dư luận, DFB chính thức bật đèn xanh cho cuộc cách mạng.

Với ngân sách được duyệt gần hai triệu đôla, chương trình “Stützpunkt” của DFB xây dựng mạng lưới 121 trung tâm huấn luyện cấp vùng. Những trung tâm này mang đến hai giờ dạy bóng đá mỗi tuần cho khoảng 4.000 trẻ em trong độ tuổi từ 13 đến 17, còn ở lứa U12 có đến 10.000 em. Để vận hành bộ máy này, ước tính DFB phải chi ra gần ba triệu đôla mỗi năm.

* Đức thất bại 0-3 dưới tay Croatia ở World Cup 1998.

Dietrich Weise, nhân vật chính trong câu chuyện của Honigstein, đã dành thời gian cả năm đi khắp nước Đức nhằm xây dựng mạng lưới và hệ thống huấn luyện. Ông chốt lại một điều quan trọng: "Ý tưởng của tôi là mọi đứa trẻ đều có thể có cơ hội tìm đến các trung tâm huấn luyện trong vòng bán kính 25km tính từ nhà mình". Cho đến năm 2003, quy mô của dự án đã được mở rộng khi mạng lưới đào tạo mà DFB gầy dựng đã lên đến con số 366 trung tâm, với khoảng 600.000 đứa trẻ được tiếp cận bóng đá dưới sự dìu dắt của 1.300 HLV mỗi năm. 

Nhưng Stützpunkt không phải là không có hạn chế…

… chương trình của DFB mang đến cơ hội cho những đứa trẻ, nhưng lại khó có thể nâng tầm những tài năng đích thực, nếu không có sự liên kết với các CLB chuyên nghiệp. Để tìm ra giải pháp, Weise và cộng sự của ông lên đường sang Pháp, nơi có những học viên nổi tiếng như Clairefontaine. Nhưng đổi lại ông nhận được góp ý có phần bất ngờ, rằng các CLB Đức nên tự xây dựng học viện bóng đá trẻ của họ, thay vì trông chờ vào những học viện tầm quốc gia. 

"Ở Pháp, họ xây dựng những học viên quốc gia như Clairefontaine, sau đó bắt các CLB giả lập mô hình như vậy. Nhưng sau một thời gian, học viện của các CLB bắt đầu vượt trội so với Clairefontaine, khiến mô hình này trở nên lỗi thời", Ulf Schott, trợ lý của Weise, chia sẻ. Thế nên, sau thế hệ của Thierry Henry, Nicolas Anelka… người ta không còn thấy Clairefontaine cho ra lò nhiều cầu thủ xuất sắc nữa, thay vào đó hầu hết các tài năng trưởng thành từ chính các CLB tại Ligue 1.

Cuộc cách mạng của bóng đá Đức  - 2

Cầu thủ trẻ ở Đức, ở mọi lứa tuổi, được tạo điều kiện tốt nhất để chơi bóng theo chương trình Stützpunkt mà Weise và cộng sự dày công xây dựng.

Thế là rõ, rào cản bây giờ với người Đức chính là việc các CLB phải tự làm chủ mảng đào tạo trẻ bên cạnh sự hỗ trợ của DFB về mạng lưới tuyển trạch tài năng. Và rào cản ấy được gỡ bỏ nhờ một cú sốc khác với bóng đá Đức, lần này ở Euro 2000.

Trong mùa hè trên đất Bỉ và Hà Lan năm ấy, hình ảnh lão tướng 39 tuổi như Lothar Mattheaus vẫn là trụ cột của đội tuyển quốc gia như khiến người Đức tự hỏi, lẽ nào nền bóng đá hùng mạnh này đang sắp tới hồi tận diệt. Đó là một tuyển Đức già nua khi những lão tướng như Lothar Mattheaus, Thomas Hassler là quá nhiều, còn các tài năng trẻ như Sebastian Deisler thì quá hiếm hoi. Trận thua mất mặt 0-3 trước đội hình B của Bồ Đào Nha tại Rotterdam chính là cao trào dẫn đến cuộc cách mạng cho phần còn lại của bóng đá Đức.

Tháng 10/2000, DFL - cơ quan quản lý hai hạng đấu bóng đá cao nhất của Đức - được thành lập. Một trong những mục tiêu đầu tiên của DFL là bắt buộc các CLB của hai giải đấu Bundesliga 1 và 2 phải đáp ứng các tiêu chí: xây dựng học viện bóng đá trẻ, có đủ cơ số bắt buộc các cầu thủ người Đức trong đội hình, những HLV người Đức và thậm chí là cả HLV thể lực trong đội hình. CLB nào không đáp ứng được những điều kiện này, sẽ không được dự Bundesliga. Để đáp ứng những tiêu chí ấy, các CLB buộc phải tìm đến những trung tâm cấp vùng và trường học để tuyển mộ tài năng. 

* Đức thua Bồ Đào Nha 0-3 ở Euro 2000.

Bên cạnh việc tìm ra nhiều tài năng trẻ, giải pháp cứng rắn của DFB cũng nhằm giúp các CLB không đi vào vết xe đổ của Dortmund đầu những năm 2000. Khi ấy vì quá mải mê với việc cạnh tranh cùng Bayern Munich, Dortmund đã chi tiêu bạt mạng để tậu các ngôi sao như Marcio Amoroso, Jan Koller hay Tomas Rosicky dẫn đến cảnh khánh kiệt và suýt phải tuyên bố phá sản. Cùng thời điểm đó, đội U19 Dortmund đã vô địch quốc đến bốn lần liên tiếp, nhưng không một viên ngọc thô nào từ các lứa trẻ ấy có thể chen chân vào đội hình một.

Cùng thời điểm, luật di dân của Đức thay đổi khi đảng Dân Chủ xã hội của thủ tướng Gerhard Schroder cho phép con cái của người lao động nhập cư trở thành công dân Đức chỉ sau tám năm sinh sống. Trước đó, dù có sống ở Đức hàng chục năm, những người này vẫn chỉ là những di dân bất hợp pháp. Từ một xã hội với tư duy bảo thủ, góc nhìn của người Đức đã thay đổi với hoàn toàn khi cởi mở hơn với người nhập cư. Đó chính là nền tảng giúp tạo ra một đội tuyển Đức đầy sắc màu với những Jerome Boateng, Mesut Ozil, Sami Khedira... trong đội hình sau này.

Năm 2009, với giải vô địch U21 châu Âu, chính là thời điểm để người Đức thu hoạch trái ngọt. Đánh bại Anh 4-0, Đức giành chức vô địch với một thế hệ cầu thủ và công dân mới đại diện cho một nước Đức đa dạng sắc màu. Đó là Sami Khedira (gốc Tunisia), Mesut Ozil (Thổ Nhĩ Kỳ), Jerome Boateng (Ghana), hay Gonzalo Castro (Tây Ban Nha). 

Cuộc cách mạng của bóng đá Đức  - 3

Neuer, Ozil, Boateng, Hummels, Khedira đã tiến bộ vượt bậc sau chức vô địch U21 châu Âu và trở thành rường cột ở tuyển Đức nhiều năm qua.

Năm 2001, Dietrich Weise nghỉ hưu, và 13 năm sau, khi được hỏi về cảm xúc của ông lúc chứng kiến thế hệ mới của Đức lên ngôi vô địch World Cup ở Brazil 2014, ông tâm sự: "Lúc đó, tôi chợt nghĩ các cậu ấy chính là một phần trong cuộc cách mạng. Thứ bóng đá mà họ chơi hôm nay cũng bắt nguồn từ ý tưởng như vậy. Ít nhất là 10 tài năng trong đội hình ấy sẽ không thể có ngày hôm nay, hoặc thậm chí hoàn toàn có thể bị lãng quên, nếu không có cuộc cách mạng ấy. Như Toni Kroos chẳng hạn, cậu ấy lớn lên ở vùng hẻo lánh như Mecklenburg Vorpommern. Và có thể sẽ chẳng ai biết đến cậu ấy". Nhưng cuộc cách mạng ấy còn gì nữa?

Cách mạng về lối chơi

Để nói về tuyển Đức, người hâm mộ quen thuộc với biệt danh Cỗ Xe Tăng, một biệt danh đến trong những năm 1980 nhằm mô tả lối đá rình rập, nặng nề về phòng ngự của đội tuyển Đức. Lối đá ấy được cộng hưởng bởi những chân sút theo phong cách "một phát ăn ngay" như Klaus Allof, Rudi Voeller hay Karl Heinz Rummenigge.  Đức thời ấy chẳng cần đá hoa mỹ, mà chỉ đơn giản là đối thủ sơ hở thì lập tức họ sẽ trừng phạt không thương tiếc. Bên cạnh đó, tiểu xảo, chơi xấu là những thứ mà người Đức dùng rất nhiều khiến đối thủ bị ám ảnh. 

Điển hình là World Cup 1982, với pha lao ra không khác gì một cú ra đòn của Harald Schumacher với hậu vệ Patrick Battiston của Pháp. Người xem thì rợn tóc gáy, Battistion bất tỉnh, gãy ba chiếc răng, còn thủ phạm Schumacher sau đó được người Pháp bầu chọn là kẻ đáng ghét nhất, hơn cả trùm phát xít Aldof Hitler. Nhưng rồi cũng đến lúc người Đức thay đổi, điều đó đến ở World Cup 2006 nhờ vào tư tưởng của một người hãy còn vô danh khi ấy.

Năm 2004, Jurgen Klinsmann, tiền đạo lừng danh của Đức, được triệu hồi từ Mỹ để cứu nguy cho đội tuyển quê hương sau kỳ Euro thảm hoạ tại Bồ Đào Nha. Không lâu sau khi lên nắm quyền, Klinsmann khiến người xem choáng ngợp với một đội tuyển Đức mới mẻ, phóng khoáng, đẹp mắt. Nhiều người ca tụng "Klinsi" nhưng sự thật thì thế nào?

"Những buổi tập được lên kế hoạch rất rõ ràng, và Joachim Low là người phụ trách mảng chiến thuật. Nội dung phần lớn mà các cầu thủ phải thực hiện là những đường chuyền bóng ngắn và Low luôn nhấn mạnh: 'Tôi không muốn thấy các anh thực hiện các đường chuyền dài nào cả'. Và cứ khi nào một đường chuyền dài được phất lên, cả đội sẽ bắt đầu lại mọi thứ", cựu tiền vệ Thomas Hitzlsperger kể lại sau lần đầu lên tập trung đội tuyển. Chính Joachim Low, người đàn ông vô danh khi ấy bên cạnh Klinsmann, mới là người đưa ra ý tưởng mới cho tuyển Đức. Dù là HLV trưởng, vai trò của Klinsmann thiên về một thủ lĩnh tinh thần, bên cạnh việc ông đem từ Mỹ về những phương pháp nâng cao thể lực mới cho các cầu thủ.

Trong cuốn Italian Jobs của Gianluca Vialli, danh thủ Italy nhấn mạnh: "Ngay từ nhỏ cầu thủ ở Italy đã được tập những bài học cơ bản về tầm quan trọng của việc giữ bóng bằng các đường chuyền ngắn". Đấy là khía cạnh kỹ thuật chơi bóng mà chúng ta thường thấy ở những nền bóng đá  như Brazil, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italy, ở đấy các đội bóng kiểm soát trận đấu bằng những đường chuyền ngắn và khả năng di chuyển linh hoạt. 

Cuộc cách mạng của bóng đá Đức  - 4

Low khởi đầu với vai trò trợ lý của Klinsmann, nhưng lại là người đóng vai trò then chốt trong việc thay đổi cách tiếp cận bóng đá, triết lý thi đấu của tuyển Đức.

Kỹ thuật ấy vốn lên đến đỉnh cao cùng Barca và đội tuyển Tây Ban Nha trong kỷ nguyên tiki-taka, nhưng để tạo ra lối chơi đẹp mắt như thế là cả một chặng đường dài với Đức, khi thế hệ cầu thủ như Michael Ballack, Bernd Schneider, Oliver Kahn… là sản phẩm của tư duy bóng đá cũ kỹ vốn không nhấn mạnh nhiều đến kỹ thuật. Điều này được chính Low thừa nhận vào năm 2011: "Khi không gian và thời gian trên sân đấu bị thu hẹp, thì kỹ thuật cá nhân là điều tối quan trọng trên sân tập, thậm chí hơn cả hệ thống". Không có đủ những con người mong muốn, Đức bại trận dưới tay Italy ở bán kết World Cup 2006, thua Tây Ban Nha ở chung kết Euro 2008. 

Nhưng rồi cho đến một ngày, ngày diễn ra trận chung kết Cup FA 2010 giữa Chelsea và Portsmouth, tin dữ bay về Berlin khi thủ quân tuyển Đức, Michael Ballack gặp chấn thương sau cú tắc bóng của Prince Boateng. Hệ quả là Ballack vắng mặt ở Nam Phi 2010. Như cởi được nỗi lòng, Low nhanh chóng triệu tập Mesut Ozil, ngôi sao nổi lên từ lứa vô địch U21 châu Âu 2009, rồi sau đó bơm tiếp dòng máu trẻ trung cho màu áo trắng lừng danh. Đấy là Manuel Neuer, Thomas Mueller, Jerome Boateng, Toni Kroos, Holger Badstuber, Sami Khedira... tất cả cùng nhau tạo nên đội tuyển Đức trẻ nhất trong 76 năm dự World Cup. Quan trọng hơn, thế hệ mới còn chứng minh rằng họ đủ khả năng để trình diễn thứ bóng đá đẹp mắt mà Low hằng mơ ước, và cái kết ngọt ngào ở sân Maracana huyền thoại hè 2014 chính là tột đỉnh thăng hoa trong cuộc cách mạng toàn diện ấy.

Mùa hè 2017, bóng đá Đức phải dự đến ba giải đấu khác nhau, từ World Cup U20 , U21 châu Âu và FIFA Confederation Cup. Dù phải san sẻ lực lượng, bóng đá Đức gặt hái đến hai chức vô địch trong ba giải đấu ấy. Không chỉ đăng quang, mà lối chơi như “thêu hoa dệt gấm” của họ còn làm say đắm lòng người. Trong đó, màn trình diễn ở Nga là ấn tượng hơn cả. Dù cất ở nhà các ngôi sao hàng đầu và ra sân với 75% đội hình là những người lần đầu ra mắt ở một giải đấu lớn, tập thể dưới trướng Low vẫn chơi tự tin và lần lượt đè bẹp các đối thủ. Bóng đá Đức bây giờ nhiều nhân tài đến nỗi, những cầu thủ như Sebastian Rudy, Sandro Wagner hay Niklas Sule phải chứng tỏ rằng họ đủ sức…dự bị cho Toni Kroos, Mesut Ozil và Mats Hummel ở World Cup vào năm sau.

Cuộc cách mạng của bóng đá Đức  - 5

Có lẽ cái ngày Dietrich Weise đi đến từng vùng quê của Đức cách đây hơn 17 năm, ông không nghĩ thành công lại ngọt ngào đến thế. Bí quyết nằm ở sự dũng cảm, dám đối đầu của ông và cộng sự trước những tư tưởng cũ kỹ, lạc hậu.

Điều đó cũng giống như khi họ dám mang đôi giày đinh "lạ hoắc" của Adi Dassler để đánh bại Hungary trên mặt sân sũng nước ở Bern (Thuỵ Sỹ) năm 1954. Người Đức đã làm điều đơn giản ấy bằng cách truyền tải đam mê đến từng ngôi nhà, cho từng cậu bé và để chúng có một nền tảng để dám ước mơ, nhưng đôi khi những thứ đơn giản ấy lại là điều khó khăn nhất. 

Với người Đức, kỷ nguyên thống trị ấy mới chỉ bắt đầu!

Nguồn: VnExpress.net


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan