Biểu tình phản đối những vụ tấn công tại Köln, Đức.
Người Đức hôm nay đứng trước một quyết định khó khăn. Kiên định với lòng tốt của mình không chỉ là ban phát của cải dư thừa, mà nó đòi hỏi sự can đảm và hy sinh nhiều hơn thế nữa. (Ảnh: chụp màn hình Youtube)
Người phụ nữ này đã mạnh mẽ kiên định và giữ vững lập trường trước phe đối lập trong việc giang rộng vòng tay đón dân tị nạn là những nạn nhân của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Đây không phải là một quyết định dễ dàng và như biên tập viên Nancy Gibbs của tạp chí Times nhận định thì “Bạn có thể đồng ý với bà hoặc không đồng ý nhưng bà không chọn con đường dễ đi.”
Trong khi nhiều quốc gia đóng sầm cánh cửa trước những con người khốn khổ này thì Đức lại là nơi nhận nhiều người tị nạn nhất. Bất chấp sự phản đối của một số người dân và Đảng đối thủ, bà Merkel vẫn nỗ lực cứu vớt và hạn chế nhất có thể những tổn thương và thảm cảnh xảy ra đối với họ, những con người không thuộc dòng máu với dân tộc của bà. Đó là chưa kể đến những vấn đề sẽ phát sinh trong quá trình người tị nạn nhập cư và sinh sôi phát triển trên nước Đức, chắc chắn cũng sẽ phức tạp và tiềm ẩn những mối nguy hiểm về an sinh, xã hội, kinh tế và cả khủng bố… Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều nước đặt ra giới hạn cho lòng tốt của họ.
Và thật không may, những sự cố xảy ra trong đêm giao thừa vừa rồi đã trở thành chứng cứ cáo buộc đầu tiên về những rủi ro phát sinh từ chính sách nhân đạo này.
Người dân Đức bàng hoàng sửng sốt trước hàng loạt các vụ tấn công tình dục, cướp bóc, cưỡng hiếp xảy ra ngay trong đêm giao thừa tại Cologne mà cảnh sát Đức trong bản báo cáo được tờ Der Spiegel tiết lộ, gọi đây là “đêm giao thừa nhục nhã và đáng hổ thẹn”.
Hơn 100 nạn nhân đã nộp báo cáo bị sàm sỡ, quấy rối, cưỡng hiếp và cướp tài sản.
Báo cáo của cảnh sát cho biết , những kẻ tấn công đến từ một đám đông khoảng 1.000 thanh niên trẻ, đa phần là người nhập cư gốc Ả Rập hoặc Bắc Phi. Điều này hẳn nhiên là một cái cớ làm dấy lên sự phẫn nộ trong những người phản đối chính sách tiếp nhận dân tị nạn của bà Markel. Nước Đức, một quốc gia tự hào có trật tự xã hội tốt với dân trí cao, giờ phải đối mặt với những hành vi dung tục xấu xa của những người tị nạn không cùng dòng máu.
Thật dễ hiểu khi việc bà Markel kêu gọi cảnh sát phải “hành động cứng rắn” với những tấn công ở Cologne dù tội phạm có nguồn gốc từ đâu, không thể xoa dịu được cơn thịnh nộ của phe đối lập. Các chuyên gia nhận định, sự việc sẽ không dừng ở đây mà còn diễn biến tiếp tục và điều này sẽ ảnh hưởng rất xấu đến Đảng của bà Markel trong cuộc bầu cử tháng Ba sắp tới.
Vào lúc này, những người Đức tốt bụng và bà Markel đang thực sự đứng trước một thử thách lớn lao. Liệu họ có còn tiếp tục kiên định với định nghĩa chân chính về lòng tốt trên lý thuyết, trong sách vở và các câu chuyện ‘súp gà cho tâm hồn’?
Nhắc đến những câu chuyện quà tặng tâm hồn, chợt nhớ một chuyện có thật trong cuộc tấn công nhà hát Bataclan tại Paris vào ngày 13/11/2015 vừa rồi. Anh Antoine Leiris là chồng của một người vợ bị thiệt mạng trong cuộc tấn công này. Tuy vậy những gì anh chia sẻ trên facebook cá nhân đã khiến cả thế giới phải thức tỉnh và xúc động:
“Tối thứ sáu, chúng đã đánh cắp một sinh mệnh đặc biệt, một tình cảm chân thành của cuộc đời tôi, người mẹ của con trai tôi, nhưng mà chúng vĩnh viễn không chiếm được sự thù hận trong lòng tôi. Tôi sẽ không vì để chúng thỏa mãn mà thù hận chúng. Chúng muốn nó, nhưng mà nếu dùng “thù hận” và “phẫn nộ” để đáp lại, tôi sẽ trở nên vô tri như chúng. Chính loại vô tri này đã khiến chúng trở thành như thế.
Hai người chúng tôi, tôi và con trai tôi, chúng tôi sẽ mạnh mẽ hơn bất kỳ quân đội nào! Tôi không thể vì chúng mà lãng phí thời gian của mình. Tôi phải trở về chăm sóc con trai tôi, bởi vì nó vừa mới tỉnh dậy.
Con trai tôi chỉ mới được 17 tháng tuổi, thằng bé sẽ hàng ngày ăn vặt cùng tôi, chơi đùa cùng tôi. Cuộc đời của con trai tôi sẽ là vui vẻ và tự do! Bởi vì chúng cũng vĩnh viễn không thể chiếm được sự thù hận của thằng bé.”
Anh Antoine Leiris (Ảnh: internet)
Cuộc sống này luôn tồn tại những thái cực đối lập nhau, có đêm có ngày, có âm có dương, có điều tốt và cũng tồn tại cái ác. Rất nhiều người, rất nhiều quốc gia vì để vinh danh chống lại cái ác cũng dần dần biến đổi chính mình, từ bỏ những nguyên tắc sống tốt đẹp. Lòng tốt cũng có nhiều cấp độ, có người vì dư thừa của cải mà ban phát cho người khác một chút, cũng có người sẵn sàng vì người khác dù bị tổn hại về an toàn thân thể thậm chí là tính mạng…
Thật ra, cái ác muốn gì, chẳng phải chính là tiêu diệt những điều tốt đẹp, triệt tiêu cái thiện hiện hữu trên thế gian này sao?
Vì vậy cuộc chiến chống lại cái ác thật sự chính là luôn giữ được thiện niệm trong tâm mình, dù trong bất kỳ hoàn cảnh đau khổ nào do cái ác tạo ra. Không để cho cái ác đạt được mục đích, đó mới chính là sự chiến thắng toàn vẹn.
Rất nhiều người Tây phương có đức phương tin vào Chúa Giê-su. Ông tự nhận mình đến vì nhân loại, là đấng cứu thế. Vậy mà chính bản thân Ông lại bị người Do Thái, những con người Ông muốn cứu ấy cho đóng đinh, treo lên thập tự giá trên núi Sọ hành hình. Điều gì khiến người Tây phương tung hô Ông là Thiên Chúa của họ?
Chẳng phải vì câu nói bất hủ của Ông trên thập giá rằng “Xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm.” Có nỗi đau đớn nào hơn khi bị chính những người ta cứu vớt phản bội? Nhưng cái ác của con người không thể làm tàn lụi đi thiện niệm trong lòng một vị Thiên Chúa.
Trái lại, có lẽ Ông còn cảm thấy họ đáng thương hơn vì sự ngu muội và những gì đang chờ đợi họ trong tương lai. Sau này chính Hitler, một độc tài khét tiếng người Đức đã cho truy lùng và diệt chủng người Do Thái. Lịch sử đã cho thấy điều đó.
Người Đức hôm nay đứng trước một quyết định khó khăn. Kiên định với lòng tốt của mình không chỉ là ban phát của cải dư thừa, mà nó đòi hỏi sự can đảm và hy sinh nhiều hơn thế nữa. Làm điều tốt không dễ, vì thế lực đối nghịch sẽ không để yên cho lòng tốt phát triển một cách suôn sẻ.
Nhưng liệu chúng ta sẽ để lại những bài học gì cho nhân loại, cho các thế hệ con cháu tương lai, khi mà chúng chỉ còn thấy lòng tốt tồn tại trên giấy, chứ không thực sự hiện hữu ngoài đời thực nữa?
Đây là thời khắc, không chỉ đối với nhân dân Đức, bà Merkel, mà còn là với toàn thể nhân loại, đứng trước cái xấu, cái ác ngày càng lan tràn và dường như đang chiếm ưu thế, mọi người liệu có can đảm chọn cho mình một con đường, chọn cho mình một nguyên tắc sống nhân nghĩa, và hãy nhớ rằng, nếu đó không phải là con đường chân chính thiện lương thì chỉ có thể là cái ác, không có con đường nào ở giữa vì im lặng và làm ngơ trước tội ác chính là đồng lõa với nó.
Cũng như việc Chúa Giê-su đã sống lại sau 3 ngày và lên trời. Liệu con người ngày nay có còn tin rằng cái thiện sẽ chiến thắng cho dù bị vùi dập như thế nào hay không?
Câu hỏi này xin nhường lại cho mỗi người hãy tự trả lời với chính mình, không phải bằng ngôn ngữ, mà bằng những hành động thực tế trong đời sống.
Nguồn: Daikynguyenvn.com
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC