Theo tờ DW, Đức là một trong những quốc gia có nghiêm khắc nhất về giờ đóng cửa quán xá tại Châu Âu, khiến rất nhiều du khách, du học sinh hay người mới đến nước này bị bất ngờ.
Cụ thể, tất cả quán xá, bao gồm cả trung tâm thương mại hay các quán cóc ven đường đều chỉ được hoạt động từ 7h sáng đến 7h tối trong tuần, đồng thời không được phép mở bán vào ngày chủ nhật. Quy định này được cho là chặt chẽ hơn rất nhiều so với những quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU), vốn có nhiều nơi nổi tiếng là thiên đường du lịch, mua sắm và các hoạt động kinh tế về đêm.
Tất cả những trường hợp vi phạm sẽ bị phạt từ 500 Euro đến 2.500 Euro, đồng thời kèm theo những hình thức phạt đi kèm tùy từng bang tại Đức.
Việc tuân thủ luật này cũng còn tùy khu vực. Ví dụ như ở thủ đô Berlin vẫn sẽ có những quán cóc ăn đêm mở bất hợp pháp, tất nhiên nếu bị bắt thì các quán này sẽ chịu phạt nặng. Tuy nhiên một số khu vực của Đức như vùng Bavaria thì lại làm khá gắt về quy định giờ đóng cửa.
Đặc biệt hơn, quy định này của Đức đã được ban hành từ năm 1919, tức đã tồn tại được 104 năm và vẫn được người dân lẫn chính phủ tuân thủ nghiêm ngặt. Rất nhiều trường hợp quán xá bị kiện vì mở cửa quá giờ hoặc vi phạm quy định bị xử phạt nặng.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến người Đức với tính kỷ luật cao lại sống khắc khổ như vậy?
Vì lợi ích người dân
Theo DW, việc yêu cầu quán xá không mở muộn và chủ nhật không chỉ liên quan đến lý do tôn giáo, qua đó cho người dân có ngày nghỉ để tôn thờ Chúa, mà còn nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng. Cụ thể, chính phủ Đức muốn người dân giành thời gian để tổ chức các hoạt động ngoài trời, sum họp cùng gia đình, đi picnic, đạp xe, thể thao… thay vì chui vào trong các TTTM hoặc những hoạt động giải trí về đêm khác.
Việc đóng quán xá đúng giờ sẽ buộc người dân về với gia đình sau giờ làm, qua đó làm gia tăng giá trị gia đình trong xã hội Đức.
Người Đức có văn hóa hoạt động ngoài trời nhiều hơn là vào TTTM
Thậm chí, luật nghỉ chủ nhật (The Sonntagsruhe-Sunday Rest) đã được ghi cả vào trong Hiến pháp của Đức (Grundgesetz).
Cụ thể theo điều 140, vốn đã được thành lập từ năm 1919 có ghi rõ: “Ngày chủ nhật cùng những ngày nghỉ lễ quốc gia khác được bảo đảm bởi luật pháp, là ngày không phải làm việc và để nâng cao tinh thần người dân”.
Tất nhiên, không phải tất cả các tổ chức đều bị đóng cửa theo giờ. Một số cơ quan, dịch vụ như bệnh viện, cứu hỏa, cảnh sát…vẫn sẽ được mở. Thậm chí nhiều tổ chức thể thao cũng được nhà nước tạo điều kiện cho hoạt động muộn hoặc vào cuối tuần nhằm cổ vũ vận động nâng cao sức khỏe thay vì xem phim hay nhậu nhẹt ăn uống.
Ngoài ra, những siêu thị tiện lợi 24/7 (Spati-Spatkauf) tại Đức cũng thường chỉ dám hoạt động quá giờ giới nghiệm một chút đến 8h tối. Tất nhiên cá biệt nhiều trường hợp chấp nhận mở qua đêm tùy sự nghiêm ngặt của từng vùng.
Đặc biệt hơn, những cửa hàng bánh mỳ sẽ được phép mở cửa 3 tiếng sáng chủ nhật, tạo nên những hàng dài người xếp hàng mua bánh nóng mới ra lò.
Theo DW, các quán xá muốn mở cửa ngày chủ nhật thì chỉ có tổ chức lễ hội, hội chợ… (Verkaufsoffener Sonntag – Sunday Trading Day) thì mới có cơ hội.
Tuy vậy cũng tùy từng bang mà luật tổ chức hội chợ cũng khác nhau. Thông thường quán xá sẽ được mở vào các ngày chủ nhật 4-8 lần mỗi năm tùy từng bang và chính quyền địa phương sẽ quyết định thời gian cho những hoạt động này, xem là nhân dịp lễ hội, hội chợ hay vì sự kiện kỷ niệm đặc biệt gì.
Bất chấp điều đó, đây cũng là hành vi trái hiến pháp nên có thể bị tòa án dễ dàng hủy bỏ ngay lập tức.
Dần thay đổi
Ngược dòng lịch sử, văn hóa nghỉ ngày chủ nhật và hoạt động theo đúng giờ giấc đã tồn tại từ thời đế chế La Mã (Roman Empire) vào khoảng năm 321 dưới sự cai trị của Hoàng đế Constantine.
Dẫu vậy theo thời gian dần trôi, văn hóa này dần bị xóa nhòa ở Châu Âu khi các hoạt động giải trí, vui chơi về đêm và cuối tuần phát triển. Duy chỉ có ở Đức là các quy định này vẫn được tuân thủ nghiêm ngặt, một phần do ảnh hưởng từ tôn giáo.
Các cửa hàng ở Đức rất hay niêm yết kỹ giờ hoạt động
Trên thực tế vào thập niên 1950, các quán xá ở Tây Đức chỉ được mở cửa đến 6h30 chiều trong tuần và 2h chiều ngày thứ 7, còn chủ nhật thì cấm hoạt động. Quy định này được tuân thủ nghiêm ngặt tại Tây Đức trong suốt 40 năm, còn Đông Đức lại thoải mái hơn cho đến khi 2 miền hợp nhất và tuân theo quy định của Tây Đức.
Đến năm 1996, chính phủ Đức mới nới lỏng một chút khi cho phép các hàng quán được mở cửa đến 8h tối trong tuần và 4h chiều thứ 7 trong những tháng trước Lễ Giáng Sinh. Vào năm 2003, các cửa hàng được phép mở đến 8h tối thứ 7 trong đợt trước kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Thế nhưng phải đến năm 2006, sự thay đổi lớn trong quy định mở cửa kinh doanh quán xá mới thực sự diễn ra khi quyền quyết định được trao về tay chính phủ địa phương. D
Thủ đô Berlin đã dẫn đầu khi nới lỏng các quy định và nhiều địa phương khác cũng noi theo. Cho đến ngày nay, việc nhiều quán mở cửa đến 12h đêm chủ nhật hoặc trong tuần đã tồn tại ở nhiều nơi tại Đức, dù về lý thuyết điều này trái pháp luật.
Thay đổi vì thương mại điện tử
Mặc dù việc đóng mở cửa vào thời gian nào đã nới lỏng hơn so với trước đây tại Đức nhưng văn hóa tuân thủ kỷ luật, giờ giấc cùng như thói quen sum vầy cùng gia đình sau giờ làm, tham gia hoạt động ngoài trời vào cuối tuần của người dân vẫn còn khá nặng.
Một số chuỗi bán lẻ lớn như Rossman hay Hornbach tại Đức cho biết việc mở cửa thêm vào ngày chủ nhật chẳng làm gia tăng đáng kể doanh thu hay lợi nhuận, trong khi chi phí nhân công và vận hành sẽ đi lên.
“Chúng tôi vui vẻ với tình hình không mở cửa ngày chủ nhật như hiện nay”, đại diện của Rossman nói.
Một khảo sát vào năm 2017 cho thấy 61% số người được hỏi cho biết nên để các quán xá tự quyết định khi nào đóng cửa.
Ở phía ngược lại, nhiều doanh nghiệp ủng hộ việc nới lỏng quy chế thời gian hoạt động của quán xá trong bối cảnh nền kinh tế cần kích cầu hậu đại dịch, cộng với việc hoạt động mua bán, giải trí của giới trẻ ngày một tăng về đêm cũng như cuối tuần.
Đặc biệt hơn, sự trỗi dậy mạnh mẽ của thương mại điện tử khiến nhiều cửa hàng trực tuyến có thể kinh doanh mà không cần mặt bằng hay mở cửa.
“Đây đã là vấn đề lớn với nhiều công ty truyền thống ở Đức. Trong khi các cửa hàng truyền thống phải trả tiền thuế và tuân thủ quy định giờ giấc nghiêm ngặt thì những shop bán hàng trực tuyến lại có thể tự do kinh doanh bất kể giờ giấc và thậm chí đôi khi không phải trả đồng thuế nào”, anh Michael Lind, giám đốc của 3 siêu thị tại Berlin nhận định.
Hiệp hội thương mại Đức (GTA) đại diện cho 400.000 công ty đơn lẻ đã từng chỉ trích quy định chặt chẽ của liên bang về giờ giấc kinh doanh này. Tuy nhiên tờ DW nhận định với lịch sử quy định hơn 100 năm thì việc nền kinh tế lớn nhất Châu Âu có thể thay đổi thói quen hoạt động về đêm và cuối tuần sẽ cần tốn nhiều thời gian hơn.
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC