Đôi điều về chuyện „làm nghệ thuật“ tại Đức

Đôi điều về chuyện „làm nghệ thuật“ tại Đức

Trong cuộc sống chúng ta thường thấy là người năng động, chịu nghĩ, dám làm thường khó tránh khỏi những sai lầm, thất bại, nhiều khi cả những chỉ trích nặng nề của những người chưa hiểu hay không đồng tình. Nhưng nếu ai cũng sợ thất bại, tránh bị chỉ trích thì Xã hội …

Trong cuộc sống chúng ta thường thấy là người năng động, chịu nghĩ, dám làm thường khó tránh khỏi những sai lầm, thất bại, nhiều khi cả những chỉ trích nặng nề của những người chưa hiểu hay không đồng tình. Nhưng nếu ai cũng sợ thất bại, tránh bị chỉ trích thì Xã hội làm sao phát triển được. Thất bại trong sự nghiệp không chừa một ai, kể cả người đó học cao, trình độ chuyên môn giỏi hay là người rất cần cù, năng động và tâm huyết.

Nói về cường độ lao động của người Việt tại Đức thì thời gian làm việc một ngày 10 đến 12, hay 14 tiếng không phải là điều ngạc nhiên. Vốn bản tính cần cù chịu khó nên sau 25 năm đại đa số người Việt tại phần Đông Đức cũ tự hành nghề đã có một cuộc sống vật chất, việc làm tương đối ổn định. Nhiều người ít, nhiều cũng đã có được những tích góp cho tuổi già nên cũng tạm thời yên tâm trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế trên thế giới đang diễn ra.

132 Content 3 9

Với độ tuổi trung bình trên dưới 50 – 55, khi mà nhiều gia đình con cái lớn trưởng thành đã và sắp ra khỏi nhà đi học Đại học, học nghề hay làm nghề, thì giờ đây nhu cầu chăm sóc cho phần „HỒN“ của thế hệ thứ nhất người Việt tại Đức đang ngày một lớn. Các Hội đoàn, các Câu lạc bộ… thi nhau mọc lên như nấm sau cơn mưa. Đặc biệt phong trào Văn hoá văn nghệ giữ gìn bản sắc Dân tộc phát triển rất mạnh. Đó là điều đáng mừng.

Dám nghĩ, dám làm nên nhiều nhóm, CLB, đội Văn nghệ… đã được ra đời và hoạt động ít nhiều có những thành quả nhất định được cộng đồng cũng như chính quyền nước sở tại ghi nhận những đóng góp. Nhưng nhìn chung những buổi trình diễn của những CLB, đội, nhóm này hiện nay vẫn chỉ mới dừng lại ở mức độ: „Cây nhà lá vườn“ chứ thực sự chưa vượt ra khỏi khuôn khổ „Nghệ thuật cộng đồng“ để có thể vươn xa hơn nữa.

Không phải bà con người Việt tại phần Đông nước Đức không có nhu cầu được thưởng thức nghệ thuật chuyên nghiệp với một trình độ trình diễn đạt nghệ thuật cao của các Nghệ sĩ và một không gian thưởng thức nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp được tổ chức xứng tầm. Thực tế là cho đến nay chưa có tổ chức nào đứng ra tổ chức được những sự kiện Văn hoá, nghệ thuật có tầm cỡ và mang tính nghệ thuật cao tại đây.

Sau khi thống nhất nước Đức được vài năm, thỉnh thoảng cũng có những buổi trình diễn ca nhạc của các ca sĩ Hải ngoại được tổ chức tại Tây Berlin, Tây Đức… bà con ta nhiều người đã tranh thủ sắp xếp công việc, rủ nhau đến nghe, xem. Nhưng do cách tổ chức yếu kém, hội trường, âm thanh, ánh sáng kém nên nhiều buổi ca nhạc đã để lại ấn tượng không tốt cho khán thính giả và nhiều người nói với tôi là sẽ không đi đến những buổi như thế này nữa. Lý do là khi xem những Nghệ sĩ trình diễn trong DVD thì hay thế mà đi nghe trực tiếp thì dở quá… lộn xộn không nghe được gì, tiếng nhạc thì to át cả tiếng ca sĩ hát….. ánh sáng và người dẫn chương trình quá kém.., còn rất nhiều những sự chê bai và cuối cùng là kết luận: „Không lẽ không thể tổ chức được quy củ, hoành tráng và chất lượng hơn sao?“.

Thời gian vài năm gần đây thường xuyên có những buổi trình diễn ca nhạc của nhiều đoàn từ Việt Nam sang, từ các nước khác đến Đức trình diễn tại nhiều địa điểm khác nhau, nhưng kết quả cũng chỉ dừng ở mức khiêm tốn trên dưới một tới vài trăm khán thính giả.

Một số người nhận định „LÀM NGHỆ THUẬT“ muốn tồn tại phải chú trọng chất lượng, nếu chỉ chạy theo lợi nhuận và thị hiếu thì sẽ không bền và không phát triển được. Theo tôi cần phải thêm tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức các sự kiện Văn hoá, nghệ thuật. Không lẽ chúng ta mãi chỉ được thưởng thức nghệ thuật tại những „Tụ điểm văn nghệ cộng đồng“ thôi sao?

Người Việt ở phần Đông Đức phần lớn sang lao động, mưu sinh nên ít người có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực: „Làm Nghệ thuật“. Người có trình độ chuyên môn cao thì nhiều khi cũng vì mưu sinh lại không được làm nghệ thuật theo đúng sở trường. Sự dễ dãi trong thưởng thức nghệ thuật của phần đông người Việt tại Đông Đức thế hệ thứ nhất do hoàn cảnh và nghề nghiệp tạo ra, có lợi cho „Phong trào văn nghệ quần chúng“, nhưng theo tôi không có lợi cho sự „phát triển nghệ thuật“.

Nhân tài người Việt về lĩnh vực Nghệ thuật mang tính giá trị cao ở Đức không phải là không có. Tôi vẫn luôn có mong ước một ngày nào đó được thưởng thức tại Đức những sự kiện được tổ chức không được bằng thì ít ra cũng có quy mô, chất lượng gần với những buổi trình diễn nghệ thuật như các Trung tâm nhạc hải ngoại lớn ở Mỹ tổ chức.

Vẫn biết đoạn đường để tới được đó còn rất dài, cần có nhiều người không những chỉ có tâm huyết, có tài, có gan, có lòng đam mê với Nghệ thuật mà còn phải có sự tổ chức, dàn dựng chuyên nghiệp của những người có trình độ chuyên môn cao, lâu năm kinh nghiệm trong nghề.., nhưng tôi vẫn mong tại Đức có một sự kiện tương tự như vậy.

Tuần trước, tôi nhận được giấy mời tới dự buổi „Họp báo“ về sự kiện chương trình đại tiệc nghệ thuật “Tình yêu và Ký ức” do anh Nguyễn Xuân Hùng với tư cách trưởng Ban tổ chức tại Đức mời.

Đối với nhiều người ở Berlin nói riêng và ở Đức thì có lẽ cái tên „Hùng râu“ được biết đến nhiều hơn là Nguyễn Xuân Hùng. Cá nhân tôi, từ trước tới nay không hề có mối quan hệ gì trong công việc làm ăn cũng như giao lưu bạn bè với „Hùng râu“. Ngạc nhiên về lời mời của một người chỉ biết nhau và chào hỏi xã giao trong những lần gặp gỡ, nhưng tôi vẫn quyết định đến nghe theo giấy mời.

Trên đường đến quán „Việt phố“ trong TTTM Đồng Xuân tại Berlin, là nơi sẽ diễn ra buổi họp báo, tôi có nhiều suy nghĩ về nhân vật „Hùng râu“.

Cũng chẳng nhớ là tôi gặp hay biết Hùng râu từ bao giờ và ở đâu. Chỉ nhớ rằng từ khi Hùng râu chuyển sang kinh doanh bán sỉ (ở Đức hay gọi là làm nghề giao hàng) những mặt hàng may sẵn rồi sau này là những Sản phẩm của các cơ sở SX tại Việt Nam, được Hùng râu nhập sang Đức bầy bán trong các TTTM của người Việt tại Đức thì tôi biết đến Hùng râu từ dạo đó. Cũng như bao người Việt tại Đức, năng động xoay sang kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau, sau đó Hùng râu chuyển sang kinh doanh nghề Du lịch, tổ chức các tua Du lịch, bán vé máy bay… làm đại lý bán Bia Sài Gòn, tham gia gian hàng bán Bia Sài gòn trong các Lễ hội Bia Quốc tế được tổ chức hàng năm tại Berlin, tham gia và từng là giám đốc Viethaus tại Berlin…

Nếu chỉ dừng ngang đó thì có lẽ cũng không có gì để viết tiếp, nhưng tôi còn được biết đến một Hùng râu khác, một Hùng râu đam mê nghệ thuật.

Hàng năm trong Lễ hội Bia Quốc tế tại Berlin, Hùng râu đều mời các đoàn nghệ thuật khác nhau sang trình diễn không chỉ phục vụ bà con cộng đồng người Việt mà còn giới thiệu, quảng bá Văn hoá, nghệ thuật của Việt Nam với bạn bè Đức nói riêng và bạn bè Quốc tế nói chung. Không chỉ là người đứng ra tổ chức, trong những công việc bộn bề của nhà Tổ chức, Hùng râu vẫn dành cho mình những khoảng thời gian nhất định không chỉ để đứng trên Sân khấu, cầm Micro rồi kính thưa…kính gửi…chân thành cảm ơn… mà tôi thích nhất được nghe, được nhìn thấy anh tự chơi đàn, hay tự ca hát, thả hồn vào những giai điệu của Quê hương.

Có người nói rằng Hùng râu chơi đàn hay giọng ca không có gì là xuất sắc. Tôi không phản đối về nhận định này theo khía cạnh nghệ thuật nếu so sánh Hùng râu với các nhạc công hay ca sĩ chuyên nghiệp. Nhưng tôi không đồng tình cách góp ý không có thiện chí. Hãy làm được như Hùng râu đi đã rồi hãy phê phán. Tôi không nhìn thấy một Hùng râu đang tính toán được, thua, lỗ lãi trong kinh doanh khi nghe và nhìn thấy Hùng râu chơi đàn, ca hát. Tôi chỉ nhìn thấy một con người đam mê với nghệ thuật và có quyết tâm theo đuổi nó.

Ai cũng phải kinh doanh, làm việc để mưu sinh, ai cũng có những đam mê cá nhân. Có khác chăng là có người dám nghĩ, dám quyết tâm làm và có người thì ngược lại.

Không chỉ ở các Lễ hội Bia Quốc tế, tôi còn gặp và được chứng kiến niềm đam mê nghệ thuật của Hùng râu trong nhiều sự kiện sinh hoạt cộng đồng khác tại Đức và được biết khi có dịp, Hùng râu cũng hay về Việt Nam tham gia các buổi trình diễn nghệ thuật…. Đang mải mê với những suy nghĩ về Hùng râu thì tôi đã đến nơi tổ chức buổi họp báo.

Tôi không muốn đi sâu chi tiết về Chương trình tổ chức sự kiện đại tiệc nghệ thuật “Tình yêu và Ký ức”, việc này đã được nhiều báo mạng, tờ rơi.., quảng bá.

Tôi muốn viết về cảm nhận cá nhân trong buổi họp báo này.

Cảm nhận đầu tiên của tôi sau khi nghe Hùng râu giới thiệu cụ thể về dự định này là ngạc nhiên. Ngạc nhiên về tầm cỡ của nó, ngạc nhiên về Chương trình, về các tiết mục trình diễn, về những thành phần tham gia và về địa điểm tổ chức. Từ ngạc nhiên đến vui mừng vì đây có thể sẽ là một buổi sinh hoạt nghệ thuật có tầm cỡ mà tôi vẫn thầm mong.

Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì mối lo cho Hùng râu ập đến khi được nghe những trình bày của Hùng râu về kế hoạch cụ thể, vì nhiều lý do khác nhau, chỉ tổ chức được 2 buổi trình diễn cho đoàn tại Châu Âu (Đức 1 buổi và Tiệp một buổi), khi mà số lượng diễn viên tham gia với khoảng 40 nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công, hoa hậu và người mẫu. Tuy Hùng râu không hề nói ra, nhưng tôi hiểu chi phí rất lớn của Ban tổ chức về thù lao, ăn ở, đi lại cho đoàn khi tổ chức sự kiện này. Đó là chưa kể các chi phí cho thuê mặt bằng, cho nhóm phụ trách âm thanh ánh sáng, công tác bảo vệ an toàn cho buổi trình diễn…v.v và v.v…

Tiếp đó là cảm giác có phần hơi thất vọng khi nhìn quang cảnh của buổi họp báo với quá ít những khuôn mặt có thể xắn tay lên giúp sức về Tài chính cho Hùng râu. Khi Hùng râu thông báo anh sẽ tổ chức tiếp những buổi họp báo tiếp theo để quảng bá và kêu gọi trợ giúp, hôm nay là lần đầu tiên họp, anh chủ yếu muốn trình bày dự định và muốn nghe ý kiến đóng góp của những bạn bè, truyền thông cũng như cơ quan Đại diện là ĐSQ cho dự định của anh, cũng nằm trong năm kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Đức – Việt, thì mọi người mới thở phào bớt phần lo lắng.

Nhìn những khuôn mặt lo lắng cho dự định của Hùng râu và nghe những lời phát biểu rất chân tình của nhiều người, thậm chí trách móc thẳng thừng của người bạn lâu năm là anh Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc TTTM Đồng Xuân, nói về việc tổ chức buổi họp báo „khởi động“ chưa được xứng tầm với dự định của sự kiện nên sẽ có thể gặp khó khăn khi kêu gọi sự ủng hộ của bà con, sau đó anh Hiền đã nêu ra những đề nghị cụ thể để giúp cho Hùng râu trong công tác chuẩn bị tổ chức. Những góp ý trực tiếp sau đó với anh Hùng cùng những đề nghị cụ thể về kế hoạch triển khai đã làm cho những người có mặt bớt nhiều băn khoăn lo lắng cho Hùng râu. Mọi người đã hiểu được cái tâm của Hùng râu qua câu phát biểu: „Tôi muốn cho Thế hệ trẻ người Việt tại Đức được thưởng thức Nghệ thuật đích thực, có giá trị để các cháu hiểu và yêu rồi quay về với Nghệ thuật Việt Nam“.

Sau đó nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn, chân tình với Hùng râu về công tác chuẩn bị, quảng bá… và hầu hết đều khẳng định sẽ chung tay góp sức theo khả năng và cách riêng của mình để kêu gọi bà con cộng đồng giúp cho Ban tổ chức tổ chức thành công sự kiện này. Nhiều người đã đặt mua vé VIP cho mình và gia đình, người thân ngay trong buổi họp báo.

Từ sự ngạc nhiên và có phần thất vọng ban đầu, sau khi đã cảm nhận được sự chân tình và tâm huyết mang nghệ thuật có giá trị của Việt Nam sang quảng bá tại Đức và Châu Âu của Hùng râu, thấy rõ nguy cơ có thể bị „gãy“ trong việc tổ chức sự kiện này nếu không được sự ủng hộ của đông đảo bà con cộng đồng, tôi nhận thấy những người có mặt đã không ai bảo ai mà cùng đồng tâm, nhất trí khẳng định sự ủng hộ của mình.

Thiết nghĩ chúng ta nên ủng hộ sự kiện này vì chính chúng ta, cho chúng ta và thế hệ trẻ người Việt là con cháu của chúng ta. Mỗi người hãy ủng hộ theo cách của mình. Hãy sắp xếp công việc, dành thời gian chăm sóc phần HỒN cho bản thân, cho những người thân yêu của mình qua việc mua vé đến thưởng thức Chương trình đại tiệc nghệ thuật “Tình yêu và Ký ức” sẽ được tổ chức tại Nhà hát sang trọng và danh tiếng Tempodrom Berlin vào ngày 04.04.2015.

Bằng cảm nhận của mình, tôi tin mọi người sẽ ủng hộ tâm huyết của anh Hùng râu.

Mạnh Thái

* LTS: Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan