Tại Đức và một số nước trên thế giới hiện đang duy trì hai chế độ thời gian: Giờ mùa đông và giờ mùa hè. Giờ mùa hè bắt đầu từ ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 3 và giờ mùa Đông bắt đầu từ chủ nhật cuối cùng của tháng 10. Năm nay, thời khắc đổi sang giờ mùa Đông rơi vào ngày 28.10.2018.
Vào lúc 3 giờ sáng, kim đồng hồ sẽ được vặn ngược lại một tiếng, tức từ 3 giờ xuống 2 giờ sáng. Có nghĩa, mọi người được „ngủ nướng“ thêm một tiếng. Đức và Việt Nam sẽ cách nhau 6 múi giờ. Việc đổi giờ luôn được thực hiện vào ngày chủ nhật để không ảnh hưởng đến giờ làm việc của mọi người.
Chỉnh đồng hồ
Trên thực tế, đa số các thiết bị đều có tính năng tự điều chỉnh thời gian do được đồng bộ hóa với đồng hồ ở Viện Vật lý Kĩ thuật Liên bang tại Braunschweig. Ti vi và radio kĩ thuật số nhận được giờ chính xác từ thiết bị truyền thanh tại Mainflingen, Hessen. Đồng hồ của deutsche Bahn và Telekom cũng tự động điều chỉnh. Điện thoại smartphone có thể tự chỉnh giờ, nếu trong phần cài đặt cho phép. Đối với hệ điều hành Android, có thể vào mục „Cài đặt“, sau đó vào „Ngày & Giờ“ và kích hoạt chế độ „Ngày & Giờ tự động“. Đối với iPhones và Apple cũng vào „Cài đặt“, sau đó vào mục „Cài đặt chung“ và kích hoạt chức năng „Đặt Tự động“.
Mẹo giúp chỉnh giờ đúng
Nhiều người bối rối không biết nên chỉnh đồng hồ tiến hay lùi. Sau đây là hai cách nhớ đơn giản giúp chỉnh đồng hồ đúng cách:
– „Mùa đông có giấc ngủ đông“. Do đó, được ngủ nhiều hơn một tiếng, có nghĩa đồng hồ được vặn ngược lại.
– Mùa đông nhiệt độ âm (-), mùa hè nhiệt độ dương (+). Có nghĩa, mùa đông giờ được trừ đi 1 tiếng, mùa hè cộng thêm một tiếng.
Nguyên nhân của việc đổi giờ
Quy ước đổi giờ mùa Đông và mùa Hè chính thức được áp dụng tại đa số các nước châu Âu vào năm 1977, Đức tái áp dụng vào năm 1980. Lần đầu chính phủ Đức áp dụng quy ước này khi xảy ra chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1916, sau đó nước Anh và Ireland cũng nối gót. Từ năm 1947 đến 1949 nước Đức còn áp dụng „Giờ cao điểm mùa hè – Hochsommerzeit“, có nghĩa áp dụng quy ước này đến 2 lần trong năm, đồng hồ được chỉnh thêm 2 giờ nữa. Nguyên nhân áp dụng quy ước đổi giờ một phần do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng dầu năm 1973.
Ở những nước ôn đới như Đức, vào mùa Hè ngày dài, đến 9 giờ tối trời vẫn sáng, trong khi mùa Đông 4 giờ chiều trời đã tối. Do đó, áp dụng đổi giờ để sử dụng ánh sáng ban ngày hiệu quả hơn nhằm tiết kiệm năng lượng. Người đầu tiên đưa ra ý tưởng đổi giờ để tiết kiệm năng lượng là Benjamin Franklin trong một bức thư gửi đển „Tạp chí Paris“ vào tháng 4.1784. Tuy nhiên, mãi đến năm 1907, chủ đề này mới được William Willett đem ra thảo luận trong bài viết „Lãng phí ánh sáng ban ngày“. Theo ông, mọi người dành phần lớn thời gian buổi sáng để ngủ nên rất lãng phí ánh sáng. Ông đề xuất điều chỉnh đồng hồ sớm hơn vào mùa hè để mọi người ra khỏi giường hớm hơn. Ý tưởng của Willet được trình lên Hạ viện nhưng không được thông qua.
Ngay từ khi áp dụng, quy ước đổi giờ đã gặp nhiều tranh cãi. Theo Bộ Môi trường Liên bang, việc chỉnh đồng hồ là con dao hai lưỡi. Mặc dù có thể sử dụng nhiều ánh sáng ban ngày, tiết kiệm điện vào buổi tối, nhưng bù lại, buổi sáng phải sưởi nhiều hơn, đặc biệt vào các tháng lạnh như tháng 3,4, 10. Qua đó, năng lượng tiêu thụ thậm chí cao hơn.
Ảnh hưởng đến sức khỏe
Việc đổi giờ gặp nhiều tranh cãi, do ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của con người, gây ra hiện tượng Mini-Jetlag, một hiện tượng hay gặp sau khi đi máy bay đường dài, chẳng hạn sau chuyến bay từ Đức về Việt Nam do chênh lệch múi giờ. Thông thường, mất 2 đến 3 ngày để quen với giờ mới. Tuy nhiên, người già, trẻ em và những người bị rối loạn giấc ngủ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và có thể cần đến một tuần để thích nghi. Ngoài ra, việc thích nghi cũng phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi.
Theo kết quả thống kê năm 2015, 49,3% phụ nữ gặp vấn đề sức khỏe như rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, trong khi ở đàn ông chỉ có 35,2%. Trẻ nhỏ gặp nhiều rắc rối nhất, do đã quen với giờ ngủ và thức dậy cố định. Sau khi đổi giờ, trẻ thường mệt sớm hơn vào buổi tối và dậy sớm hơn vào buổi sáng.
Đến nay, một số nước quyết định từ bỏ giờ mùa đông khi nhận ra việc đổi giờ không mang lại nhiều lợi ích. Tháng 09.2016, Thổ Nhĩ Kì tuyên bố huỷ bỏ việc đổi giờ, áp dụng giờ mùa hè cho cả năm. Theo đó, vào mùa hè, Thổ Nhĩ Kì muộn hơn Đức một tiếng, còn mùa đông chênh nhau 2 tiếng.
Trần Trúc Quỳnh (tổng hợp)
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC