Tỷ lệ lạm phát của Đức trong tháng 6 đạt 7,6%, giảm nhẹ từ mức cao nhất trong vòng nửa thế kỷ là 7,9% trong tháng trước đó.
Theo các nhà phân tích, phần lớn nguyên nhân của tình trạng lạm phát hiện nay là hậu quả của cuộc xung đột Nga – Ukraine, khiến giá năng lượng và giá thực phẩm tăng vọt.
“Đang có thêm nhiều người phải tìm kiếm sự hỗ trợ. Họ vốn đã sống dựa trên trợ cấp an sinh xã hội, nhưng bây giờ số tiền ấy cũng không đủ để trang trải chi phí, nên họ đến Ngân hàng Thực phẩm để giảm bớt chi phí mua sắm thức ăn”, bà Barbara Schindler-Hofer, tình nguyện viên Ngân hàng Thực phẩm, chia sẻ.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Đức. (Ảnh: baden-wuerttemberg)
“Cần phải nhấn mạnh hơn nữa rằng chúng ta đang có một cuộc khủng hoảng xã hội kịch tính và cuộc khủng hoảng này sẽ ngày càng tồi tệ hơn trong những tháng tới. Chúng ta vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, đặc biệt là với lạm phát, thứ đang tác động rất mạnh đến những người thu nhập thấp.”, ông Marcel Fratzscher, Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức, nhận định.
Các tổ chức kinh tế và xã hội Đức đang đề xuất nhiều giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện nay lên người dân. Việc hỗ trợ cần được thực hiện nhanh chóng vì nhiều người thu nhập thấp khó có thể chờ đợi lâu hơn được nữa.
“Chúng ta sẽ phải giải quyết bài toán giá năng lượng và thực phẩm cao mang tính trường kỳ. Có khả năng rất lớn là vật giá sẽ không bao giờ hạ xuống mức trước khủng hoảng nữa. Điều đó có nghĩa là cần tăng vĩnh viễn trợ cấp an sinh xã hội đối với những người đã nghỉ hưu hoặc không có việc làm cũng như tiền lương cho người lao động”, ông Marcel Fratzscher, Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức, nhấn mạnh.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra, chính phủ Đức đã công bố nhiều gói hỗ trợ chi phí năng lượng, tuy nhiên theo các nhà phân tích, các gói hỗ trợ một lần hoặc chỉ kéo dài trong vài tháng là chưa đủ, mà cần các biện pháp mang tính dài hạn và có tác động lớn hơn.
Nguồn: VTV
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC