Đức thí điểm ‘mở cửa’ một số ngành nghề tiếp nhận lao động Việt Nam

Đức thí điểm ‘mở cửa’ một số ngành nghề tiếp nhận lao động Việt Nam

Đức sẽ thực hiện một chương trình thí điểm tuyển chọn đưa người lao động Việt Nam đã tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên, có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm tại một số ngành nghề được sang Đức làm việc.

Lao động Việt Nam sẽ có cơ hội sang làm việc ở Đức tại các ngành nghề: Công nghệ thông tin, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị nhà hàng, khách sạn. Đặc biệt, lao động nếu được tuyển chọn sẽ được hỗ trợ học tiếng Đức và không phải nộp các khoản chi phí.

1 Duc Thi Diem Mo Cua Mot So Nganh Nghe Tiep Nhan Lao Dong Viet Nam

Đây là nội dung chương trình “Hand in Hand for International Talents” do Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Cơ quan lao động Liên bang Đức và Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (Cộng hòa Liên bang Đức) vừa ký kết ngày 10/11.

Cơ hội tham gia chương trình phi lợi nhuận

Chương trình “Hand in Hand for International Talents” nhằm mục đích thí điểm tuyển chọn đưa người lao động Việt Nam đã tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên, có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm sang Đức làm việc. Đây là chương trình phi lợi nhuận, người lao động không phải nộp các khoản chi phí khi tham gia chương trình.

Đặc biệt, các ứng viên khi được tuyển chọn còn được phía Đức đài thọ chi phí học tiếng Đức tại Việt Nam tới trình độ B1, lệ phí xin thị thực, hỗ trợ chi phí công nhận văn bằng bởi các cơ quan có thẩm quyền tại Đức.

Các ứng viên sẽ được bố trí việc làm theo ngành tuyển dụng với mức lương lên tới 3.500 Euro/tháng, hưởng phúc lợi như người Đức tại cùng một vị trí làm việc và được làm việc lâu dài tại Đức.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan tin tưởng thông qua việc thực hiện thí điểm chương trình “Hand in Hand for International Talents,” hai bên Việt Nam và Đức sẽ tiến hành đánh giá về phương án hợp tác, các thủ tục và xây dựng quy trình tuyển chọn, phái cử công bằng, minh bạch cho người lao động có tay nghề được nhập cảnh làm việc tại Đức, phù hợp với pháp luật hiện hành của hai quốc gia.

“Chương trình có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần tạo cơ sở thuận lợi và bền vững cho việc mở rộng hợp đào tạo lao động có kỹ năng nghề với bằng cấp được hai bên công nhận và đưa lao động có tay nghề giữa Việt Nam-Đức trong tương lai,” Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan khẳng định.

2 Duc Thi Diem Mo Cua Mot So Nganh Nghe Tiep Nhan Lao Dong Viet Nam

Lễ ký kết ba bên theo hình thức trực tuyến Chương trình “Hand in Hand for International Talents”. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong những năm qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức (trước là Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức) tích cực triển khai các chương trình hợp tác trong lĩnh vực lao động, việc làm, đào tạo nghề và đạt được kết quả tốt đẹp.

Đức đánh giá cao lao động Việt Nam

Về phía Đức, ông Alexander Wilhelm, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế, Cơ quan lao động Liên bang Đức cho biết hiện nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề tại Đức tăng lên do nền kinh tế Đức đang đẩy mạnh phát triển lĩnh vực số hóa và hướng tới các mục tiêu khí hậu mới. Cùng với đó, sự thay đổi cơ cấu nhân khẩu học (già hóa dân số) cũng làm gia tăng tình trạng thiếu hụt nhân lực trẻ, trình độ cao.

[Phục hồi nhanh chóng sau COVID-19, xuất khẩu lao động ‘về đích’ sớm]

“Phía Đức đánh giá lao động Việt Nam chăm chỉ, cần cù và được các doanh nghiệp đánh gia cao. Việc hợp tác này phát huy năng lực, thế mạnh và mang lại những lợi ích thiết thực cho hai bên,” ông Alexander Wilhelm nói.

Ông Marko Walde, Giám đốc điều hành Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn chương trình “Hand in Hand for International Talents” sẽ tạo thêm cơ hội cho người lao động có tay nghề của Việt Nam có một công việc phù hợp chuyên môn với mức thu nhập ổn định và môi trường làm việc chuyên nghiệp tại Đức.

“Đây cũng là một trong những nỗ lực của Chính phủ Đức nhằm thu hút nhân lực từ nước ngoài cho thị trường lao động Đức,” ông Marko Walde cho biết thêm.

Tại Việt Nam, chương trình “Hand in Hand for International Talents” sẽ do Trung tâm Lao động ngoài nước triển khai thực hiện. Đơn vị này đã có bề dày kinh nghiệm trong việc triển khai các hoạt động về tuyển chọn, phái cử lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức phi lợi nhuận.

Từ năm 2015, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã giao Trung tâm Lao động ngoài nước đã phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vivantes – Diễn đàn cho người cao tuổi đã phái cử được gần 1.000 điều dưỡng viên sang học tập, làm việc tại Đức, góp phần vào kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Đức trong việc giao lưu phát triển nguồn nhân lực./.

Theo Vietnam+


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan