Theo msn.com, có 8 công ty tham gia dự án khổng lồ này, trong đó việc quản lý được giao cho Tập đoàn Femern A/S. Theo thiết kế, đường hầm gồm có 4 làn đường bộ và hai đường ray cho phép tàu hỏa, xe tải, xe khách và ô tô di chuyển giữa bán đảo Fehmarn ở Đức và thị trấn Rødby của Đan Mạch. Khi đường hầm đi vào hoạt động, người dân sẽ chỉ mất 10 phút để đi từ Fehman tới Rødby, nhanh hơn nhiều so với việc đi phà mất một giờ như hiện nay. Đường hầm cũng sẽ kết nối Hamburg (Đức) với Copenhagen (Đan Mạch) trong vòng chưa đầy 3 giờ, so với gần 5 giờ như hiện nay. Tham vọng của dự án không chỉ dừng lại ở đó. “Đường hầm là một phần của trục giao thông kết nối Scandinavia với Địa Trung Hải”, Lars Friis Cornett, đại diện Tập đoàn Femern A/S nhấn mạnh.
Mô hình đường hầm dưới biển nối Đức và Đan Mạch. Ảnh: msn.com
Không giống như các đường hầm dưới biển khác, chẳng hạn như đường hầm dưới biển Manche nối Anh và Pháp, đường hầm xuyên biển nối Đức và Đan Mạch sẽ không phải đào. Đây thực sự là một thách thức về mặt kiến trúc bởi vì các kỹ thuật viên sẽ cần xây dựng 89 đường hầm bê tông nhỏ, sau đó lắp ghép chúng ở độ sâu 35m. Mỗi đường hầm nhỏ có chiều dài 216m và nặng 72.000 tấn. Hai cửa hầm sẽ được xây dựng ngay tại một nhà máy gần bờ biển. Để vận chuyển các “mảnh” đường hầm đến vị trí của mình, Tập đoàn Fermen A/S đang chế tạo hai chiếc xuồng phao có kích thước khổng lồ.
Dự án xây dựng đường hầm dưới biển giữa Đức và Đan Mạch từng được đề cập từ năm 1990, nhưng các nghiên cứu mới chỉ bắt đầu vào năm 2018 do trước đó dự án vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía các hiệp hội môi trường, cư dân trên đảo, công ty phà ở hai nước này.
PHƯƠNG LINH
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC