Rất nhiều cha mẹ hy vọng có thể trở thành một người bạn của con trẻ, cũng không mong muốn con càng lớn càng rời xa mình. Nhưng với vai trò một “người bạn”, e rằng vẫn chưa thực sự thích hợp và quá sớm đối với trẻ nhỏ
Cậu bé Milan càng lúc càng khóc nháo, vừa khóc vừa đánh lung tung vào người cô giáo, nhất định đòi mở cửa để vào lớp. Tình huống trước cửa lớp lúc ấy thật hỗn loạn…
Dù chỉ là trải qua sau một tình huống này, nhưng cô giáo đã học được một bài học rất quan trọng về giáo dục trẻ nhỏ.
Dưới đây là câu chuyện nhỏ ấy, hy vọng sẽ hữu ích cho các bậc cha mẹ.
Cuối buổi sáng hôm ấy, theo lịch sinh hoạt hàng ngày, chúng tôi hỏi xem các bé trong lớp có muốn ra khuôn viên của trường chơi hay không. Mặc dù thời gian gần đây, thời tiết bắt đầu trở nên lạnh và ẩm ướt hơn, nhưng đa số các bé đều hào hứng muốn ra ngoài chơi.
Milan mới 3 tuổi, cũng giơ thẳng tay tán thành đi ra bên ngoài chơi, nhưng lúc ấy Milan không để ý rằng, Jonathan – người bạn chơi thân nhất với cậu thích ở lại trong phòng chơi ghép hình.
Sau khi đếm số lượng trẻ và sắp xếp giáo viên đi kèm quản lý xong, chúng tôi đưa các bé ra hành lang để chuẩn bị mặc áo khoác, bỗng Milan kêu to lên:
“Con không muốn đi ra ngoài! Con muốn ở lại chơi với Jonathan”.
Cô giáo Claudia ngồi xuống khuyên bảo Milan: “Milan, vừa rồi con đã quyết định đi ra ngoài chơi rồi, giờ phải đi thôi. Khi con chơi bên ngoài xong, trở lại con vẫn có thể chơi cùng bạn Jonathan mà”.
Nhưng Milan như thể không khống chế được cảm xúc của mình, bé vừa khóc lớn vừa đánh lung tung vào người cô giáo, nhất định đòi mở cửa để vào lớp chơi với Jonathan. Cô giáo Claudia đứng chắn trước cửa để không cho Milan chạy vào lớp, Milan càng gào khóc to hơn và càng đánh loạn xạ hơn. Tình huống trước cửa lớp lúc ấy thật hỗn loạn.
Thấy Milan khóc nháo ngay ngoài cửa, mà chỗ đó có gắn những đồ vật trang trí, tôi sợ Milan đụng trúng những vật này sẽ bị đau, liền đi tới dắt cậu bé rời xa cánh cửa. Milan lại càng đánh loạn xạ vào tôi, tôi đỡ Milan đứng lại cho nghiêm chỉnh và nghiêm nghị nói: “Cô biết con rất tức giận, bởi vì con muốn ở lại trong lớp chơi với bạn. Nhưng mà chính con đã quyết định ra ngoài chơi, cho nên bây giờ cần phải ra ngoài chơi, con hiểu không? Cần phải ra ra ngoài chơi”.
Milan vẫn tiếp tục khóc, nhưng vài giây sau, cậu bé gọi to: “Cô Claudia, Cô Claudia”. Tôi hỏi: “Con cần cô Claudia giúp mặc áo khoác sao?”. Milan không trả lời mà vẫn gọi “Cô Claudia, Cô Claudia …”.
Cậu bé Milan ương bướng. (Ảnh minh họa: stern.de)
Claudia nghe vậy liền nói với Milan: “Được rồi, Milan đến đây cô giúp con mặc áo khoác”.
Nhưng khi Milan vừa mới đi tới bên cạnh Claudia, tình cảnh hỗn loạn của mấy phút trước lại diễn ra, Milan lại vừa gào khóc, vừa vung tay chân loạn xạ đòi mở cửa vào lớp. Lúc này Claudia đành cười trừ và nói với tôi: “Bây giờ tôi hiểu vì sao Milan chọn tôi để khóc nháo rồi. Bởi vì so với cô, thì tôi là người dễ bắt nạt hơn, tôi là người dễ có khả năng để cậu bé quay vào lớp học hơn. Milan thật là biết chọn người”.
Vì tôn trọng mỗi giáo viên và phương pháp xử lý của mỗi giáo viên đối với trẻ, cho nên, cho dù tôi là người quản lý ở ngôi trường này, cũng không thể dễ dàng chủ động nhúng tay can thiệp vào tình huống khi giáo viên đang giáo dục trẻ. Nhưng ở tình huống này, nếu cứ tiếp tục với cậu bé Milan, thì sẽ tốn hết thời gian chơi bên ngoài của các bé khác. Cho nên tôi đành đề nghị với Claudia: “Bây giờ tôi sẽ dẫn các bé khác ra khuôn viên bên kia chơi, cần tôi giúp việc gì thì cứ việc gọi nhé”.
Claudia nói: “Thằng bé thực sự chỉ gây sự khóc nháo với tôi thôi, mà không dám như thế đối với cô. Thật làm phiền cô quá, nhờ cô giúp tôi cùng dẫn bọn trẻ qua khuôn viên chơi vậy”.
Lúc này, Milan lại ngồi ỳ trên mặt đất. Bình thường khi dẫn các bé ra ngoài chơi, các bé đã 2-3 tuổi đều có thể tự đi không cần phải ngồi xe đẩy. Nhưng hôm nay Milan nháo xong, ngồi lì trên mặt đất, cho nên chúng tôi đành đặt cậu lên xe đẩy và đẩy đi. Dọc đường đi, Milan kêu khóc không ngừng, nhưng vừa mới bước vào khu vui chơi ở khuôn viên, cậu bé lập tức nhảy xuống khỏi xe đẩy, cười hì hì với tôi rồi tung tăng chạy chơi đùa với các bạn.
Claudia đi đến nói với tôi: “Bây giờ cậu ấy chẳng phải rất vui vẻ sao? Không biết vừa rồi khóc nháo cái gì nữa?”
Không thể để cho trẻ dùng cảm xúc lấn át nguyên tắc
Tôi cười nói: “Milan không phải là không muốn ra ngoài chơi đâu, cậu mới đầu đã chọn ra ngoài chơi chứ không ở lại trong lớp. Cậu bé phản ứng như vậy là do thấy bạn thân của mình là Jonathan không có cùng đi mà thôi. Ở tuổi này, cảm xúc của trẻ thường thay đổi, chuyển biến rất nhanh và rất mạnh mẽ. Nếu chúng ta cứ thuận theo cảm xúc của trẻ, chiều theo trẻ, như vậy không phải là tôn trọng trẻ, mà là dung túng cho trẻ. Hãy để cho trẻ học cách khống chế và làm chủ cảm xúc của mình. Vì vậy, cho dù cần huy động thêm giáo viên, thì tôi cũng sẽ đưa cậu bé đi”.
Claudia nói: “Tôi có một chút thắc mắc khó hiểu. Tôi cảm thấy tôn trọng trẻ chính là không nên ép buộc chúng làm những việc trái với ý muốn của chúng. Tôi cũng hy vọng bọn trẻ sẽ thích và gần gũi tôi hơn, cho nên khi bọn trẻ ăn cơm nhưng không chịu ngồi yên trên ghế, hoặc là cầm lấy muỗng gõ loạn xạ lên, thì tôi không biết là nên hay không nên ngăn cấm chúng làm như vậy, mà ngăn cấm chúng cũng không có hiệu quả”.
Không thể để cho trẻ dùng cảm xúc lấn át nguyên tắc. (Ảnh minh họa: besmartforkids.org)
Tôn trọng trẻ, nhất định phải có giới hạn
Tôi nói: “Sự việc của Milan ngày hôm nay đã nói lên một vấn đề, đó chính là sự quan sát của bọn trẻ đối với cô, cô Claudia ạ. Giữ thái độ ôn hòa dịu dàng với trẻ là cần thiết, nhưng ôn hòa dịu dàng không có nghĩa là để cho trẻ muốn gì được nấy. Tôn trọng mong muốn của trẻ không có nghĩa là cái gì cũng đồng ý với trẻ. Ví dụ như khi một đứa trẻ 3 tuổi ăn cơm, vẫn không thể ngồi yên được 15 – 20 phút. Những lúc ấy, cô không cần la hay mắng chúng, mà chỉ cần cô nói cho trẻ biết nguyên tắc của việc ngồi ăn cơm là ngồi yên trên ghế cho đến khi ăn xong mới được đứng dậy. Nếu trẻ cứ chạy ra khỏi ghế ăn, thì cô nhẹ nhàng đưa trẻ trở về ghế ngồi, một lần không được thì nhiều lần, thậm chí có thể là 20 lần, dần dần trẻ sẽ hiểu ngồi ở ghế để ăn cơm là nguyên tắc mà cả lớp học ai cũng phải tuân theo. Chỉ cần trong vòng một tuần lễ là trẻ sẽ biết ăn cơm phải ngồi trên ghế”.
Tôi nói tiếp với Claudia: “Cô nên nhớ, tôn trọng trẻ mà không có giới hạn, không có nguyên tắc, thì sẽ không làm cho trẻ hiểu được thế nào là tôn trọng”.
“Trẻ nhỏ thực sự cần có những nguyên tắc rõ ràng và thực tế. Nếu để bồi dưỡng cảm giác an toàn, mà cô không đặt ra những giới hạn, thì trẻ đương nhiên sẽ ngày càng lấn lướt và đòi hỏi nhiều hơn. Cô đã bao giờ thấy một đứa trẻ phun nước bọt hoặc đánh cha mẹ chưa? Kỳ thực, những đứa trẻ có hành vi như vậy là do trong lòng chúng có ẩn chứa sự bất an, bởi vì chúng không biết những hành vi nào bị giới hạn, bị ngăn cấm. Cho nên, chúng phải gây nháo càng lúc càng hung hăng, nhằm tìm ra giới hạn của cha mẹ”.
Nhẹ nhàng nhưng phải kiên định trong việc tôn trọng ý muốn của trẻ
Nghe vậy, Claudia càng nhìn tôi chăm chú hơn, và nói: “Chỉ một việc làm hài lòng đứa trẻ thôi, mà đằng sau lại ẩn chứa nhiều vấn đề như vậy sao”.
Tôi nói: “Đúng vậy, như sự việc của Milan hôm nay, thực ra mà nói là không phải không thể cho cậu bé quay vào trong lớp. Vấn đề là chúng ta cần phải có nguyên tắc, và cũng phải giáo dục cho trẻ nguyên tắc. Ban đầu, chúng ta đã hỏi ý muốn của cậu bé, chính cậu bé muốn đi ra ngoài chơi. Nếu chỉ vì cậu bé đổi ý, khóc nháo để được vào lại lớp học, và chúng ta chiều theo ý cậu bé, thì khoảng nửa giờ sau, cậu lại cảm thấy ở trong lớp thật nhàm chán, lại khóc nháo đòi ra ngoài thì sao? Trước khi tôn trọng ý muốn của trẻ, cần phải xác định xem có mâu thuẫn với nguyên tắc hay không đã, đến lúc đó, cô tự nhiên sẽ biết cách xử lý như thế nào”.
Claudia nói: “Tôi hiểu rồi, cần phải như cô nói: nhẹ nhàng nhưng phải kiên định”.
Tôi lại nói: “Milan biết được rằng, giữa nguyên tắc và tôn trọng, cô thường hay có sự lẫn lộn, vì vậy cậu bé chỉ cần khóc nháo lên với cô là được”.
Giữa nguyên tắc và tôn trọng, Claudia thường có sự lẫn lộn. (Ảnh minh họa: jocuricubile.us)
Trước 6 tuổi, trẻ cần được giáo dục chính là nguyên tắc
Khi tôi và Claudia cùng các giáo viên khác dẫn lũ trẻ quay trở lại lớp học, một giáo viên ở lại quản lý lớp đi đến và hỏi chúng tôi: “Milan sao rồi? Lúc nãy, tôi ở trong lớp nghe cậu bé khóc lóc, cũng định mở cửa ra nói là tôi có thể trông cậu bé trong lớp học, nhưng lại cảm thấy làm như vậy thì sẽ phá vỡ nguyên tắc, như vậy sẽ tạo điều kiện cho cậu bé ngày càng hư hỏng, cho nên vẫn không đi ra ngoài, để cho các cô tự xử lý”.
Claudia cười nói: “Cũng may mà cô không đi ra giúp đỡ, nếu không tôi sẽ không học được một bài học quan trọng như vậy”.
Rất nhiều cha mẹ hy vọng có thể trở thành một người bạn của con trẻ, cũng không mong muốn con càng lớn càng rời xa mình. Nhưng với vai trò một “người bạn”, e rằng vẫn chưa thực sự thích hợp và quá sớm đối với trẻ nhỏ. Bởi vì cha mẹ phải có trách nhiệm giáo dưỡng con trẻ, và khi trẻ đã thực sự học được cách kính trọng cha mẹ, thì trẻ sẽ không thể xem cha mẹ đơn thuần là bạn bè của mình.
Theo cmoney.tw
Minh Phúc biên dịch
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC