Griesheim: thành phố vui chơi cho trẻ đầu tiên ở Đức

Khái niệm “sân chơi thành phố” thường được hiểu là khu vui chơi của trẻ ở thành thị, giúp chúng có thể thỏa sức nô đùa trong một không gian an toàn, sinh động, hấp dẫn với nhiều trò.

Không chỉ vậy, lần đầu tiên một thị trấn nhỏ ở Nam nước Đức đã phát triển sân chơi đô thị mở giúp trẻ nhỏ vui chơi khắp phố phường.

Griesheim: thành phố vui chơi cho trẻ đầu tiên ở Đức - 0

Trong thế giới hiện đại, sân chơi cho trẻ em, đặc biệt là ở đô thị ngày càng khan hiếm, không gian công cộng bị thu hẹp theo cấp số nhân. Ngay cả không gian vỉa hè cho phép trẻ ra khỏi nhà đi bộ trên những con đường để tham gia hoạt động thể chất cũng khá đơn điệu. Khái niệm “sân chơi thành thị” ngày càng được biết đến rộng rãi và cần thiết đối với quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Không chỉ vậy, quan điểm “playable city” (tạm dịch: thành phố có thể vui chơi) cũng được hình thành với nỗ lực nhằm khôi phục không gian công cộng cho trẻ nhỏ, mang đến sự hấp dẫn để tăng cường khả năng di chuyển, vận động thể chất.

Tại Griesheim ở Hessen, Đức đã thực hiện ý tưởng trên với mục tiêu biến cả thị trấn thành một sân chơi. Trường học, khu vực trẻ sinh sống và sân chơi được liên kết với nhau thông qua một mạng lưới các con đường an toàn. Những tuyến đường này sẽ được bổ sung nhiều thiết bị vui chơi khác.

Tất nhiên, để mô hình sân chơi thân thiện này thành hiện thực cần có sự đồng ý và đóng góp quan trọng của Thị trưởng của Griesheim, Norbert Leber. Ông đã ủng hộ, tham gia vào quá trình phát triển đô thị kể từ khi nhậm chức, năm 1987. Ngoài ra còn có sự đóng góp lớn lao của Giáo sư Bernhard Meyer, thuộc Đại học Khoa học Ứng dụng ở Darmstadt. Ông đã nghiên cứu và phát triển sân chơi cho trẻ nhỏ từ năm 1980, khẳng định đó là không gian không thể thiếu để phát triển một đô thị bền vững.

Griesheim: thành phố vui chơi cho trẻ đầu tiên ở Đức - 1

Điểm khởi đầu để thực hiện dự án là thu hồi không gian công cộng cho trẻ nhỏ. Tham vọng này được thị trưởng ở Griesheim, chính quyền và quản lý trường học ủng hộ. Vì vậy, thông qua những lần “du ngoại” của Leber , dự án đã phát triển khá thuận lợi, đặc biệt có sự khảo sát ý kiến cư dân thị trấn. Những đứa trẻ được cung cấp bảng, phấn để đánh dấu đường đi từ nhà đến trường. Qua đó cho thấy, những khu vực chúng thường lui tới sau khi rời khỏi trường và nhà là sân bóng đá, các cửa hàng, siêu thị.

Thị trưởng đồng ý bỏ ra 101 tuyến đường với những nét độc đáo khác nhau để tạo không gian vui chơi cho trẻ nhỏ. Ở đây, nhiều thiết bị vui chơi được đặt ngay tại các vỉa hè: dầm nhảy, dây leo trèo, đĩa quay, quả cầu, bóng, ván lướt sóng, các khúc gỗ….Giáo sư Meyer cho biết: “Nhờ vào hơn 100 đồ chơi, không gian của các sân chơi rất thú vị, trẻ nhỏ có thể chơi theo cách của chúng”.

Vì vậy, ngoài 101 tuyến đường được tạo thành sân chơi, thị trưởng đã phát triển 25 sân chơi công cộng riêng biệt cho trẻ nhỏ, biến Griesheim trở thành thị trấn đầu tiên trẻ có thể vui chơi khắp mọi ngóc nghách. Trong cuộc khảo sát 850 trẻ nhỏ tiểu học thấy, 75% bé đánh giá dự án là một cải tiến tích cực cho thị trấn, giúp các em cảm thấy vui vẻ hơn, ít ở nhà tiếp xúc với đồ công nghệ hơn. Giáo sư Meyer cho rằng: “Sáng kiến này đã giúp Griesheim thân thiện hơn với trẻ”.

Tiêu chí của dự án không chỉ tạo ra một không gian vui tươi cho trẻ mà còn linh hoạt. Một buổi chiều của mỗi tháng, một con đường sẽ không có ôtô, an toàn để trẻ tiếp cận, vui chơi. Chúng có thể leo trèo, đá bóng, chạy nhảy thoải mái khi không phải đến trường. Mô hình này sẽ giúp Griesheim trở thành đô thị đông dân có nhiều không gian mở, giúp gia đình kết nối với nhau nhiều hơn.

Tất nhiên, mô hình này đã nhận được một vài ý kiến phàn nàn, bày tỏ sự không hài lòng của người dân khi các thiết bị vui chơi của trẻ đặt ngay trước cửa phòng, gần cổng của họ. Một số khác lo lắng về tiếng ồn khi lũ trẻ vui chơi, hay sự phá đám của thanh niên vào ban đêm. Tuy nhiên, Thị trưởng cho rằng: “Điều thực sự cần thiết cho Griesheim là xây dựng thành phố thông minh vì lợi ích của con cái, chứ không phải những giải pháp ngắn hạn, bất cập nhỏ nhặt”.

 


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan