Hệ thống an sinh xã hội tại Đức: Những điều cần biết

Hệ thống an sinh xã hội tại Đức: Những điều cần biết

Hệ thống an sinh xã hội tại Đức bao gồm các chính sách và chương trình do Nhà nước và các lực lượng xã hội thực hiện. Mục đích chính của an sinh xã hội là bảo đảm cho mọi người dân ít nhất có được mức thu nhập tối thiểu, cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nhà ở, hưu trí, thất nghiệp…

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát hơn về hệ thống an sinh xã hội tại Đức và những quyền lợi cơ bản mà người dân sinh sống hợp pháp được hưởng.

1 He Thong An Sinh Xa Hoi Tai Duc Nhung Dieu Can Biet

Khái quát về hệ thống an sinh xã hội tại Đức

Việc tham gia bảo hiểm an sinh xã hội là bắt buộc với mỗi công dân sinh sống làm việc tại Đức thông qua việc đóng thuế. Chi phí an sinh xã hội được đóng dựa theo tỷ lệ thu nhập cố định của mỗi công dân. Chủ lao động cũng sẽ tham gia chi trả một phần bảo hiểm an sinh xã hội cho người lao động. Cụ thể theo luật định, việc đóng góp bảo hiểm xã hội chiếm 14.6% mức thu nhập của người lao động. Trong đó, người lao động phải trả 7.3% và chủ doanh nghiệp phải trả 7.3%. Mục tiêu chính của bảo hiểm xã hội là hỗ trợ, bảo vệ người dân chống lại bệnh tật, thất nghiệp và trợ cấp hưu trí khi về già.

Người dân tham gia bảo hiểm sẽ được cung cấp thẻ an sinh xã hội (Sozialversicherungsausweis) và số an sinh xã hội (Sozialversicherungsnummer). Bạn sẽ phải cấp số an sinh xã hội cho chủ doanh nghiệp mỗi khi chuyển việc. Nếu mất thẻ an sinh xã hội, bạn có thể yêu cầu thẻ mới từ cơ quan bảo hiểm hưu trí Đức. Ngoài ra sở lao động liên bang cũng hỗ trợ, tư vấn và tạo điều kiện để công dân tìm việc làm.

Các loại bảo hiểm trong hệ thống an sinh xã hội tại Đức

Khi tham gia hệ thống an sinh xã hội Đức, bạn sẽ là thành viên của 5 chương trình bảo hiểm theo luật định sau:

  • Bảo hiểm thất nghiệp – Arbeitslosenversicherung (ALV): cung cấp thu nhập cho người thất nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định, với điều kiện trong vòng 2 năm bạn phải có ít nhất 1 năm làm việc và đóng bảo hiểm an sinh xã hội.
  • Bảo hiểm y tế theo luật định – Gesetzliche Krankenversicherung (GKV): thanh toán chi phí cho các lần khám bác sỹ cũng như chi trả tiền thuốc, tiền viện phí điều trị bệnh.
  • Bảo hiểm chăm sóc dài hạn – Pflegeversicherung (PV): cung cấp bảo hiểm cơ bản trong trường hợp bệnh tật cần chữa trị lâu dài, bảo hiểm này thường chủ yếu dành cho người già,
  • Bảo hiểm hưu trí của Đức – Deutsche Rentenversicherung (RV): trả lương cho người lao động sau khi họ về hưu. Mức lương hưu phụ thuộc vào thu nhập và số năm làm việc ở Đức.
  • Bảo hiểm tai nạn theo luật định – Gesetzliche Unfallversicherung (UV): giúp chi trả các chi phí điều trị y tế và tái hòa nhập công việc sau khi gặp tai nạn tại nơi làm việc hoặc trong trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp.

Riêng đối với bảo hiểm y tế, người lao động được quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho mình tại Đức. Chi phí chi trả bảo hiểm y tế bởi các nhà cung cấp gần như là như nhau tuy nhiên mỗi công ty bảo hiểm đôi khi sẽ có các chương trình ưu đãi khác nhau để người lao động có thể lựa chọn. Một số công ty bảo hiểm vẫn yêu cầu một khoảng đóng góp bổ sung, khoản này sẽ được chi trả bởi người lao động. Ví dụ mức đóng góp bổ sung trong năm 2022 là 1,2%/năm đối với bảo hiểm TK-Krankenkasse. Lựa chọn bảo hiểm tư hay bảo hiểm công dựa trên nhiều tiêu chí và nhu cầu cá nhân nên cần xem xét để tìm được loại bảo hiểm phù hợp.

Du học sinh vẫn được hưởng bảo hiểm an sinh xã hội tại Đức

Không chỉ người lao động mà ngay cả du học sinh khi lần đầu tiên đặt chân đến Đức cũng sẽ được cấp mã số thuế và số an sinh xã hội sau khi đăng ký cư trú (anmelden). Những thông tin này sẽ được lưu trữ vĩnh viễn trong hồ sơ kể cả khi bạn về Việt Nam và nhiều năm sau quay lại Đức.

Thông thường khi xin visa sang Đức hay gia hạn thẻ cư trú tại Đức, đại sứ quán sẽ yêu cầu bạn chứng minh đã mua bảo hiểm y tế. Đây cũng chính là điều kiện bắt buộc khi du học đại học cũng như du học nghề tại Đức.

Đối với chương trình du học nghề vừa học vừa làm, các bạn sẽ tự động tham gia toàn diện vào hệ thống an sinh xã hội tại Đức và hưởng các quyền lợi đặc biệt của hệ thống này. Chẳng hạn trong thời gian dịch COVID-19, nhiều du học sinh du học nghề không đi học, đi làm nhưng vẫn được chủ doanh nghiệp khai xin trợ cấp từ nhà nước và nhận trợ cấp lên đến 60% lương. Đây là một lợi thế vô cùng lớn so với hình thức du học đại học.


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan