Hơn 90% người Đức cắt giảm chi tiêu do lạm phát và “bão giá”

Hơn 90% người Đức cắt giảm chi tiêu do lạm phát và “bão giá”

Theo khảo sát với 1.003 người được hỏi, có 75% người Đức cho biết lạm phát ảnh hưởng “nhiều” hoặc “rất nhiều” đến hạnh phúc của họ và chỉ 9% người được hỏi cho biết họ không cắt giảm chi tiêu.

Công dân Đức bắt đầu tiết kiệm quần áo và thực phẩm, thư giãn trong các quán bar, các hoạt động văn hóa và các chuyến đi bằng ô tô.

Ngoài ra, tình hình tài chính xấu đi được một nửa số người tham gia khảo sát ghi nhận với 42% không thấy bất kỳ thay đổi nào, trong khi 7% số người tham gia nghiên cứu lưu ý rằng tình hình tài chính của họ đã được cải thiện. Đồng thời, có 46% người được hỏi thừa nhận rằng họ đã hoãn các giao dịch mua lớn.

1 Hon 90 Nguoi Duc Cat Giam Chi Tieu Do Lam Phat Va Bao Gia

Theo Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis), từ sau khi căng thẳng Nga-Ukraine nổ ra, giá hàng hóa nhập khẩu vào Đức đã tăng mạnh, khiến tỷ lệ lạm phát liên tục ở mức rất cao.

Số liệu từ Destatis cho thấy, trong tháng 5/2022, giá hàng hóa nhập khẩu vào Đức tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trước đó, trong tháng 3 và tháng 4/2022, giá nhập khẩu tăng lần lượt là 31,2% và 31,7%.

Chi phí nhập khẩu tăng mạnh khiến giá cả tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh. Trong tháng 5/2022, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế đầu tàu châu Âu tăng lên mức kỷ lục 7,9%, trong khi tháng 6/2022, tỷ lệ này dù có giảm đôi chút (7,6%) nhưng vẫn rất cao.

Theo Destatis, tỷ lệ lạm phát tháng 6/2022 giảm chủ yếu là do chính sách giảm giá nhiên liệu và cung cấp vé phương tiện công cộng 9 euro/tháng của Chính phủ Đức. Nhưng chính sách này sẽ hết hiệu lực từ đầu tháng Chín tới. Do đó không loại trừ lạm phát tiếp tục tăng.

Destatis cho rằng yếu tố chính thúc đẩy giá nhập khẩu chung tăng mạnh vẫn là năng lượng.

Trong tháng 5/2022, giá năng lượng nhập khẩu tăng bình quân 143,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó giá khí đốt tự nhiên tăng 235,6% (cao gấp 3 lần so với tháng 5/2021), than tăng 332,6%, các sản phẩm dầu mỏ tăng 104,6% và dầu thô tăng 80,2%.

Nếu không tính năng lượng, giá nhập khẩu tháng 5/2022 tăng 16,6% so cùng kỳ năm 2021 và cao hơn 0,6% so với tháng 4/2022.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng có thể xảy ra trong thời gian tới. Ông Lindner cho rằng, do xung đột tại Ukraine, nước Đức phải đối mặt với một giai đoạn hết sức khó khăn; “một tình huống rất đáng lo ngại” có thể xuất hiện trong vài tuần hoặc vài tháng tới.

Bộ trưởng Lindner cảnh báo nền kinh tế đầu tàu châu Âu có nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng do giá năng lượng tăng mạnh, các vấn đề về chuỗi cung ứng và lạm phát.

Theo Vietnamnet


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan