Hơn một nửa khu vực Eurozone lạm phát ở mức 2 con số, Đức cao kỷ lục 10,4%.
“Ở mức 10,4%, tỷ lệ lạm phát đã đạt mức cao nhất mọi thời đại kể từ khi nước Đức thống nhất,” người đứng đầu cơ quan thống kê, Tiến sĩ Georg Thiel, cho biết.
Theo ông Thiel, các sản phẩm năng lượng tăng mạnh về giá cả tiếp tục là nguyên nhân chính cho lạm phát gia tăng khó kiểm soát.
Dữ liệu cho thấy giá năng lượng vào tháng 10/2022 cao hơn 43% so với cùng thời điểm năm ngoái, với mức tăng giá đặc biệt lớn đối với năng lượng gia dụng khi tăng 55%. Giá khí đốt tự nhiên tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái, tăng 109,8%.
Bên cạnh đó, giá lương thực tăng trưởng mạnh nhất, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái, với mức giá cao hơn ở tất cả các nhóm thực phẩm. Nếu loại trừ giá năng lượng, tỷ lệ lạm phát ở Đức đạt mức 6,5%. Nếu loại trừ cả năng lượng và lương thực, lạm phát tại Đức vẫn ở mức 5%.
So với tháng 9, giá năng lượng tăng 3,4% và giá lương thực tăng 1,3%.
Với tỷ lệ lạm phát cao như hiện nay, Văn phòng thống kê Liên bang Đức dự báo kinh tế Đức sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 1,4% năm 2022, 0,4% năm 2023 và sau đó có thể tăng lại mức 1,9% năm 2024.
Tuy nhiên, Văn phòng thống kê Liên bang Đức cũng không loại trừ kịch bản kinh tế Đức có thể rơi sâu vào suy thoái năm tới nếu khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng hơn tính toán.
Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu nên tỷ lệ lạm phát cao tại Đức chắc chắn sẽ có tác động mạnh đến kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu. Lạm phát hàng năm của khu vực đồng Euro dự kiến sẽ là 10,7% vào tháng 10/2022, tăng từ mức 9,9% trong tháng trước.
Bên cạnh đó, Ý chứng kiến mức tăng giá hàng tháng lớn nhất, với lạm phát tăng từ 9,4% trong tháng 9 lên 12,8% vào tháng 10.
Hơn một nửa số nước khu vực đồng euro ghi nhận tỷ lệ lạm phát hai con số trong tháng 10, bao gồm Đức 11,6%, Bỉ 13,1% và Hà Lan 16,8%. Pháp có tỷ lệ thấp nhất, ở mức 7,1%.
Theo vietnamfinance.vn
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC