Để đối phó với nạn lạm phát, đồng thời hạn chế tác động của hiện tượng giá nhiên liệu và khí đốt tăng mạnh, chính phủ Đức từ đầu tháng 06/2022 đã thông qua gói hỗ trợ tiêu dùng.
Người dân sống tại Đức được khuyến khích sử dụng càng nhiều phương tiện giao thông công cộng càng tốt. Trong suốt mùa hè, tức từ tháng 6 cho đến 31/08/2022, dân Dức chỉ cần chi 9 euro (mỗi tháng) để mua vé đi lại, rồi sau đó có thể sử dụng bao nhiêu lần cũng được, đi khắp mọi nơi nhân dịp hè nếu có thời gian và nhu cầu tham quan. Để tài trợ chương trình bán vé 9 euro mỗi tháng, nước Đức đã chi khoảng 2 tỷ rưỡi euro, trong 3 tháng hè năm 2022.
Theo tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor, do kế hoạch hỗ trợ tiêu dùng này được mở rộng cho mọi đối tượng chứ không chỉ dành riêng cho dân Đức, cho nên đã có hơn 5 triệu lượt khách nước ngoài đã hưởng lợi từ chương trình gọi nôm na là ”mua vé 9 euro”, nhiều nhất là tại các thành phố lớn như Berlin, Munchen hay Frankfurt, với số lượng khách ngủ lại qua đêm từ 2 triệu đến 3 triệu rưỡi người. Khoản tiền tiết kiệm từ chuyện mua vé đi lại được dùng trong các khâu khác như lưu trú, ăn uống hay mua sắm. Tính trung bình, khách nước ngoài chủ yếu là Âu-Mỹ đến Đức nhân dịp hè, chi khoảng 1.320 euro mỗi người, tức cao hơn 25% so với mức chi tiêu của người Đức khi họ du lịch châu Âu.
Một cách cụ thể, bất kỳ ai đến Đức đều có thể mua vé đi lại với giá 9 euro một tháng để sử dụng toàn bộ mạng lưới giao thông công cộng của Đức cho tới ngày 31/08/2022. Vé có thể được mua trên mạng, qua ứng dụng của các công ty giao thông công cộng hay tại các trạm xe có quầy hoặc máy bán vé tự động. Thời hạn sử dụng của vé là một tháng, nếu mua đầu tháng 08/2022, vé có giá trị cho đến cuối tháng. Nếu mua vào giữa tháng hay cuối tháng, giá vé vẫn là 9 euro, nhưng vẫn có lợi hơn là mua vé lẻ, nếu khách dùng loại vé thông thường buộc phải mua nhiều vé cùng lúc để có thể đi lại nhiều lần trong ngày, trong khi vé tháng 9 euro không hạn chế số lượt sử dụng. Giá vé lẻ hiện thời ở thành phố Munchen là 3,5 euro, vé dùng trong 24 giờ ở thủ đô Berlin là 8,8 euro, vé có thể sử dụng khắp nước Đức nội trong một ngày là 42 euro.
Một khi đã mua vé 9 euro, khách có thể sử dụng tất cả các phương tiện giao thông công cộng ở Đức gồm tàu điện ngầm, xe bus, tramway, các tuyến xe lửa trên toàn hệ thống đường sắt của Đức. Tuy nhiên, loại vé này không có giá trị đối với các chuyến tàu cao tốc. Khách nước ngoài khi muốn di chuyển nhanh giữa các thành phố lớn buộc phải mua thêm vé tàu cao tốc như ICE, Thalys hay Flixtrain … Điều quan trọng đối với khách nước ngoài, do không có nhiều thời gian, cho nên họ vẫn ưu tiên di chuyển bằng tàu cao tốc. Trong trường hợp khách có nhiều ngày để tham quan và không ngại dùng các chuyến tàu khá chậm, họ vẫn có thể dùng các chuyến tàu ”địa phương”, đi liên tỉnh có thể mất nửa ngày. Tuy nhiên, đa số khách nước ngoài vẫn thích di chuyển giữa Berlin, Munchen, Cologne, Hamburg hay Frankfurt bằng vài giờ đi tàu cao tốc. Do vậy, đa số du khách kết hợp cả hai, di chuyển nhanh và xa với tàu cao tốc, di chuyển với mục đích xem thắng cảnh trong vùng trên các tuyến đường sắt dài hơn 350 cây số, bằng giá vé 9 euro.
Đức bán được 41 triệu vé 9 euro nhân dịp hè
Theo trang thông tin Voyages d’Affaires, chương trình của Đức áp dụng một giá duy nhất cho toàn bộ mạng lưới giao thông công cộng, đã gặt hái được nhiều thành quả bất ngờ. Mặc dù trong những ngày đầu, đã có nhiều xáo trộn trục trặc do lượng hành khách mua vé 9 euro quá đông, trong khi ngành giao thông công cộng đã không kịp huy động đội ngũ nhân viên hùng hậu để hướng dẫn thông tin, phục vụ hành khách. Tuy nhiên, nhìn chung, chương trình này đã đem lại nhiều kết quả đáng phấn khởi, trong đó có việc cải thiện tình trạng tắc đường tại các vùng đô thị lớn ở Đức.
Theo dữ liệu của công ty chuyên về giao thông và thiết bị định vị TomTom, tình trạng tắc đường vào giờ cao điểm đã giảm trong 6 tuần lễ đầu mùa hè tại 85% các vùng đô thị ở Đức. Nói cách khác, cứ trên 10 thành phố lớn ở Đức, có đến 8 thành phố bớt tắc nghẽn giao thông khi bắt đầu áp dụng chương trình giá vé 9 euro một tháng. Về điểm này, dĩ nhiên có yếu tố tâm lý : giá xăng dầu tăng cao khiến nhiều dân Đức ít dùng xe hơi để đi làm, họ dùng hệ thống giao thông công cộng hoặc sắp xếp thời gian làm việc thêm ở nhà.
Giá vé 9 euro cũng làm tăng thêm hơn 40% số người di chuyển bằng tàu điện hay xe lửa, nhất là vào những ngày cuối tuần. Trong những khoảng cách dưới 150km, dân Đức thường dùng xe hơi cá nhân, nhưng trong mùa hè này đã có thêm nhiều người chọn di chuyển bằng xe lửa. Hẳn chắc, nước Đức còn cần thêm nhiều biện pháp khác nữa để khuyến khích người dân từ bỏ dần thói quen đi xe hơi để chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Ngoài vấn đề lạm phát, giá nhiên liệu cao còn có thêm yếu tố tiết kiệm thời gian đi lại hàng ngày. Tính tổng cộng, Đức đã bán 21 triệu vé 9 euro trong tháng 6, 10 triệu vé trong tháng 7 và 10 triệu vé khác trong tháng 8.
Cũng theo trang thông tin Voyages d’Affaires, trước thành công của chương trình vé đi lại 9 euro một tháng, nước Đức đang nghiên cứu một giải pháp thay thế khác hầu duy trì một giá cả hợp lý hầu khuyến khích dân Đức tiếp tục dùng hệ thống giao thông công cộng sau mùa hè năm nay. Giá vé 9 euro được áp dụng cho đến cuối tháng 8/2022. Kể từ đầu tháng 9 trở đi, nước Đức tính đến chuyện hỗ trợ người tiêu dùng với một giá vé duy nhất, mua cho cả năm hay mua hàng tháng.
Châu Âu quan tâm đến mô hình tổ chức của Đức
Chương trình bán vé 9 euro, bất kể người mua là dân Đức hay khách nước ngoài, đã buộc Nhà nước Đức lấy 2,5 tỷ euro từ ngân quỹ liên bang. Rất ít khả năng là giá vé đi lại được duy trì sau hè ở mức 9 euro. Chính phủ Đức hiện đang nghiên cứu tính khả thi của bước làm kế tiếp : một vé mua cho cả năm và không hạn chế sử dụng với giá 365 euro (tức mỗi ngày một euro). Giải pháp thứ nhì là vé mua hàng tháng, với giá 29 euro, và có thể thấp hơn một chút khi có những mùa nghỉ lễ để khuyến khích dân tiết kiệm năng lượng, dùng hệ thống giao thông công cộng với giá phải chăng.
Tại châu Âu, nhiều quốc gia láng giềng đang quan tâm về trường hợp của Đức. Một số nước châu Âu cũng bắt đầu đưa ra một số biện pháp hầu khuyến khích việc sử dụng giao thông công cộng hơn là xe hơi cá nhân. Tại Tây Ban Nha, chính phủ cho phép hành khách nào mua thẻ đi lại trong thành phố quyền sử dụng miễn phí các chuyến tàu địa phương hàng tuần hay hàng tháng. Biện pháp này ban đầu áp dụng cho người đi làm, giờ đây mở rộng cho mọi đối tượng cho đến cuối năm 2022
Ai Len cũng đã giảm 30% giá vé các chuyến tàu địa phương cho những hành khách nào mua thẻ TFI Leap có thanh toán trước. Tại Pháp, nhiều vùng miền đã cấp thẻ đi lại miễn phí cho giới trẻ dưới 26 tuổi và có khả năng duy trì thêm thời hạn áp dụng cũng như mở rộng đối tượng, chuẩn bị đối phó tình trạng khan hiếm năng lượng cho mùa đông sắp tới. Hiện giờ, chỉ có Thụy Sĩ cho phép du khách đi lại miễn phí khi đặt phòng có thuế lưu trú. Còn Luxembourg cho phép mọi người dùng miễn phí toàn bộ các phương tiện vận chuyển công cộng. Trung tâm thành phố vì thế có rất ít xe cộ qua lại. Tuy nhiên, Luxembourg có thể tài trợ miễn phí cho mọi người vì nước này, về mặt diện tích cũng như dân số, nhỏ hơn 100 lần so với nước Đức.
Theo rfi.fr
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC