Nhất là đối với những bạn muốn xin visa Schengen tự túc thông qua Đại sứ quán Đức – Đại sứ quán khó nhằn nhất trong các ĐSQ EU. Mình đã pass visa Schengen của ĐSQ Đức năm 2017, được duyệt thời hạn tối đa 90 ngày (max của thị thực ngắn hạn) theo đúng như nguyện vọng, mặc dù hộ chiếu tương đối trắng trẻo:D (thời điểm xin visa Đức hộ chiếu mình chỉ có mỗi hai con dấu du lịch Campuchia và Thái Lan). Đồng thời sau đó, mình cũng đã chia sẻ kinh nghiệm xin visa Đức cho 04 người bạn khác và có 03 bạn cũng pass như mình. Nghĩa là tỉ lệ thành công xin visa Schengen tự túc vào Đức theo kinh nghiệm của riêng mình, tính cả lần pass của chính mình nữa, là 4/5 (chuẩn 80%).
Có ba trường hợp sau để giúp các bạn quyết định nên theo hướng xin visa Schengen nào sẽ phù hợp nhất với mình.
1. Trường hợp các bạn chỉ muốn đi du lịch Châu Âu ngắn ngày (tối đa 01 tháng), không cần phải nhập cảnh vào Đức đầu tiên, thì nên xin visa Schengen vào Pháp hoặc Hà Lan (là các nước EU mở cửa với du lịch hơn và có qui trình làm thủ tục visa thông qua agency chuyên nghiệp khá thuận tiện, nên tâm lí khi đi nộp hồ sơ không bị căng thẳng)
2. Trường hợp các bạn muốn đi du lịch Đức ngắn ngày, thì cũng không nhất thiết phải đâm đầu nộp hồ sơ ở ĐSQ Đức. Bạn nên quay về trường hợp thứ nhất, xin visa Schengen vào các nước dễ thở hơn như Pháp, Hà Lan. Sau đó bạn từ Pháp, Hà Lan qua Đức du lịch vài ngày cũng được.
3. Trường hợp các bạn muốn xin được visa du lịch Châu Âu tối đa 90 ngày để đi cho đã đời, hoặc nhất thiết muốn xin visa nhập cảnh vào Đức (vì có nhiều người quen, bạn bè ở đó chẳng hạn), thì mình khuyên nên làm visa Schengen dạng đi thăm.
Mình pass visa Schengen vào Đức và đã đi vòng quanh Châu Âu thỏa thích trong vòng 90 ngày, chính là ở trường hợp thứ ba này: Xin visa Schengen thăm bạn ở Đức. (có thể là người thân hoặc bạn bè đều được). Mình sẽ chia sẻ với các bạn từng bước chi tiết giống như mình đã làm, đảm bảo có hồ sơ đạt tỉ lệ đậu visa cao nhất với thời hạn max nhất bạn mong muốn. Các bước như sau:
Bước 1: Cập nhật thông tin mới và chính xác nhất về xin thị thực của ĐSQ Đức và in bản Liệt kê giấy tờ (Checklist) của ĐSQ
Truy cập website chính thức của ĐSQ Đức ở VN : https://vietnam.diplo.de/
Ở trong mục Các dịch vụ lãnh sự, chọn mục Các quy định về thị thực nhập cảnh vào Đức đối với người nộp đơn tại Việt Nam. Chọn mục Thị thực đi thăm (Thị thực Schengen). Tại đây, các bạn sẽ có được Bản liệt kê các giấy tờ cần chuẩn bị (Checklist) một cách chuẩn xác và đầy đủ nhất (Các hướng dẫn tự phát trên mạng rất có thể sẽ bị thiếu hụt). Checklist trên trang chính thức này là chuẩn nhất.
Năm 2017 mình làm thì Checklist có dạng bảng pdf, được yêu cầu bắt buộc in ra để nộp cùng hồ sơ
Checklist dạng pdf cũ ĐSQ Đức đã từng bắt buộc in ra nộp kèm hồ sơ.
Tuy nhiên năm 2018, website ĐSQ Đức đã update thông tin mạch lạc, trực quan trên website nên các bạn sẽ không cần phải lần mò down cái checklist pdf về nữa.
Nhưng các bạn vẫn nên in bản checklist mới này ra để tiện theo dõi việc chuẩn bị hồ sơ của mình, được giấy tờ nào thì tick luôn vào. Việc in checklist này ra thường các website hướng dẫn làm visa không nhắc đến, nhưng nó rất quan trọng. Checklist giúp các bạn tự mình cập nhật dần từng loại giấy tờ một cách đầy đủ và khoa học. ĐSQ Đức cũng có thể sẽ yêu cầu nộp kèm Checklist trong bộ hồ sơ để họ tiện theo dõi.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ theo checklist
Sau khi truy cập vào website của ĐSQ như bước 1, thì bạn đã có thể tự nhìn thấy danh sách đầy đủ các giấy tờ cần chuẩn bị. Đã tự đọc thông tin chính thức và tự hình dung ra sơ bộ rồi thì hãy bắt tay làm theo mình hướng dẫn nhé. Ở đây, mình nhấn mạnh lại và diễn giải chi tiết các giấy tờ quan trọng: ( Chỉ cần theo đúng hướng dẫn này là các bạn sẽ có một bộ hồ sơ hoàn thiện, đạt yêu cầu)
1.Hộ chiếu còn hạn ít nhất 3 tháng sau ngày dự kiến xuất cảnh khỏi Đức
2.Hai ảnh mới chụp, nền trắng 3.5×4.5, mặt chiếm 80% (Có link hướng dẫn ảnh chụp chuẩn trên website ĐSQ)
3.Một đơn xin thị thực Schengen khai đầy đủ (Có link tờ khai trực tuyến trên website ĐSQ)
4.Bản tuyên bố tự tay ký theo quy định tại Mục 8, Khoản 2, Điều 54 kết hợp với Điều 53 Luật Cư trú (Có link bản tuyên bố trên website ĐSQ)
5. Thư mời (Giấy bảo lãnh do người thân hoặc bạn bè ở Đức đi làm tại Sở Ngoại Kiều ở Đức) + Bản photo hộ chiếu và Giấy phép lưu trú của người thân hoặc bạn bè đang sống tại Đức (nên lấy bản scan màu cho rõ nét). Người mời có quốc tịch Đức thì không cần Giấy phép lưu trú. Người thân mời thì cần thêm giấy tờ chứng minh quan hệ họ hàng.
6.Giấy tờ chứng minh khả năng quay trở lại và sự ràng buộc tại Việt Nam:
+ Sổ hộ khẩu (bắt buộc)
+ Chứng nhận kết hôn, giấy khai sinh của con (nếu có)
+ Chứng nhận của trường học và cơ sở đào tạo (đối với học sinh, sinh viên)
+ Chứng nhận lương hưu, sổ bảo hiểm xã hội (nếu có)
+ Bản photo những thị thực Schengen từng được cấp (nếu có)
+ Chứng minh công việc (bắt buộc đối với những bạn trẻ độc thân, chưa có sở hữu nhà đất): Hợp đồng lao động hiện tại + Chứng nhận thu nhập (Bảng lương và Các khoản chuyển lương trong sao kê tài khoản ngân hàng) + Đơn xin nghỉ phép và Giấy chứng nhận lao động (với địa chỉ liên hệ của bên sử dụng lao động, vị trí làm việc trong công ty, được nhận vào làm bao nhiêu lâu)
7. Chứng minh khả năng tài chính của người đi thăm, đặc biệt là:
+ Giấy cam kết bảo lãnh của người mời ở Đức (Chính là cái Thư mời bảo lãnh làm ở Sở Ngoại Kiều ở Đức. Để chắc chắn hơn, trong phần Đơn xin thị thực nên tích vào mục Chi phí ăn ở, đi lại được đảm nhận bởi người mời. Tất nhiên, trên thực tế thì không nhất thiết phải vậy; nhưng trên giấy tờ thì nên thể hiện rõ điều đó)
+Sao kê tài khoản ngân hàng trong 3 tháng gần nhất (Nên lấy sao kê của ngân hàng có các giao dịch chuyển khoản lương trong 3 tháng gần nhất. Bí quyết quan trọng nữa: Nên chủ động chi tiêu, giao dịch ở tài khoản ngân hàng định sao kê, trong vòng 3 tháng trước ngày định nộp hồ sơ để có được bản sao kê thuyết phục nhất)
+ Các bằng chứng khác: Sổ tiết kiệm + Xác nhận số dư ngân hàng (bắt buộc), tiền cho thuê nhà, đất (nếu có)
8. Đặt chỗ chuyến bay đi và về (Có mã đặt chỗ là được, chưa cần mua vé thật rất tốn kém)
9. Bảo hiểm y tế du lịch cho khu vực Schengen cho thời gian lưu trú với mức bảo hiểm ít nhất là 30.000 Euro (Mình mua gói B 50.000Euro của Bảo Việt với giá 2.7 triệu VNĐ, hoàn toàn thỏa mãn yêu cầu ĐSQ)
10. Bằng chứng về chỗ ở: Thư mời bảo lãnh + Scan hộ chiếu của người mời chính là một bằng chứng chỗ ở tại Đức. Nếu muốn đi lại thêm nhiều nước khác nữa thì cần thêm:
+ Xác nhận booking khách sạn (ở các nước Schengen khác định tới) Hoặc:
+ Giấy mời của bạn bè ở các nước khác (Giấy mời thêm này không cần phải là Thư mời bảo lãnh làm ở Sở ngoại kiều, chỉ cần là Giấy mời tự viết/đánh máy có kí tên của bạn bè mời. Nên lấy bản gốc, hi hữu thì lấy bản scan gửi qua email. Mình có mẫu loại thư mời này viết bằng tiếng Anh của bạn mình ở Pháp và Thụy Điển. Bạn nào cần thì comment lại email bên dưới cho mình nhé)
+ Bản photo (Scan là tốt nhất) hộ chiếu của người viết giấy mời
+ Bản photo giấy phép lưu trú, nếu người viết giấy mời không có quốc tịch nước đó. Người có quốc tịch viết giấy mời thì không cần.
Tất cả những địa điểm đến, chỗ ở và liên lạc của những người mời này, tính cả người viết Thư bảo lãnh chính, nên được tổng hợp lại thành một bảng lịch trình chi tiết và rõ ràng. Ngoài ra, bạn nên tự viết thêm một thư giải trình – Letter of Expression, trình bày các lí do, nguyện vọng cho chuyến đi tới ĐSQ. Mình có mẫu lịch trình và thư giải trình kiểu này bằng tiếng Anh, đã giúp ích rất nhiều trong việc đậu visa. Bạn nào cần thì comment lại email bên dưới cho mình nhé)
*Lưu ý giấy tờ quan trọng:
Quan trọng nhất: Thư bảo lãnh chính từ Đức
Quan trọng nhì: Các giấy mời nếu đi thêm nhiều nước khác + Lịch trình + Thư giải trình
Quan trọng ba: Các giấy tờ Chứng nhận lao động, Đơn xin nghỉ phép và Xác nhận số dư ngân hàng phải được cấp mới trong vòng 01 tháng đổ lại trước ngày nộp hồ sơ.
Bước 3: Đặt lịch hẹn nộp hồ sơ
Bạn có thể dễ dàng đăng kí đặt lịch hẹn online trên website ĐSQ Đức. Email tự động xác nhận đặt lịch hẹn thành công sẽ được gửi lại ngay tức thì. In email xác nhận này ra để mang theo vào ngày đi nộp hồ sơ.
Bạn có thể đặt lịch hẹn sớm nhất là 12 tuần (3 tháng) trước ngày nộp hồ sơ. Không đặt sớm hơn. Cũng không đặt quá sát ngày nộp. Đẹp nhất là đặt hẹn khoảng 2 tháng trước ngày nộp hồ sơ. Ví dụ, mình muốn đến ĐSQ nộp hồ sơ vào mùng 10/5, thì mình bắt đầu lên website đăng kí lịch hẹn vào khoảng 28/2 đến 1/3 là vừa. Ngày nộp hồ sơ cũng nên trước ngày định khởi hành khoảng 2-3 tháng.
Bước 4: Sau khi đặt lịch hẹn tiếp tục hoàn thành nốt các giấy tờ theo checklist
Việc đặt lịch hẹn chỉ tốn mấy phút truy cập online trên website ĐSQ, nên bạn cần đặt lịch hẹn luôn vào thời gian hợp lí như bước 3 mình đã đề cập trên đây. Sau khi có lịch hẹn rồi thì lại tiếp tục chuẩn bị nốt giấy tờ theo checklist.
Bước 5: Đi nộp hồ sơ và phỏng vấn
Ngày tới nộp hồ sơ ở ĐSQ Đức, bạn sẽ qua bốn cửa như sau:
Cửa 1: Cửa an ninh của ĐSQ. Tại cửa này, bạn trình tờ xác nhận đặt lịch hẹn đã in ra. Nhân viên an ninh sẽ yêu cầu bạn để lại các vật dụng và điện thoại trong tủ cá nhân có khóa. Bạn chỉ mang theo hồ sơ đi nộp và ví (nhớ cầm ví vào nộp phí hồ sơ 60Eur đấy nhé)
Cửa 2: Phòng chờ kiểm duyệt hồ sơ xem đủ hay thiếu gì không. Bạn sẽ ngồi trong phòng chờ cùng nhiều người khác. Có một nhân viên kiểm tra hồ sơ sẽ gọi tên lần lượt. Người này sẽ xem hồ sơ của bạn có phải bổ sung gì nữa không. Nếu bạn đã chuẩn bị như mình hướng dẫn ở trên thì ở cửa này, bạn sẽ chẳng cẩn bổ sung gì nữa cả
Cửa 3: Cửa tiếp nhận hồ sơ chính thức và lấy dấu sinh trắc
Sau khi được kiểm duyệt sơ bộ, bạn ngồi chờ một lúc để được gọi vào các cửa tiếp nhận hồ sơ có đánh số và lấy dấu sinh trắc. Tại cửa này, nhân viên tiếp nhận sẽ hướng dẫn bạn lấy dấu tay sinh trắc và hỏi một vài câu hỏi về mục đích chuyến đi và thông tin người mời của bạn. Bạn cứ thoải mái trả lời thành thật, ngắn gọn. Sau đó, nhân viên này sẽ thu phí hồ sơ và đưa giấy hẹn cho bạn. Giấy hẹn của ĐSQ Đức thường là 12 ngày sau tới nhận kết quả visa.
Cửa 4: Nếu còn đủ thời gian thì bạn sẽ được gọi vào cửa phỏng vấn trực tiếp với người Đức, có phiên dịch Việt bên cạnh. Nếu không kịp trong ngày hôm đó thì họ sẽ gọi điện hẹn bạn tới phỏng vấn với người Đức vào một buổi sau. Họ sẽ lại hỏi bạn mấy câu về mục đích, thời gian chuyến đi, thông tin người mời, thông tin công việc của bạn và lịch trình chuyến đi. Bạn đã chuẩn bị hồ sơ như mình hướng dẫn rồi thì cứ thoải mái trả lời ngắn gọn, lịch sự, đúng với hồ sơ là oke. Kết thúc phỏng vấn, bạn nhớ cảm ơn phiên dịch người Việt và thank you bác người Đức nhé. Đơn giản thế thôi nhưng quan trọng đấy nha.
Nghe mình liệt kê các cửa có vẻ ghê gớm nhưng mọi thứ đều được hướng dẫn theo qui trình cả và bạn cứ thế mà làm thôi. Quan trọng nhất vẫn là khâu chuẩn bị hồ sơ. Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và mạch lạc thì không lo gì hết;) Vào thời gian cao điểm từ tháng 5-10 thì người vào nộp sẽ đông, bạn cần kiên nhẫn chờ đợi theo qui trình, đừng nôn nóng hay bất lịch sự với các nhân viên ĐSQ nhé. Chịu khó một chút cho được việc;)
Nộp xong xuôi ra về, bạn đợi mang giấy hẹn đến lấy kết quả sau 12 ngày làm việc nhé. Đậu thì họ đưa trả mỗi hộ chiếu. Trượt thì họ trả hộ chiếu kèm giấy nói lí do và hướng dẫn xin xem xét lại. Nhưng thường đã trượt là không khiếu nại được. 95% khiếu nại thất bại.
Trên đây là toàn bộ hướng dẫn chi tiết qui trình xin visa Schengen dạng đi thăm ở ĐSQ Đức (có thể tham khảo áp dụng với xin visa Schengen đi thăm ở các nước EU khác). Nếu bạn chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, rõ ràng đúng như mình hướng dẫn thì cơ hội đậu visa chắc chắn 80-90%, với hạn visa lâu nhất có thể, max là 90 ngày cho visa du lịch/đi thăm ngắn hạn.
Theo minvitamoon.com
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC