Tuy nhiên, lao động Đức lại đứng thứ 8 thế giới về hiệu năng với GDP bình quân 65,5 USD/người/giờ.
Theo một nghiên cứu của PwC, chỉ khoảng 10% số người trong độ tuổi 20-24 tại Đức là không có việc làm cũng không đi học (Neet Rates), con số thuộc hàng thấp nhất thế giới. Nếu tất cả 35 nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng đạt được con số như vậy thì nền kinh tế toàn cầu sẽ có thêm 1,1 nghìn tỷ USD.
Trong bảng xếp hạng chỉ số lao động trẻ (YWI) của PwC, Thụy Sĩ là nước đứng đầu cả về số người trẻ có việc làm lẫn đang đi học. Tiếp theo đó là Đức. Nước Mỹ đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng, còn Anh đứng thứ 21.
Nghiên cứu của PwC chỉ ra nếu Italy giảm tỷ lệ trên xuống bằng nước Đức thì nền kinh tế này sẽ tăng thêm được 156 tỷ USD cho GDP.
Nổi tiếng là nền kinh tế số 1 Châu Âu nhưng Đức lại có chế độ làm việc khá “tình người” và hiệu quả. Tuy nhiên, lao động Đức lại đứng thứ 8 thế giới về hiệu năng với GDP bình quân 65,5 USD/người/giờ.
Đáng ngạc nhiên hơn, nền giáo dục của Đức chú trọng nhiều đến hiệu quả và thực hành chứ không nặng nề lý thuyết hay tấm bằng đại học như ở nhiều nước.
Đứng đầu về làm việc ít nhưng lao động Đức lại đứng thứ 8 về năng suất thế giới
Muốn thành công, đừng cố leo lên đại học nếu không đủ giỏi
Nguyên nhân chính khiến Đức và Thụy Sĩ có tỷ lệ lao động trẻ có việc làm cũng như đang đi học cao như vậy là do hệ thống giáo dục kết hợp thực hành hiệu quả.
Theo đó, nhiều công ty tuyển dụng đến tận các trường học. Họ sẽ kết hợp đào tạo, thực hành cùng sinh viên nhằm đào tạo và lựa chọn ngay từ ghế nhà trường. Hầu hết các doanh nghiệp cũng hướng đến các lao động trẻ và cố gắng tuyển dụng, đào tạo nhân viên khi họ mới chỉ là sinh viên.
Chương trình đạo tạo sinh viên trẻ (VTA) của Đức đã thu hút được 500.000 công ty tham gia đào tạo tại các nhà trường mỗi năm. Nhờ đó, Đức cũng như Thụy Sĩ có được một hệ thống tuyển dụng hiệu quả, giảm chi phí cũng như hạ thấp giá trị của bằng cấp, vốn đã không còn đủ chất lượng để đánh giá nhân viên ngày nay.
Mới đây, số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Đức đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990, chỉ vào khoảng 4,9% bất chấp kinh tế giảm tốc.
Tại Đức, hình thức kết hợp vừa học vừa làm được gọi là “Dual Training”. Học viên không chỉ tiếp thu kiến thức trên lớp mà còn thực hành ngay tại công ty, thấm nhuần văn hóa làm việc, ý thức trách nhiệm cũng như chịu áp lực công việc.
“Trong tương lai, robot sẽ thay con người vặn ốc vít. Chúng tôi chẳng cần những công nhân tay nghề thấp như vậy nữa. Cái chúng tôi cần là những con người có thể giải quyết vấn đề rắc rối mà máy móc không làm được”, một giám đốc nhà máy Đức nói với tờ The Atlantic.
Hệ quả tất yếu là các doanh nghiệp Đức cần sinh viên có kinh nghiệm luôn chứ chẳng cần những “con mọt sách”.
Một ví dụ nặng nề về bằng cấp cũng như kiểu đào tạo cũ ngày nay là nước Anh khi có tới 17% giới trẻ không có việc làm cũng như không đi học. Nếu tỷ lệ này rơi xuống 10% như Đức, kinh tế Anh sẽ có thêm 65 tỷ USD cho GDP.
Tỷ lệ bình quân GDP đầu người tỷ lệ thuận với xếp hạng trên bảng YWI.
Theo PwC, nguyên nhân chính của tình trạng này là xã hội Anh coi trọng bằng cấp hơn chất lượng thực tế. Anh là nước nổi tiếng về sự kỳ thị các chương trình đào tạo nghề và các bậc phụ huynh nơi đây coi học nghề là một con đường sự nghiệp tồi.
Chính yếu tố này đã tạo nên sự chênh lệch khá lớn giữa kiến thức học được và thực tế của sinh viên cũng như giới trẻ Anh, qua đó khiến họ bị lạc lõng khi kiếm việc làm.
Trong khoảng 2005-2010, khoảng 59% số sinh viên Anh ra trường nhưng lại đi làm những công việc mà không cần phải có bằng đại học. Nếu nhìn vào những cuốn sách chuyên ngành do Anh xuất bản, bạn có thể thấy rõ chúng mang tính học thuật với dày đặc chữ, trong khi những cuốn sách của Mỹ, Australia thì thiên về tính minh họa nhiều hơn.
Tại Đức, khi các công ty cố gắng liên hệ và đào tạo hướng nghiệp sinh viên từ sớm qua những buổi thực hành, vừa học vừa làm thì ở Anh, học sinh lại chăm chú vào những bài luận nặng tính học thuyết. Như 1 hệ quả tất yếu, các sinh viên Anh khi ra trường đều thiếu kinh nghiệm và không sẵn sàng làm việc được ngay cho các doanh nghiệp.
Chính quyền London hiện đã nhận ra vấn đề này và đang cố gắng khắc phục. Anh đang có kế hoạch tăng số sinh viên học nghề lên 3 triệu người vào năm 2020.
Nghiên cứu của PwC chỉ ra rằng những nước đứng đầu bảng trong YWI có tỷ lệ bình quân GDP đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới. Dẫu vậy, để đạt được điều này cũng không hề dễ khi các nước này thường chi rất lớn cho giáo dục.
Ngay cả ở Mỹ, khoảng 9,3 triệu người không có việc làm nhưng lại có tới 4,8 triệu công việc chẳng tìm được lao động thích hợp. Chính phủ đã chi hơn 100 triệu USD cho các chương trình thực tập nhưng kết quả chẳng đi đến đâu.
Tại Mỹ, chưa đến 5% số lao động trẻ được thực tập, đào tạo, học nghề và chủ yếu trong ngành xây dựng. Tại Đức, con số này là 60% và phân bổ khắp các ngành nghề. Người Đức không quá chú trọng đến bằng cấp cũng như phân biệt tầng lớp lao động “cổ xanh cổ trắng”.
Hầu hết các giáo viên Đức đều khuyên học sinh rằng hãy chắc chắn làm 1 thứ tốt rồi mới mơ tới cái lớn lao hơn.
Ngay cả chính phủ Đức cũng tạo điều kiện cho những lao động tay nghề cao học tập tiếp. Họ có thể quay lại trường học tập chuyên ngành mới nếu thấy sự nghiệp không thoải mái như ý muốn, hoặc chuyển sang làm thực tập, học nghề của các công ty ngành khác nếu thấy hứng thú.
Đối với người Đức, học tập là sự nghiệp cả đời chứ không phải để lấy tấm bằng. Các doanh nghiệp nước này cũng cần lao động có tay nghề chứ chẳng quan tâm họ học trường nào.
Có lẽ bởi vậy lao động Đức làm ít mà lại hiệu quả cao đến như vậy. Rốt cuộc, 1 hệ thống giáo dục đầu tư cho dân, vì dân vẫn hiệu quả hơn những hệ thống vì quan hệ, vì chạy trường, chạy điểm và vì bán sách lấy tiền.
Theo Nhịp sống kinh tế
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC