Giá rẻ nhưng đầy đủ tiện nghi
Khu vui chơi giải trí “Spreepark” trên diện tích 11.000 m2 tại khu vực länterwald của Berlin bị lãng quên bỗng được “đánh thức” khi Joerg Duske can đảm đầu tư vào mảnh đất đó.
Mang tên Eba51, dự án của Joerg Duske lấy cảm hứng từ một dự án nhà ở sinh viên mà ông có dịp khảo sát ở Amsterdam, Hà Lan mùa thu năm ngoái.
Tại một thành phố mà nhà ở luôn đắt đỏ và khan hiếm như Amsterdam, Keetwonen là “thành phố container” lớn nhất thế giới, với khoảng 1.000 căn hộ trên diện tích 17.000 m2. Mô hình nhà ở này chắc chắn, giá rẻ và linh hoạt nhưng cần phải mang lại một cái gì đó mới hơn cho Berlin, nhà đầu tư Joerg Duske nghĩ. Sau khi nói chuyện với “cư dân” tại làng Keetwonen, nơi có cấu trúc khá đơn điệu, Duske nhận ra rằng nếu muốn thu hút giới trẻ, cần phải có thiết kế kiến trúc hấp dẫn.
Tháng 12/2012, ông Duske mở một cuộc thi thiết kế.
Thiết kế đoạt giải thuộc về công ty kiến trúc Holzer Kobler có trụ sở tại Zurich với phác thảo căn hộ hình khối nhưng có đủ nơi tiếp khách, phòng ngủ, nhà bếp và phòng tắm. Dự kiến giá cho thuê mỗi container 26m2 này hàng tháng là khoảng 290 USD.
Số tiền đó không phải là nhỏ bởi ngoài không gian riêng, sinh viên còn phải trả phí cho sinh hoạt hướng về cộng đồng. Không đơn thuần chỉ là căn hộ khép kín, sinh viên có khu sinh hoạt chung là khu ăn uống ngoài trời, bóng bàn, phòng giặt, nơi hội họp. Ngoài ra, thiết kế cũng có cả những căn hộ 2-3 tầng để nhiều người có thể sống chung.
Cùng với hệ thống lối đi, cầu thang và cầu dẫn, không gian sống tại đây được kết nối chặt chẽ, bao quanh là vành đai xanh của cây cỏ.
Nhu cầu của sinh viên là trên hết
Dự án Eba51 đang trong giai đoạn xây dựng, nhà đầu tư Joerg Duske thừa nhận quy hoạch là phần khó nhất, vì đó là điều quan trọng nhất sau khi xác định nhu cầu của sinh viên. Khu đất không thể nằm ở trung tâm thành phố vì sinh viên không có thu nhập nên không kham nổi giá thuê nhà cao ngất ngưởng, đồng thời, làng sinh viên lại phải gần hệ thống giao thông công cộng và tất nhiên không thể xa rời cuộc sống về đêm của Berlin.
Plänterwald được chọn bởi địa điểm này thuộc khu vực ngoại ô, ngay cạnh đó là một trạm xe buýt và đi bộ đến ga tàu điện chỉ mất 10 phút, thêm 15 đến 30 phút để đến được tất cả các trường đại học xung quanh.
“Mục đích đầu tiên của tôi là xây dựng một ngôi làng container quy mô nhỏ, đẹp với thiết kế kiến trúc mới lạ, chứ không phải là giải pháp cho vấn đề chỗ ở dành cho sinh viên tại Berlin, hiện giờ đã lên tới hơn 147.000 em và còn có thể tăng hơn nữa. Tuy nhiên, hai điều đó gắn kết với nhau, tất cả cũng là đáp ứng nhu cầu nhà ở cho sinh viên. Vì vậy, hy vọng mọi thứ sẽ đúng tiến độ, với mức giá phải chăng”, chủ đầu tư cho biết.
50 năm kể từ khi được phát minh, các container vận chuyển hàng hóa giờ đã trở thành giải pháp cho “cuộc sống xanh”.
Trên khắp thế giới, các container hết “date” đã được thiết kế lại để trở thành nhà tạm cư, phòng làm việc, không gian nghệ thuật, khách sạn, cửa hàng, căn hộ cao cấp, thậm chí cả trường học. Ưu điểm nổi bật nhất khi dùng container xây dựng nhà ở là cắt giảm được chi phí và thời gian, tuy nhiên, hạn chế của nó là ít chịu nhiệt, căn hộ sẽ bị nóng hơn vào mùa hè và lạnh hơn vào mùa đông.
Theo ANTĐ
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC