Mẹ Việt chia sẻ cách làm giá đỗ ở Đức

Chỉ với khăn và giấy cùng vài dụng cụ đơn giản, dễ kiếm, chị Thư (ở Đức) đã làm được mẻ giá đỗ vô cùng tươi ngon, mập mạp hơn cả ngoài hàng.

 

Giá đỗ là một trong những thực phẩm tươi ngon, bổ dưỡng, tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, vì để kiếm lời nên nhiều người bán giá đỗ đã sử dụng thuốc kích thích, cho vào giá đỗ, làm giá đỗ lớn nhanh.

Nếu ăn những giá đỗ có sử dụng thuốc tăng trưởng độc hại này, chắc chắn sẽ hại tới sức khỏe.

Vì thế, nhiều chị em nội trợ đã mày mò, tự làm giá đỗ tại nhà. Có nhiều cách để chị em tự làm giá đỗ như làm bằng hộp giấy, bằng rổ thưa, bằng lọ thủy tinh… Cách nào cũng đơn giản.

Vốn yêu thích thực phẩm sạch cũng như thích việc vào bếp, chị Thư (hiện đang sinh sống ở Đức) cũng đã tự làm giá đỗ cho cả nhà thưởng thức.

Mẹ Việt chia sẻ cách làm giá đỗ ở Đức - 1

Theo chị Thư, bí quyết để làm giá đỗ lúc nào cũng mập mạp chính là ở chỗ cuốn khăn và chèn nặng

Chị Thư cho biết, bản thân chị tự làm giá được hơn 2 năm.

“Mình sống ở nước ngoài, mua giá đỗ người ta làm bằng máy trông rất to, mập mạp nhưng ăn chẳng hề thấy ngon. Có nơi bán giá đỗ tự làm thủ công nhưng giá khá đắt, nên mình mày mò tự làm giá đỗ. Hơn nữa gia đình mình cũng rất thích ăn giá”, chị Thư chia sẻ.

Mẹ Việt chia sẻ cách làm giá đỗ ở Đức - 0

Đồ dùng để làm giá đỗ của chị Thư

Chị không làm giá đỗ như mọi người mà sử dụng những phụ kiện rất sẵn có trong nhà như khăn bông và khoảng 3 tờ giấy (loại dùng trong nhà bếp) rồi đục lỗ những tờ giấy này.

Hơn nữa cách làm này rất nhàn lại tốn ít thời gian.

Theo chị Thư, bí quyết để làm giá đỗ lúc nào cũng mập mạp chính là ở chỗ cuốn khăn và chèn nặng, nên giá sẽ phát triển theo chiều ngang, do đó giá không bị dài quá mà tròn, mập, trông rất thích mắt.

“Mỗi ngày mình chắt nước đọng ở đáy thùng từ hôm trước và tưới thêm 400ml nước lên, rồi không chắt nước này đi nữa. Như ở Đức, thời tiết lạnh hơn ở Việt Nam, nên mùa hè 4 ngày là có giá đỗ ăn, còn mùa đông có thể là 5 ngày. Ở Việt Nam, thời tiết ấm áp hơn, chắc chắn giá sẽ thu hoạch được sớm hơn”, chị Thư cho biết.

 

Chị Thư còn chia sẻ thêm, ưu điểm của phương pháp làm giá này có rất nhiều:

  • Vật liệu dễ kiếm
  • Tiết kiệm thời gian ngâm nước (vì chỉ tưới ẩm)
  • Tiết kiệm nước (mỗi lần tưới 400ml nước)
  • Thu hoạch cao (200g giá đỗ sẽ thu được hơn 1 kg giá)
  • Không phải cắt rễ, vì tưới ẩm giá chỉ phát triển thân trên.

Tham khảo công thức cách làm giá đỗ của chị Thư:

Chuẩn bị:

  • 200g giá đỗ ngâm một ngày
  • 1 thùng nhựa có nắp (hoặc chậu nhựa với rổ nhựa có chân cao khoảng 1cm)
  • 1 đĩa trũng (bắt buộc)
  • 2 vỉ nhựa cứng có lỗ
  • 3 tờ giấy (loại dùng trong nhà bếp), cắt hoặc bấm lỗ to 1cm (lỗ theo chiều dọc)
  • Khăn bông tối màu (xanh, đen hoặc tím), cỡ 40 x 90cm
  • Một túi sỏi khoảng 4kg hoặc vật nặng tương đương

Mẹ Việt chia sẻ cách làm giá đỗ ở Đức - 2

Túi sỏi được đặt lên 1 đĩa trũng rồi bọc lại cho gọn

Cách làm:

Trước tiên, đặt đĩa trũng vào lòng xô nhựa, rồi đặt 1 vỉ nhựa lên đĩa. Trải khăn lên vỉ nhựa, sau đó rải ¼ chỗ giá đỗ lên trên giữa khăn.

Mẹ Việt chia sẻ cách làm giá đỗ ở Đức - 3

Tiếp tục đặt tờ giấy bấm lỗ lên trên rồi trải thêm một lượt đỗ. Lần lượt trải thêm 1 tờ giấy, rồi lại trải đỗ một lượt nữa.

Mẹ Việt chia sẻ cách làm giá đỗ ở Đức - 4

Làm như vậy 4 lần.

Sau cùng, gấp các mép khăn lại. Đặt vỉ nhựa còn lại lên trên khăn. Sau đó tưới 400ml nước.

Không cần chắt nước đọng ở đáy thùng.

Mẹ Việt chia sẻ cách làm giá đỗ ở Đức - 5

Sau 1 ngày, giá sẽ dài ra khoảng 1cm thì cho túi sỏi chèn lên trên cho đến ngày thu hoạch. Mỗi ngày mình chắt nước đọng ở đáy thùng từ hôm trước.

Tiếp tục, lại tưới đều lên giá 400ml nước nữa, chỗ nước này lại đọng ở đáy thùng, đợi hôm sau mới chắt bỏ.

Làm tương tự cho đến ngày thu hoạch giá.

Mẹ Việt chia sẻ cách làm giá đỗ ở Đức - 6

Mẹ Việt chia sẻ cách làm giá đỗ ở Đức - 7

Lưu ý:

  • Đĩa bắt buộc phải trũng vì cho nước đọng xuống.
  • Vỉ nhựa phải cứng. Hàng ngày úp 5 ngón tay để chắt nước đọng ở đĩa. Sau đó tưới 400ml nước là xong, không phải chắt nước này đi (hôm sau mới chắt).
  • Nắp trên cùng không đậy khít để cho giá đỗ thở, tránh bị thối giá.
  • 1 ngày đầu chưa chèn sỏi, sau 1 ngày, khi giá lên được hơn 1cm thì bắt đầu mới chèn.

Theo: TINTUCVIETDUC.DE


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan