Đó là chiêu “bỏ ngang chuyến bay”, cụ thể thế này:
Giả dụ có ai đó muốn bay từ Boston đến Houston, nhưng giá vé máy bay quá đắt. Thế là người đó mua vé bay từ Boston đến Las Vegas, mà trong hành trình sẽ có chặng dừng tại Houston, vì vé này rẻ hơn vé bay trực tiếp từ Boston đến Houston.
Hành khách đó xuống máy bay ở Houston, bỏ không sử dụng phần còn lại của vé đã mua. Vậy là họ không đi hết hành trình ghi trong vé, nhưng nhờ vậy tiết kiệm được một khoản tiền.
Vụ kiện
Hãng hàng không Lufthansa của Đức đã kiện một hành khách tiết kiệm tiền bằng cách bỏ một chặng của vé máy bay khứ hồi. Các hãng hàng không rất ghét hành khách bày trò với hệ thống của họ. Dù trên thực tế những vụ kiện kiểu như thế này đã từng thua, nhưng Lufthansa vẫn kiện đòi hơn 2.000 đô la Mỹ. Trong khi các hãng hàng không cố tìm cách ngăn cản việc hành khách mua vé máy bay rẻ hơn nhờ cách mua vé ghé qua “thành phố ẩn”, thì không mấy ai trong giới các nhà phân tích chuyên về lĩnh vực hàng không tỏ ra tán thưởng việc ngăn chặn đó.
“Vé thành phố ẩn là vấn đề tự các hãng hàng không gây ra,” Henry Harteveldt, người sáng lập công ty tư vấn du lịch Atmosphere Research, nói. “Với tư cách là nhà phân tích hàng không và là doanh nhân, tôi hoàn toàn hiểu tại sao các hãng hàng không muốn kiếm được càng nhiều càng tốt ở bất cứ chỗ nào mà họ có thể tận dụng. Kinh doanh là vậy mà,” Harteveldt nói.
“Nhưng khi một hãng hàng không đưa ra giá vé rẻ bất ngờ trong lúc vé đến một sân bay trung tâm lại cao một cách vô lý, thì gần như chính cách hãng hàng không đã mời gọi tình trạng đặt vé thành phố ẩn.”
Vấn đề là điểm đến, không phải là bay xa hay bay gần
Về vấn đề này, Harteveldt nói, logic từ gốc là giá vé máy bay, vốn là chuyện không thể hiểu nổi với nhiều hành khách. “Nếu hãng A có đối thủ là hàng không giá rẻ, họ sẽ điều chỉnh giá vé; nếu không, họ sẽ tính giá vé cao. Tất cả phụ thuộc vào cạnh tranh, và đó là lý do tại sao các hãng hàng không hạ giá vé một cách chiến lược ở một số thị trường nhưng không hề giảm giá ở thị trường khác.
Trong nhiều thảo luận của tôi với các hãng hàng không, họ nói họ không muốn mất thị phần và sẽ chấp nhận rủi ro có tính toán.” Peter Belobaba, nhà nghiên cứu chính tại Trung tâm Quốc tế về Vận tải Hàng không MIT nói kiểu giá cả này tồn tại trên toàn thế giới.
“Lấy ví dụ từ Boston đến Las Vegas, đó là thị trường giải trí cho nên chuyện giá cả thì nhạy cảm hơn. Còn Boston-Houston là thị trường kinh doanh, cho nên giá vé cao hơn. Đó là những thị trường rất khác nhau về cả mặt cạnh tranh và độ nhạy cảm trong việc định giá vé. Từ quan điểm kinh tế học, giá vé từ Boston đến Las Vegas rẻ hơn là hoàn toàn dễ hiểu mặc dù quãng đường này xa hơn Houston về dặm bay, đặc biệt nếu mức chênh lệch là 199 đô la Mỹ cho chuyến bay không cần nối chuyến,” ông nói. Tony Webber, CEO của công ty nghiên cứu về hàng không Air Intelligence và là cựu kinh tế gia trưởng của hãng Qantas, nói những vụ kiện giống như vụ mà hãng Lufthansa khởi kiện là chiến thuật gây sợ hãi.
Webber giải thích rằng tác động về mặt doanh thu thì hành động bỏ ngang chuyến bay khiến các hãng không thể tối ưu lợi nhuận, vì nếu bán được vé bay trực tiếp tới thành phố ‘nối chuyến’, thì họ lẽ ra đã bán được vé với giá cao hơn. Vì vậy vé thành phố ẩn làm giảm mức lợi nhuận họ nhận được từ mỗi ghế và làm phức tạp thêm ngành kinh doanh vốn có biên độ lời lãi nhỏ này. Thế nhưng, Harteveldt lập luận, các hãng hàng không thường bán ra nhiều vé hơn số ghế có trên mỗi chuyến bay vì họ biết rằng một số người sẽ không bay; việc cho đặt chỗ quá công suất sẽ giúp bổ sung vào các bị bỏ trống như thế.
Khó xử về mặt đạo đức
Những khách hàng bay thường xuyên vốn hay bị ảnh hưởng bởi phí chuyến bay, dịch vụ kém cỏi, tình trạng hoãn và hủy chuyến có vẻ không quan tâm mấy về rắc rối của các hàng không. Những người bỏ ngang chuyến bay nói chung thường là những người đi lại nhiều nhất và thường là khách hàng tốt nhất của các hãng hàng không. Thật vậy, cách duy nhất để biết bao nhiêu người bỏ ngang chuyến bay là hỏi trang web Skiplagged, trang này được thành lập để giúp người hay bay tận dụng vé thành phố ẩn.
Người sáng lập trang web là Aktarer Zaman đã không trả lời và cũng không phản hồi dù BBC liên hệ nhiều lần.
Nhưng có vẻ ông có rất nhiều người ủng hộ: khi hãng United cố gắng kiện ông và thua kiện vào năm 2015, cuộc gây quỹ cộng đồng đã góp hơn 80.000 đô la Mỹ để giúp ông ứng phó với vụ kiện.
Vậy phải chăng các hành khách đang tận dụng một hệ thống không công bằng với họ?
Rốt cuộc thì hãng hàng hàng không bán vé với một mức giá nhất định và đã nhận được giá đó. Chuyên mục “Ethicist” của tờ báo New York Times không thấy có vấn đề gì với chuyện bỏ ngang chuyến bay.
Những người bình luận cũng đồng ý, và có người kết luận rằng bạn không nhất thiết phải sử dụng thứ bạn đã mua. Thật vậy, viết cho tờ Times, Nate Silver chỉ ra rằng sự độc quyền của hãng hàng không chính là một phần của vấn đề.
“Thì đúng là các hãng hàng không đã được đền bù, nhưng thường thì khoản đền bù tính theo tỷ lệ sẽ thấp hơn giá thị trường vé cho chặng bay mà hành khách cố ý bỏ ngang,” Webber giải thích.
Ông lưu ý rằng dù hãng hàng không đã được hành khách trả tiền, thì số tiền đó vẫn ít hơn khoản mà hãng có thể được nhận nếu hành khách không bỏ ngang chuyến bay.
Trong thực tế, trong hợp đồng chuyên chở, hợp đồng không công bằng và có lợi cho hãng hàng không cũng đã ghi rõ hợp đồng giữa hãng hàng không và khách hàng khi họ mua vé, là cấm việc mua vé thành phố ẩn và hứa sẽ siết chặt biện pháp nếu hãng nghi ngờ hành khách vi phạm điều này. Đương nhiên là hành khách không thích hợp đồng chuyên chở, vì hãng hàng không dựa vào hợp đồng để từ chối cung cấp dịch vụ khi mọi việc không như ý.
Nguy cơ rủi ro
Như vụ kiện gần đây cho thấy, việc này có thể gây rủi ro cho hành khách. Nếu bạn cố gắng bỏ ngang chuyến, người ta có thể phát hiện ra, và thậm chí bạn có thể bị chặn ở sân bay.
“Người ta không tốn nhiều thời gian và nỗ lực cũng có thể phát hiện ra,” Harteveldt nói. “Đặt vé với những hành trình bất thường sẽ gây cảnh báo, và ai đó có thể đánh dấu và theo dõi khi bạn bay. Vào thời điểm nào đó, bạn có thể nhận được thư hoặc nhân viên an ninh của hãng sẽ gặp bạn ngay cổng. Ý định của các hãng hàng không là đe dọa và lấy lại những gì mà họ cho là bị thiệt hại doanh thu.” Webber nói người ta gần như không có cách gì phát hiện ra vé thành phố ẩn. Nhưng với việc sử dụng công nghệ mới, điều này sẽ không còn tồn tại lâu. Các hãng hàng không đã có rất nhiều thông tin mà họ có thể loại bỏ từ việc ghi nhận từ những người thường xuyên bay. Thật vậy, các hãng hàng không đã gặp hành khách ngay tại chuyến bay đến và đưa họ đến tận cửa chuyến kế tiếp.
Harteveldt nói thêm, nếu bạn bị bắt gặp, nghĩa là bạn phải mua một cái vé giờ chót với giá cao hơn số tiền mà bạn muốn tiết kiệm. Các công ty du lịch có thể mất khả năng đặt chuyến bay từ hãng hàng không nếu họ đặt vé thành phố ẩn. Thêm vào đó, các hãng hàng không có thể chia sẻ tên của những người hay bay bằng cách mua vé thành phố ẩn cho các đối tác để cấm hành khách đó, ông nói. Benét Wilson, một người chuyên viết về mảng du lịch và tiền thưởng qua thẻ tín dụng cho công ty cho vay trên mạng LendingTree, cho rằng đây là trường hợp mà bạn tự chấp nhận rủi ro.
“Tôi hiểu người đi du lịch cảm thấy thế nào về giá vé máy bay và thực tế là có những vé bán với giá như thể ăn cướp đối với khách hàng vậy. Nhưng điều này thực sự phụ thuộc vào nơi bạn sinh sống. Nếu bạn sống ở một nơi trung tâm, giá vé cao hơn. Đây là chủ nghĩa tư bản.”
“Tôi cũng hiểu sự cám dỗ muốn cân bằng điều đó, nhưng bạn cần nhận ra rằng bạn có thể bị kiện, bạn có thể mất tất cả dặm bay tích lũy thường xuyên; điều này từng xảy ra rồi. Họ có thể hủy thẻ thành viên của bạn.” Và bà tóm tắt ý kiến về vấn đề này một cách cô đọng là: “Đừng ghét người chơi,” bà nói. “Hãy ghét trò chơi.”
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC