Trong thời gian gần đây, Trung tâm Thương mại Đồng Xuân ở Berlin đã trở thành một địa điểm thu hút du khách trong và ngoài nước Đức tới tham quan.
Bên cạnh những chính khách, những người làm công tác chính quyền, xã hội đến để tìm hiểu công việc làm ăn của người Việt và người nước ngoài trong TTTM Đồng Xuân, nhiều khách du lịch tới thăm Berlin cũng đến đây để ăn uống, cảm nhận một chút không khí ồn ào của châu Á, thưởng thức văn hóa ẩm thực Việt Nam chẳng khác gì ở Việt Nam.
Nhiều người dân Berlin cũng tới đây để hưởng một số dịch vụ rẻ tiền hơn so với bên ngoài như cắt tóc, làm đầu, xăm, làm móng, Massage…
Không những thế, nhiều người cũng biết cách vào TTTM Đồng Xuân để mua quần áo, giày dép, va li, túi xách…
Thực ra, TTTM Đồng Xuân là một khu giao hàng, một nơi bán buôn, nên không được phép bán lẻ.
Tuy nhiên, nhiều người buôn bán ở đây thường phớt lờ những quy định đó và vẫn bán lẻ cho khách, miễn là bán được hàng, thậm chí còn được giá cao hơn giá bán buôn một chút.
Vì ham lợi trước mắt, những người này không nghĩ tới một điều là ngoài việc vi phạm những quy định chung, họ còn làm hại những người bán lẻ mua hàng của họ và rồi làm hại tới chính họ.
Một chị bán lẻ quần áo ở ngoài phố bức xúc kể, chị đã bị một khách hàng quen từ nhiều năm nay mắng, vì bà ta đi vào chợ Đồng Xuân chơi và thấy một chiếc áo đẹp, bà ta đã mua và bây giờ nhìn thấy ở cửa hàng của chị nên bà ta hỏi giá, nói là muốn mua.
Nhưng khi chị nói giá thì bà ta nói thật là đã mua trong chợ Đồng Xuân với giá rẻ hơn nhiều và mắng chị sao bán đắt thế. Từ đó, bà khách hàng quen không bao giờ quay lại cửa hàng của chị nữa.
Chị bán hàng cũng kể là phát hiện ra một số khách hàng quen, giờ đây vẫn qua lại cửa hàng của chị để xem quần áo và hỏi giá, nhưng không mua.
Tuy nhiên, một vài ngày sau đã thấy họ đã mặc những quần áo mà họ đã xem và hỏi giá ở cửa hàng của chị. Có lẽ họ chỉ đến để xem và khảo giá rồi vào chợ Đồng Xuân mua cho rẻ hơn.
Chị bán hàng phàn nàn, với cung cách làm ăn thế này, doanh thu giảm sút trông thấy mà chi phí ngày càng tăng thì không biết cửa hàng của chị còn tồn tại được bao lâu nữa.
Nếu các cửa hàng bán lẻ „chết“ thì các nơi giao hàng bán buôn có tồn tại mãi được không?
Đúng là người đời chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không để ý tới cái hại sau lưng.
Chẳng khác gì một con chim đang rình mổ một con sâu mà không để ý một con cáo đang rình vồ nó. Con cáo đang rình vồ con chim mà không nhìn thấy người thợ săn đang rình để bắn nó.
Mong rằng những người bán buôn tỉnh ngộ, chỉ bán buôn để những người bán lẻ còn có đất sống, nếu không thì tất cả cùng „chết“!
Trung Khoa
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC