Vào đầu năm 2018, hai đối tượng người Nordschwaben đã bị kết án tù vì tội giả mạo doanh nghiệp buôn bán trên mạng trực tuyến – một người lĩnh án 2 năm tù giam, người kia là 3 năm 8 tháng. Hai tội phạm này đã vận hành tới hơn 40 cửa hàng giả trên mạng trực tuyến, tổn thất lên tới 13.000 Euro.
Những cửa hàng nhái hay doanh nghiệp giả mạo – còn gọi là Fake-Shop – là gì và chúng sử dụng những chiêu trò gì để lừa đảo khách hàng sa bẫy?
Thứ nhất, Fake-Shop là những cửa hàng giả mạo trên mạng trực tuyến, lấy danh nghĩa bán hàng nhưng không bao giờ chuyển hàng cho khách, mà mục đích chủ yếu là để lừa tiền. Khi mới tiếp cận, khách hàng thường khó phân biệt Fake- Shop với những doanh nghiệp nghiêm túc, thậm chí rất nhiều Fake-Shop còn là giả mạo tên tuổi của những doanh nghiệp có thật. Thông thường, những đối tượng mở Fake-Shop để lừa đảo cũng không bao giờ vận hành chúng trong thời gian quá dài, tránh trường hợp an ninh mạng định vị và tìm được họ. Thứ hai, chúng thường hứa hẹn và mời chào khách hàng mua các món đồ hiệu với giá rất phải chăng, thậm chí cực rẻ. Sau khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của “cửa hàng”, cũng là lúc chúng “không cánh mà bay”, “bặt vô âm tín”. Khách hàng sẽ không bao giờ nhận được bất cứ hồi âm nào nữa.
Trong hầu hết các trường hợp lừa đảo này, người tiêu dùng cũng không có bất cứ phương thức hay hàng động pháp lý nào đòi được công lý cho mình, bởi hoặc là các Fake-Shop đều không đăng ký tài khoản tại Châu Âu, hoặc chúng che giấu quá giỏi, không thể tìm ra.
Làm sao để nhận biết Fake-Shop?
Nếu để ý hơn, khách hàng sẽ nhận ra những dấu hiệu cảnh báo doanh nghiệp giả mạo, ví dụ giá cả quá rẻ, nhiều lời mời chào rất hời; chủ shop chỉ chấp nhận khách trả tiền trước rồi mới giao hàng; trang mạng trực tuyến không đăng phần ghi chú của doanh nghiệp, không có hoặc không đầy đủ thông tin về chủ cửa hàng; chỉ có những đánh giá quá tốt hoặc không có đánh giá nào. Tuy nhiên, rất nhiều Fake-Shop ngày càng xảo quyệt và khéo léo hơn. Ví dụ chúng cũng tạo ra những điều khoản và thỏa thuận kinh doanh (Allgemeine Geschäftsbedingungen) như thật, với các cam kết về bảo đảm an toàn dữ liệu. Ngoài ra, chúng cũng không dùng ngay cách đòi tiền trước, mà thật sự gửi hàng cho khách – nhưng đó sẽ là những sản phẩm hoàn toàn khác với đồ khách đặt hoặc chỉ là hàng nhái.
Để tránh rơi vào bẫy của Fake-Shop, khách hàng nên tìm hiểu kỹ mọi thông tin trước khi vào mua hàng, bằng cách tìm hiểu về cửa hàng đó qua công cụ truy vấn dữ liệu (Google), đọc các đánh giá hoặc bài viết giới thiệu của khách hàng khác về nó, so sánh giá cả của cửa hàng đó với những điểm bán khác, cả trực tuyến lẫn ngoài đời thật. Nếu giá bán được niêm yết trên mạng quá rẻ, không thực tế, lại không tìm được nhiều thông tin về người bán, khách hàng nên đổi cửa hàng khác. Đôi khi có thể gọi điện trực tiếp đến Trung Tâm Bảo Vệ Người Tiêu Dùng để hỏi.
Bình Minh
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC