Đối với mỗi trẻ, ngày đầu tiên đến trường sẽ là một kỷ niệm đẹp, được ghi nhớ trong suốt cuộc đời của các em và cha mẹ.
Ở Đức tất cả trẻ em khi lên 6 tuổi bắt buộc phải đi học ở trường tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 4). Nếu các bậc phụ huynh vì lý do nào đó mà không cho con đi học, sẽ bị Phòng Thanh thiếu niên gọi điện đến để phỏng vấn và xử phạt.
Hình ảnh các em học sinh lớp 1 cầm trên tay túi đường trong buổi lễ nhập trường (Ảnh: tác giả cung cấp)
Ngày đầu tiên đến trường
Đối với mỗi trẻ, ngày đầu tiên đến trường sẽ là một kỷ niệm lớn, được ghi nhớ trong suốt cuộc đời của các em và cha mẹ. Các em học sinh mới thường rất hồi hộp và phấn khởi chuẩn bị cho buổi đến trường đầu tiên của mình.
Không phân biệt chủng tộc, màu da, tất cả trẻ em ở Đức được phân chỗ để học tập tại các trường tiểu học gần nơi ở nhất của gia đình. Trẻ em Đức và con cái người nước ngoài đều được học chung một trường, một lớp, không hề có sự phân biệt. Học sinh đến trường học tập không mất tiền.
Để ngày đầu đến trường của con em mình được long trọng, cha mẹ thường mua quần áo, giày, mũ đội mới, đáp ứng theo nguyện vọng riêng của từng trẻ. Việc mua cặp sách và đồ dùng học tập cho con cái, cha mẹ phải theo đúng như hướng dẫn của nhà trường.
Một truyền thống rất hay ở Đức là: Ngày đầu tiên đến trường, mỗi học sinh sẽ nhận một “túi đường” được làm bằng bìa cứng, có dạng hình phễu, kích thước, màu sắc hoặc trang điểm bên ngoài rất đa dạng và phong phú.
“Túi đường” này cũng được thay đổi kiểu trang trí qua các năm giống như xu hướng thời trang. Nội dung trong “túi đường” thường là: Socola, bánh, kẹo, đồ chơi, bút và giấy vẽ...
Để học sinh mới không biết được trong “túi đường” có những gì, miệng túi luôn được buộc chặt bằng nơ rất đẹp. Khi đến dự lễ nhập trường, mỗi em học sinh đều ôm một “túi đường” theo bên mình.
Thật tuyệt vời khi ở lễ hội, rất nhiều cha mẹ đã chảy nước mắt cảm động vì nhìn thấy các con mình đã lớn khôn và được đến trường. Ông bà, cha mẹ và họ hàng, ai ai cũng ăn mặc lịch sự, các em cũng được ăn mặc rất đẹp và tươm tất.
Tùy từng tiểu bang của Đức, hình thức của buổi lễ nhập trường cho các em học sinh lớp 1 được tổ chức đa dạng, phong phú theo từng trường và với thời gian khác nhau.
Thông thường buổi lễ này được tổ chức vào buổi sáng thứ bảy, như vậy cha mẹ, ông bà và họ hàng của học sinh có thời gian đến tham dự được đầy đủ hơn.
Vừa bước vào cổng trường, người tới tham dự đã bị cuốn hút bởi khung cảnh được trang trí hết sức rực rỡ, đầy màu sắc và phù hợp, gây nên sự khích lệ, hứng thú muốn đến trường học của các em học sinh lớp 1.
Buổi lễ này kéo dài từ 1 đến 2 tiếng kể cả phần hướng dẫn phụ huynh và học sinh tham các phòng học, phòng nhạc, phòng thể thao, phòng ăn, hội trường…
Hình ảnh trang trí cho buổi lễ nhập trường của các em học sinh lớp 1 (Ảnh: tác giả cung cấp)
Quan trọng và hồi hộp nhất là phần các học sinh mới được gọi tên lên sân khấu. Sau khi mỗi lớp đã có đủ số học sinh thì cô thầy chủ nhiệm cũng được mời lên sân khấu. Lúc đó, Hiệu trưởng của trường sẽ lên chúc mừng và tuyên bố: đây là lớp 1A, 1B hoặc 1C...
Các em được làm quen với thầy cô giáo chủ nhiệm và các bạn học cùng lớp. Theo quy định chung của Bộ giáo dục, một lớp ở trường tiểu học chỉ được phép tối đa là 20 học sinh.
Thầy cô giáo chủ nhiệm là người dạy chính. Họ phải dạy, theo dõi quá trình học tập và trưởng thành của học sinh từ lớp 1 đến lớp 4. Trong những trường hợp ngoại lệ, thầy cô phải dạy các em tối thiểu là 2 năm học liền mới được phép chuyển lớp cho đồng nghiệp khác.
Trong suốt buổi lễ nhập trường, hầu hết các gia đình đều được phép chụp ảnh hoặc quay Video cho học sinh. Những kỷ niệm đẹp này sẽ được ghi nhớ mãi trong suốt cuộc đời của mỗi trẻ.
Buổi liên hoan gia đình sau khi nhập trường
Sau buổi lễ ở trường, các cha mẹ tiếp tục tiến hành các cuộc liên hoan trong nội bộ gia đình theo sở thích. Do vậy, các buổi liên hoan này rất phong phú, độc đáo và mang dấu ấn riêng của mỗi gia đình.
Trong số này, nếu gia đình nào có vườn rộng, họ còn tổ chức liên hoan ngoài trời và có nhạc để múa, hát. Số còn lại sẽ đặt tiệc liên hoan tại các nhà hàng. Những người tham dự đã nhận được giấy mời của phụ huynh học sinh từ trước đó hàng tháng.
Thậm chí, với sự cho phép của cha mẹ các con còn được mời bạn thân của mình đến tham dự. Khi đến dự liên hoan, ai cũng chuẩn bị một món quà để tặng cho chủ nhân nhí của bữa tiệc.
Đến thời điểm này, các em cũng sẽ được thỏa mãn tính tò mò khi mở “túi đường” của mình. Đây là một kỷ niệm đẹp và cũng là ngày hạnh phúc nhất của các em kể từ khi chào đời đến nay.
Thú vị hơn nữa là khi tôi nhìn thấy một gia đình khoảng 15 người trong buổi lễ, ai cũng mặc một chiếc áo phông màu xanh da trời, phía trước ngực in dòng chữ màu đỏ “Tôi học ABC”.
Tôi vô cùng cảm động và suy nghĩ:
Chúng ta có nên tổ chức những hình thức đẹp và ý nghĩa như thế này ở Việt Nam hay không? Tuy mức sống của người dân Việt Nam chưa cao bằng Đức, song chúng ta vẫn có thể thực hiện được sao cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cho phép.
Người Việt Nam có truyền thống ham học hỏi và chí tiến thủ cao.
Các bậc cha mẹ nào cũng muốn tạo ra cho con mình những ấn tượng không bao giờ quên của thời học sinh.
Cũng như người Đức, người Việt định cư ở Đức thường tổ chức buổi lễ cho các con tùy theo điều kiện kinh tế cho phép của mỗi gia đình. Đây cũng là cơ hội để họ gặp gỡ, thăm hỏi và chia sẻ niềm vui cùng nhau.
Nguồn: Đinh Tuyết Mai/ giaoduc.net.vn
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC