Trong thời gian dài, châu Âu luôn được xem là “miền đất hứa”, nơi nhiều người di cư trên thế giới muốn tìm bến đỗ, mong muốn đổi đời. Thế nhưng, đó là trong quá khứ. Ở thời điểm hiện tại, châu Âu đang loay hoay tìm lối thoát khủng hoảng, người dân đang gồng mình vượt qua những ngày tháng cơ cực do thiếu khí đốt, lạm phát, không có nơi ở…
Cái nghèo không buông tha ai
Tại châu Âu, số người sống trong tình trạng nghèo tuyệt đối không nhiều song hàng triệu người bị ảnh hưởng do tình trạng nghèo đói so với mức trung bình ở các nước. Những người thuộc diện này phải sống hạn chế, và chật vật chi trả, đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.
Ở những quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), một người bị coi là có nguy cơ nghèo nếu thu nhập của họ dưới 60% mức trung bình thu nhập ở quốc gia mình. Nếu dưới 50% được coi là nghèo cùng cực.
Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và được xem là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới, song biểu hiện của nghèo đói đang gia tăng trên khắp nước Đức. Đò là hình ảnh người vô gia cư vạ vật trên đường phố, bà mẹ nhịn khẩu phần ăn để nhường con và những người nghỉ hưu phải nhặt ve chai kiếm tiền nuôi thân.
Đức được xếp hạng là quốc gia giàu thứ 20 trên thế giới theo GDP bình quân đầu người vào năm ngoái. Nếu cộng giá trị của tất cả hàng hóa được sản xuất trong một nước và chia cho số cư dân, trung bình mỗi người Đức nhận 50.700 USD/năm, trong khi ở quốc gia giàu nhất thế giới Luxembourg là 136.700 USD/người/năm và quốc gia nghèo nhất thế giới – Burundi là 270 USD/người/năm.
Xét theo định nghĩa, khái niệm cái nghèo của châu Âu, tại Đức những người độc thân có thu nhập ròng dưới 1.148 euro/tháng (1.114,7 USD/tháng) được coi là dưới mức nghèo khổ. Đối với các bậc cha mẹ đơn thân có một con, con số này là 1.492 euro và đối với một hộ gia đình có đủ cha mẹ và hai con là 2.410 euro.
Theo tổ chức bảo trợ cho các quỹ phúc lợi xã hội của Đức – Paritätische Wohlfahrtsverband, khoảng 13,8 triệu người Đức sống trong cảnh nghèo đói hoặc có nguy cơ phải sống dưới mức nghèo đói. Chính phủ Đức cũng bày tỏ lo ngại về khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng.
Khi lạm phát tăng vọt ở Đức, ngày càng nhiều người nhận thấy mình không thể đủ sống nếu không được hỗ trợ. Với nhiều người, việc mua đồ ăn hàng ngày như bánh mì, sữa, trái cây và rau quả… đang trở nên khó khăn hơn bởi những nhu yếu phẩm này tăng giá ít nhất 12% so với một năm trước.
Người Đức đối mặt với tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng. (Ảnh: DW)
Tình trạng nghèo đói cũng len lỏi và có dấu hiệu gia tăng ở người cao tuổi tại Đức. Lương hưu hàng tháng của họ giờ đây cũng không đủ để trang trải cho các khoản chi phí với giá cả tăng vọt. Theo một nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Bertelsmann Foundation, tình trạng nghèo đói tuổi già dự đoán có thể ảnh hưởng đến 20% người Đức vào năm 2036.
Theo quy định, những người có mức lương hưu thấp hơn ngưỡng nhất định sẽ được yêu cầu chính phủ hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều người không muốn làm vậy vì sẽ bị coi là nghèo khổ. Các nghiên cứu cho thấy 2/3 số người có quyền yêu cầu trợ cấp cảm thấy xấu hổ khi làm điều đó. Những người cao tuổi thường muốn tiếp tục làm việc hoặc thu nhặt ve chai để kiếm thêm.
Ở Đức, số người tuy có công việc nhưng vẫn không đủ để sống đang tăng lên, ngay cả khi mức lương tối thiểu tăng. Với mức lương 12 euro mỗi giờ, một người độc thân làm việc 40 giờ một tuần sẽ có thu nhập khoảng 1.480 euro mỗi tháng. Mặc dù trên danh nghĩa, số thu nhập này cao hơn mức nghèo khổ, nhưng do lạm phát quá cao nên mức lương này vẫn rất khó để chi trả cuộc sống.
Sinh viên cũng không phải là ngoại lệ của tình trạng nghèo đói hiện nay, nhất là những người nhận tài trợ liên bang. Những sinh viên nhận được tối đa 934 euro một tháng, bao gồm tiền nhà ở và bảo hiểm y tế. Số tiền này đưa sinh viên xuống dưới mức nghèo khổ.
Chính phủ Đức có kế hoạch chi 200 tỷ euro để giảm bớt tác động của giá năng lượng cao, song con số này được cho sẽ không đủ để bù đắp cho chi phí bổ sung. Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát sẽ vẫn ở mức cao, cuộc sống ở Đức sẽ vẫn đắt đỏ trong tương lai gần, và những người không có tài chính và không có các khoản tiết kiệm sẽ là những đối tượng cảm nhận rõ nhất tình trạng khó khăn này.
Nhiều người vô gia cư
Bồ Đào Nha cũng đang phải vật lộn để đối phó với tình trạng gia tăng người vô gia cư. Theo tổ chức Doctors of the World, số lượng người vô gia cư đã tăng đáng kể ở Bồ Đào Nha kể từ khi xung đột bùng phát ở Ukraine.
Tác động xung đột Ukraine khiến lạm phát gia tăng, giá lương thực tăng vọt. Theo dữ liệu từ cơ quan thống kê châu Âu Eurostat, giá bánh mì trung bình ở EU vào tháng 8 cao hơn 18% so với một năm trước.
Trong khi đó, chi phí sinh hoạt tăng đang làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo hiện nay. Tỷ lệ lạm phát ở Bồ Đào Nha, một trong những quốc gia nghèo nhất Tây Âu, đạt mức cao nhất trong 30 năm là 9,3% vào tháng trước.
Theo Công ty Bảo hiểm CIA Landlords (Anh), mức lương bình quân thấp và giá thuê cao khiến Lisbon bị tụt hạng trong danh sách các thành thành phố đáng sống trên thế giới. Mức thu nhập bình hàng tháng của cư dân ở thành phố này là 878 euro (852 USD), nhưng các căn hộ hiếm khi có giá thuê dưới 1.000 euro.
Jose Moreno, cư dân 48 tuổi, đang phải lang thang, vạ vật trên đường phố Lisbon, cho biết giá thực phẩm tăng vọt khiến cuộc sống của ông ngày càng khó khăn hơn. “Đối với những người thu nhập thấp, việc mua được đồ ăn ngày càng khó. Giá cả các mặt hàng đều tăng”, Jose Moreno nói.
Thậm chí, theo Reuters, nhiều cư dân Lisbon tham gia xếp hàng dài để được thực phẩm miễn phí. Một số người trong đó nói rằng nếu không có sự giúp đỡ từ các tổ chức từ thiện, họ có thể đối mặt với “nguy cơ chết vì đói”. Lạm phát khiến ngay cả bánh mì họ cũng không thể mua nổi.
Theo tổ chức Doctors of the World, lạm phát và chi phí nhà ở cao đã đẩy nhiều người vào tình cảnh vô gia cư, trong số này có cả những người có việc làm song không kiếm đủ tiền thuê nhà. Trước bối cảnh đầy rẫy những bất ổn, khó khăn như hiện nay, số người vô gia cư được dự báo sẽ tăng hơn nữa trong mùa đông này.
Bà Maria Benina Caballero, người gốc Philippines đến Italia cách đây 21 năm để làm công việc dọn dẹp. Bà nhận được khoản lương hưu hơn 500 euro (498 USD) mỗi tháng, không đủ để trang trải các chi phí hàng tháng.
“Tôi đến đây hầu như mỗi ngày. Ở Milan, mọi thứ đều đắt hơn nhiều so với trước đây. Tôi sẽ phải sử dụng nến thay vì điện và không biết nấu ăn bằng cách nào?”, bà nói, lo ngại về chi phí hóa đơn ngày càng tăng.
Cùng cảnh ngộ, Lamberto Zannoni, 82 tuổi, nhân viên pha chế nghỉ hưu, xếp hàng bên ngoài trụ sở tổ chức từ thiện Pane Quotidiano mỗi ngày kể từ năm 2016.
“Nếu không đến đây mỗi ngày để kiếm thức ăn, tôi không biết mình sẽ duy trì cuộc sống đến cuối tháng như thế nào. Tôi sống trong một căn hộ và phải trả chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Tôi có thể phải hứng chịu cái lạnh vào mùa đông”, ông nói.
Mùa đông sắp tới được dự báo sẽ còn khó khăn hơn. Thực phẩm khan hiếm, khiến các gia đình tại Italia phải móc nhiều hầu bao hơn để mua. Giá cả mặt hàng tăng cao được cho là do sản lượng sụt giảm, nguyên nhân từ sự tăng giá năng lượng, chi phí sản xuất cao, cũng như các yếu tố nắng nóng kỷ lục và hạn hán diễn ra thời gian qua.
Theo VTC
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC