Một vị khách mời trong buổi tiếp đãi Nguyễn Anh Tuấn ở Boston có anh Roland Schatz, CEO của Media Tenor, đến từ Thụy Sỹ. Lớn lên ở Tây Đức và chứng kiến bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 khi anh là một chàng thanh niên.
Công viên Boston. Ảnh: HM
Là người chuyên về truyền thông nên Roland rất nhớ các sự kiện trên thế giới. Chả hiểu câu chuyện thế nào mà anh quay sang kể chuyện bức tường gây chia rẽ, và lúc nó sụp, đúng như tôi đã viết trong entry “Vài sai lầm trong quá khứ”.
Bức tường xây nên trong một đêm. Và biến mất cũng trong một đêm do một UVTW Đảng sai lầm khi họp báo.
Đông Tây chưa hội ngộ
Khi tôi nhắc về sự chia rẽ Việt Nam sau chiến tranh thì Roland gạt đi. Anh cho rằng, 22 năm thống nhất không mất một giọt máu mà vẫn còn Đông và Tây Đức, thì Việt Nam qua chiến tranh huynh đệ tương tàn, chia rẽ Nam – Bắc, bên này, bên kia, là phải thôi.
Roland có chi nhánh công ty ở Leipzig (Đông Đức cũ) với khoảng 90 nhân viên. Họ được trả 800 EURO/tháng, quá rẻ so với nhân viên có lương 3000-4000 € ở Tây Đức.
Rất tiếc, nhân viên Leipzig lại an phận, đi muộn về sớm, chỉ thích bia bọt và ít người làm thêm giờ. Với họ 800 EURO đủ thuê nhà, ăn ở và đi chơi bời, yên phận thủ thường. So với thời XHCN thì họ đang ở thiên đường rồi
Khi Roland đặt vấn đề với đồng nghiệp cần làm tích cực hơn, có hiệu quả hơn, và có thể trả tới 3000ER/tháng, nhưng chẳng ai muốn nghe.
Roland cáu quá vì thấy công việc không hiệu quả, đành đóng cửa chi nhánh Leipzig. Lúc đó 90 nhân viên mới biết nếm mùi thất nghiệp.
Tuy nhiên, Roland vẫn cho họ một cơ hội được thi tuyển vào chi nhánh bên Tây Đức. 10 người trong số kia được tuyển, lương 2000 €. Nhưng họ phải chuyển gia đình, hoặc sang ở trọ và xa nhà hàng tháng. Thân lừa ưa nặng và họ bắt đầu thấm thía chủ nghĩa tư bản thực dụng.
Theo Roland, những người quen sống theo kiểu bao cấp đã chây ỳ trong suy nghĩ, vì luôn cho rằng, việc ấy có Chính phủ hay ai đó lo.
Người Đông Đức tự cho mình có đạo đức cao, không vì tiền như dân Tây Đức. Họ tỏ vẻ khinh thường cuộc sống vật chất và tiện nghi. Nhưng nghịch lý là dân Đông Đức chỉ thích xe Tây Đức, còn xe Trabant bằng giấy carton không ai thèm dùng.
Khi mở cửa Berlin, Roland đã đến Đông Đức sớm nhất. Anh vô cùng ngạc nhiên những khu tập thể tồi tàn (cho dù Đông Đức lúc đó giầu nhất khối XHCN), nhà vệ sinh bẩn thỉu, gầm cầu thang đầy rác, thế mà dân vẫn sống bình thường.
Để cho Đông Đức hòa nhập với Tây Đức chắc cũng mất thêm vài chục năm nữa. Tây Đức cứ nghĩ thống nhất và có tiền thì Đông Đức sẽ thành Tây Đức. Nhưng đời đâu dễ thế. Tiền phải đi theo với văn hóa mới thành văn minh.
Roland từng biểu tình ủng hộ Việt Nam thời chiến tranh Mỹ-Việt. Anh rất yêu người Việt, từng đến Việt Nam, là bạn rất thân của Nguyễn Anh Tuấn.
Đúng kiểu phong cách Đức rất tiết kiệm.
Anh thường xuyên đến Boston, vào nhà Tuấn ngủ, vừa có bạn nói chuyện, lại tiết kiệm tiền, cho dù có thể ở khách sạn 5 sao, dùng vé máy bay hạng thương gia nhưng chỉ mua loại economy.
Cha mẹ kiểu Đức
Roland kể hồi 5 tuổi, mẹ mất và trong đám tang có tiếng đàn piano của người bạn đưa tiễn. Anh thương mẹ và thề sẽ học đàn để đánh cho mẹ nghe.
Kể lại ý tưởng cho ông bố thì ông rất ngạc nhiên về một đứa bé 5 tuổi muốn học đàn piano. Nhưng với nhậy cảm của người cha, ông đã cho Roland đi học piano và đã thành công dù anh không trở thành chuyên nghiệp.
Anh cảm ơn cha nhiều vì đã tôn trọng mong ước của một đứa trẻ 5 tuổi, nhờ đó mà anh có một cuộc sống phong phú trong nghề nghiệp và cả tâm hồn.
Trong entry trước về Boston, tôi có viết về một người Đức biểu diễn bài Sonate Ánh trăng trong nhà Tuấn, chính là anh Roland này, CEO của Media Tenor có tầm cỡ quốc tế.
Anh chơi với cả trái tim, những ngón tay lướt nhẹ nhàng trên phím, tiếng đàn có hồn, say đắm lòng người, nhất là trong đêm trăng Beacon Hill và rừng cổ tích Mount Vernon.
Nguyễn Anh Tuấn thích quá, liền phụ họa vài bài. Hai anh chàng này chuyên về truyền thông, chơi piano cũng khá và có lẽ vì thế mà họ hòa nhập được với giới tinh hoa của Boston.
Người Đức có vài đức tính quan trọng dễ thấy, đúng giờ, tiết kiệm, không pha phí thức ăn.
Tối đó, anh Roland tự đi chợ, mua đồ và nấu món gullage (bạn nào bên Đức sửa hộ cho chính xác) bao gồm thịt lợn lúc lắc, cà chua, cà rốt, rượu vang, ăn với mỳ sợi, ngon tuyệt.
Còn thừa độ nửa đĩa, anh quyết ăn hết dù đã no, thức ăn đã bày ra thì phải ăn cho hết. Bà ngoại anh dạy thế và đến lượt anh dạy các con phải biết quí trọng lương thực, thực phẩm. Bà ngoại anh từng sống qua chiến tranh nên hiểu thế nào là đói khát.
Anh không cho các con xem tivi, duyệt nét quá nhiều. Chê nước Mỹ vì xem tivi 4-5 tiếng/ngày, quảng cáo vô tội vạ, 5 phút lại ngừng cho quảng cáo nhất là giờ cao điểm.
Chính vì vậy mà người Mỹ không bao giờ tập trung quá 5 phút. Họ không đọc sách nhiều như người Đức hay người Nga. Fastfood society – xã hội sống chớp nhoáng đúng kiểu Mỹ: McDonald bánh mỳ kẹp thịt, coke, hamburger, hot-dog, starbucks… kể cả sex tầu nhanh.
Đức Mỹ xem chừng là đồng minh của nhau nhưng chưa bao giờ thích nhau. Chắc dân Đức không quên vụ đổ bộ của Đồng minh lên Normandi.
Người Đức nói về người Đức…gốc Việt
Khi đến Leipzig năm 1997, tức là gần 10 năm sau bức tường sụp đổ, Roland thật bất ngờ thấy trong nhiều quán ăn viết trên bảng “Ở đây chúng tôi không bán cho người Việt”, trong khi anh thấy người Việt đáng mến và thân thiện.
Có lẽ nhiều người buôn bán lậu thuốc lá, sống chui lủi, ăn uống nhồm nhoàm, làm mất thể diện quán nên ông chủ làm thế cho đỡ mất khách Đức. Roland nói mà cả Tuấn và mình đều nhìn nhau và xấu hổ thay.
Nhưng chính anh bắt đầu đặt câu hỏi về đạo đức của người Đông Đức XHCN. Tại sao họ thuộc bài Quốc tế ca có lời “Kết đoàn lại để ngày mai. Internationale” mà phân biệt chủng tộc hơn cả dân tư bản Tây Đức.
Kể chuyện về ông Phó thủ tướng Đức gốc Việt, anh chán ngán và hỏi, tại sao một người trông rõ là da vàng, mũi tẹt, mà đi đâu cũng bảo “Tôi là người Đức”. Không thể hiểu nổi.
Cuộc chiến tranh lần thứ 1 và 2 đều do Đức gây ra chỉ vì họ tự coi dân tộc Đức là thượng đẳng.
Dân Do Thái thông minh hơn nên bị giết. Một người khác chủng tộc Đức mà đòi nhận là người Đức thì quả là khó chấp nhận với những người như Roland, làm tới CEO của một công ty nổi tiếng.
Một người chối bỏ nguồn gốc của mình thì liệu tư cách của anh ta có đáng được bàn nhiều trên báo chí đến thế. Roland băn khoăn.
Mình cười, đi bầu cử ở phương Tây thì đành vậy, bên Mỹ cũng thế thôi. Nếu nói mình gốc Việt thì khó mà lên được PTT. Ít nhất là dân Leipzig tẩy chay trong cửa hàng ăn thì sẽ không bầu anh chàng này.
Nhưng tôi cũng bảo anh, dân Việt chúng tôi tự hào về anh PTT này lắm. Bao nhiêu báo chí, blog ca ngợi. Tôi không dám nói có người nghĩ thầm trong bụng về chuyện “Thấy người sang…”.
Viết vài dòng về người Đức nói về người Đức cho các bạn đọc chơi.
Nhiều việc quá nên entry còn nhiều sạn. Nhưng đúng kiểu Cua Times, nghĩ gì, thấy gì, viết nấy.
Tôi thích ý tưởng của Nguyễn Anh Tuấn về truyền thông toàn cầu: Minh bạch, đúng sự thật và người viết cần được bảo vệ bởi luật pháp quốc tế.
Chúc các bạn vui cuối tuần.
HM. 11-11-2011
PS. Ảnh anh Roland lại trên máy ảnh mà máy ảnh vứt ở VP. Mai sẽ đưa lên vài cái. Hôm nay đành đưa vài cái tôi chụp ở Boston cho bà con xem vui mắt.
Phẳng lặng bên hồ. Ảnh: HM
Theo: Hiệu Minh Blog
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC