Theo “bản đồ hạnh phúc”, tiếng Đức gọi là “Glückatlas”, là những nghiên cứu của hãng Bưu Điện Đức dựa vào các khảo sát và đánh giá qua việc hỏi về trải nghiệm và cảm xúc của người dân sống ở từng địa phương, thì người Đức chưa khi nào từng thấy hạnh phúc như hiện nay.
Đầu tháng 11 vừa qua, ông Bernd Raffelhüschen, người phụ trách khảo sát, đã trả lời phỏng vấn trong buổi ra mắt kết quả tại Berlin rằng, đây là lần thứ 9 thực hiện khảo sát “bản đồ hạnh phúc” dựa vào 7 tiêu chí, bao gồm: Nơi ở, Gia đình, Thời gian nhàn rỗi, Công việc, Sức khỏe, Thu nhập gia đình, Thu nhập riêng. Mỗi tiêu chí sẽ được đánh giá theo chỉ số từ 1 đến 10. Năm 2019, có gần 30.000 người dân đã tham gia.
Mức độ hạnh phúc người Đức
Nói về sự hài lòng với cuộc sống hiện tại, lần đầu tiên người Đức đạt kết quả trung bình là 7,14 – trong khi cho đến năm ngoái (2018) vẫn chỉ đạt 7,05.
Động lực lớn nhất đối với họ chính là mức thu nhập riêng tăng hơn trước. Ông Raffelhüschen chia sẻ rằng, điều khiến ông vô cùng vui mừng là cả người giàu lẫn người nghèo đều cảm thấy họ thật sự giàu có hơn trước đây rất nhiều!
Và dù muốn hay không, kết quả khảo sát càng khẳng định một điều: “Có tiền sẽ khiến chúng ta hạnh phúc”!!!
Đơn giản vì hơn 10 năm nay, nền kinh tế của Đức tăng trưởng tốt, nhiều người cảm thấy có khả năng chi tiêu hơn trước. Tất nhiên là một cuộc sống hoàn chỉnh không chỉ cần có tiền, mà tình yêu còn quan trọng hơn nhiều nữa.
Mức ly hôn giảm từ 50% xuống 30% kể từ năm 2007 đến nay cũng là lý do khiến nhiều người thấy hạnh phúc hơn. Bên cạnh đó, sức khỏe được chăm sóc tốt hơn và tuổi thọ tăng cao hơn ở người lớn tuổi đã về hưu cũng giúp chúng ta cảm nhận hạnh phúc sâu sắc hơn. Sự hài lòng về sức khỏe ở người cao tuổi đã tăng từ chỉ số 5,5 lên 6,8 trong vòng 20 năm qua. Rất nhiều người quan tâm đến việc giữ gìn sức khỏe, tham gia các khóa luyện tập, thể dục thể thao đều đặn cũng tăng cường sản sinh các hormone hạnh phúc.
Kết quả khảo sát còn cho thấy, tầng lớp những người cao tuổi lại là những người dễ hài lòng với cuộc sống hơn. Từ tuổi trẻ đến khoảng độ tuổi 55, người trưởng thành thường ít niềm tin vào thành công, không cảm thấy thỏa mãn với mọi thứ. Nhưng sau độ tuổi đó thì lại khác. Họ có nhiều thời gian hơn, sự chín chắn và từng trải khiến họ coi nhẹ nhiều thứ hơn, thấy thanh thản hơn, chấp nhận tuổi về hưu hoặc tiếp tục thăng tiến đạt thu nhập cao hơn đều là những nguyên nhân khiến người cao tuổi thấy hạnh phúc hơn.
Nhiều chỉ số khá thú vị đã chỉ ra rằng, những người dân sống ở các vùng thuộc Đông Đức ngày càng thấy hạnh phúc hơn trước đây rất nhiều. Hiện nay, chỉ số hạnh phúc của họ chỉ còn kém các “bạn hàng xóm” bên Tây Đức 0,17 điểm mà thôi. Tuy nhiên, hạnh phúc chưa hoàn toàn “viên mãn tròn đầy”, bởi vùng Brandenburg vẫn xếp hạng chót như năm 2018 trong danh sách “những tiểu bang hạnh phúc” nhất tại Đức – chỉ số giảm sút từ 6,84 (năm 2018) xuống còn 6,76 – lý do duy nhất là bởi mức thất nghiệp tại đây quá cao.
Ngay cả bang Mecklenburg- Vorpommern cũng tụt từ số thứ 15 xuống số 18, chỉ đứng trước Brandenburg. Các bang Sachsen-Anhalt, Sachsen, Thüringen và Berlin hoặc là có tăng các chỉ số hoặc giữ được vị trí xếp hạng của mình, tuy nhiên vẫn đứng sau nhiều tiểu bang của Tây Đức. Đứng đầu bảng xếp hạng là Schleswig-Holstein với chỉ số 7,44 – theo ông Raffelhüschen đánh giá thì đây không hẳn là kết quả “khách quan”, mà phần lớn dựa trên những quan điểm sống tích cực. Ngay sau đó là Hessen, Hamburg và Franken. Trước khi đến các tiểu bang của Đông Đức thì là tổ hợp các tiểu bang khác của Tây Đức với chỉ số tương tự nhau.
Anh Thư
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC